Một thời vừa học vừa làm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi còn làm chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai-Kon Tum những năm tháng thời bao cấp, tôi đã chứng kiến và tham gia nhiều dự án, mô hình giáo dục ở địa phương.

Nhiều mô hình giáo dục xây dựng thành công, đưa vào áp dụng trong thực tế đã được Bộ GD-ĐT cũng như lãnh đạo tỉnh đồng tình ủng hộ và trở thành điểm sáng điển hình trên toàn quốc, nhiều nơi đã tham quan, học tập kinh nghiệm như: bán trú dân nuôi; bổ túc văn hóa cho cán bộ; dạy song ngữ Jrai-Việt, Bahnar-Việt cho học sinh dân tộc bản địa và mô hình trường vừa học vừa làm (VHVL). Trong đó, mô hình đào tạo thanh-thiếu niên hệ VHVL theo chương trình bổ túc văn hóa đã ghi dấu ấn khá đậm nét.

Trường Mầm non 19-5 được xây dựng trên nền cũ của Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm Bờ Ngoong. Ảnh: Đình Phê

Trường Mầm non 19-5 được xây dựng trên nền cũ của Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm Bờ Ngoong. Ảnh: Đình Phê

Từ năm 1976 đến 1990, tỉnh đã xây dựng được 2 trường VHVL gồm: Trường Thanh niên dân tộc VHVL Đê Par và Trường Thanh niên dân tộc VHVL Đak Tô. Trường Thanh niên dân tộc VHVL Đê Par đóng ở xã Nam, huyện An Khê (nay là xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang); đến năm 1983 thì chuyển về xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê và lấy tên Trường Thanh niên dân tộc VHVL Bờ Ngoong. Còn Trường Thanh niên dân tộc VHVL Đak Tô đóng ở xã Kon Đào, huyện Đak Tô, tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ).

Xuất phát từ thực tế, sau ngày thống nhất đất nước (1975), ở một số tỉnh miền núi, số thanh-thiếu niên người dân tộc bản địa thiếu học và mù chữ chiếm đa số, số cán bộ, bộ đội từ trong kháng chiến trở về chưa có điều kiện đến trường học văn hóa nên ngành GD-ĐT đã đề xuất với tỉnh và Bộ GD-ĐT cho mở các trường bổ túc văn hóa từ huyện đến tỉnh, đồng thời thí điểm loại hình trường VHVL cho đối tượng thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số để đào tạo nguồn cán bộ. Đối tượng chiêu sinh là con em người dân tộc thiểu số (15 tuổi trở lên), học tập trung, có chế độ Nhà nước nuôi ăn học, được chính quyền cơ sở chọn lọc cử đi học. Trường VHVL Đê Par chỉ tuyển sinh và đào tạo đến hết cấp II (THCS); sau đó một số em được gửi học lên cấp III (THPT), một phần cho đi đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp và trở về địa phương phục vụ. Trường VHVL Đak Tô tuyển sinh đến cấp III. Các em tốt nghiệp sẽ được cử đi học các trường chuyên nghiệp hoặc vào đại học.

Trường VHVL là đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT, có ban giám hiệu, các phòng, ban chức năng, bộ phận cấp dưỡng và đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm quản lý học sinh nội trú; học sinh ăn ở, học tập nội trú, 1 buổi lên lớp học văn hóa hệ bổ túc, 1 buổi lao động có hướng dẫn; buổi tối được thầy cô hướng dẫn ôn bài, sinh hoạt văn nghệ tại ký túc xá. Nhà trường được phép khai hoang một số diện tích đất nông nghiệp nhất định để học sinh trồng trọt, chăn nuôi dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Chính việc vừa học văn hóa vừa được rèn luyện trong lao động nên đa số học sinh người dân tộc bản địa sau khi ra trường đều có những kỹ năng cơ bản trong sản xuất nông nghiệp. Bấy giờ, sản phẩm làm ra từ bàn tay lao động của học sinh như lúa, khoai, mì, bò, heo… được hạch toán vào công quỹ để phục vụ hoạt động chung của nhà trường và cải thiện các bữa ăn cho học sinh.

Riêng Trường VHVL Đak Tô qua nhiều năm phấn đấu đã trở thành mô hình giáo dục dẫn đầu trong cả nước, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Thời kỳ này, chúng tôi có tập hợp nhiều bài viết kinh nghiệm và điển hình về Trường VHVL Đak Tô in trong tập “Hoa của đất”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lương Ngọc Toản đã đánh giá: Tuy có kế thừa một số mô hình giáo dục của miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh, nhưng loại hình giáo dục cho đối tượng thanh-thiếu niên dân tộc theo kiểu VHVL ở Gia Lai-Kon Tum là một cách làm sáng tạo, có hiệu quả trong giai đoạn đất nước còn khó khăn. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu cho những địa phương miền núi có nhiều thành phần dân tộc bản địa.

Những thế hệ học sinh dân tộc Jrai, Bahnar được đào tạo từ các trường VHVL của tỉnh thời kỳ này đa số đã trở thành cán bộ chủ chốt ở các xã, huyện; nhiều người vươn lên học đại học trở về làm việc ở các ngành, các cấp trong tỉnh. Đến giai đoạn đổi mới, thời kỳ cải cách giáo dục, mô hình trường VHVL ở tỉnh không còn tồn tại nữa. Nhưng những đóng góp của loại hình trường VHVL đã để lại dấu ấn khó phai trong ngành GD-ĐT địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.