(GLO)- Cùng với nguồn lực xã hội, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã vận động giáo viên chung tay xã hội hóa xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn.
Tiếp thêm động lực đến trường
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2019. Hai năm nay, tỷ lệ duy trì sĩ số của trường đều đạt 100%. Năm học 2019-2020, trường là 1 trong 9 đơn vị được UBND tỉnh tặng bằng khen vì thành tích duy trì sĩ số học sinh. Kết quả đó có sự nỗ lực lớn của tập thể sư phạm nhà trường trong công tác chuyên môn cũng như xã hội hóa giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Kha-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Phụ huynh cho con đi học đã là điều đáng mừng rồi. Vì vậy, muốn xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn thì các thầy-cô giáo đều phải chung tay”.
Trước khi triển khai, Chi ủy, Ban Giám hiệu bàn bạc thống nhất rồi mới thông qua Hội đồng sư phạm nhà trường. Với cách làm này, cơ sở vật chất Trường Tiểu học Trần Quốc Toản ngày càng khang trang. Ở trường chính, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để bê tông hóa 500 m2 sân trường, hiệu trưởng và giáo viên, nhân viên tự nguyện đóng góp thêm trên 18 triệu đồng tiếp tục bê tông hóa 300 m2 còn lại, đồng thời xây tường bao quanh.
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) tặng xe đạp cho học sinh đầu năm học mới. Ảnh: Phương Duyên |
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo: “Sở rất ủng hộ sự năng động, sáng tạo của các đơn vị trường học trong công tác xã hội hóa giáo dục. Trên thực tế, nếu chỉ dựa vào nguồn lực Nhà nước thì không đủ sức lo hết. Sở cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo huy động xã hội hóa đúng theo tinh thần Thông tư số 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở đó, các trường đã có nhiều hướng đi hiệu quả trong việc huy động nguồn lực xã hội cũng như thầy-cô giáo; có trường còn tổ chức dạy thêm không lấy tiền...”. |
Thấy nhiều học sinh nhà xa trường, ngoài vận động hỗ trợ tặng các em 17 chiếc xe đạp, cán bộ, giáo viên đã đóng góp và tặng thêm 5 chiếc (trị giá khoảng 1,2 triệu đồng/chiếc). Những giáo viên có xe đạp cũ không dùng nữa cũng mang đi sửa chữa giúp thêm 10 em học sinh khó khăn có động lực theo đuổi con chữ.
Cô giáo Nguyễn Trịnh Thiên Hương bày tỏ: “Xã hội hóa không chỉ là việc bên ngoài mà còn phải từ nội lực bên trong. Hiểu được điều này nên chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của nhà trường trong việc xây dựng môi trường học tập khang trang, sạch đẹp, giúp học sinh học tập tốt, rèn luyện tốt, nhất là khi trường có đến hơn 50% học sinh dân tộc thiểu số”.
Mát xanh trường vùng “chảo lửa”
Bước vào khuôn viên Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa), ai cũng ngỡ ngàng trước khuôn viên xanh mướt với khoảng 60 cây xanh gồm: giáng hương, trắc, cẩm, lộc vừng… Thêm vào đó là giàn lan khoảng 100 chậu đủ loại, những đồi cỏ tươi xanh, giúp học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Nói về công tác xã hội hóa giáo dục để có được cảnh quan đáng mơ ước này, thầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng nhà trường-bộc bạch: “Chủ yếu là thầy-cô giáo và phụ huynh đóng góp. Quan trọng nhất là tính minh bạch phải đặt lên hàng đầu, mọi người thấy hiệu quả sử dụng kinh phí, đồng tiền đi thẳng vào việc làm thực chất. Nếu đáp ứng nhu cầu thực tế thì ai cũng ủng hộ”.
Với sự đóng góp nhiệt tình của giáo viên nhà trường và một phần của phụ huynh, bước sang năm thứ 3 triển khai phong trào xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn, Trường THPT Chu Văn An đã có một khuôn viên rợp bóng cây xanh. Thầy Thế cho biết thêm, nhà trường sẽ khánh thành thư viện ngoài trời thiết kế theo mô hình nhà sàn Jrai với diện tích sàn 60 m2, trị giá khoảng 135 triệu đồng, do giáo viên và phụ huynh nhà trường chung tay góp công, góp của.
Đáng chú ý, 4 hệ thống máy lọc nước cho hơn 1.000 học sinh sử dụng trực tiếp và 25 chiếc ti vi 55 inch trang bị tại 25 phòng học đều có sự tiên phong đóng góp của các thầy-cô giáo. Giáo viên đi đầu, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa đã biến ngôi trường vùng khó thành điển hình của ngành Giáo dục tỉnh nhà.
Thầy và trò Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) học tập, vui chơi trong khuôn viên xanh mát. Ảnh: Phương Duyên |
Em Nguyễn Ngọc Trúc Ngân-học sinh lớp 11A1-chia sẻ: “Em tự hào khi được học tập, vui chơi trong một khuôn viên rất đẹp của trường. Từ khi nhà trường lắp đặt hệ thống máy lọc, em cũng rất yên tâm về chất lượng nước uống”.
Thầy Lê Đức Thoại cũng đồng tình: “Chủ trương xã hội hóa là đúng đắn. Nhưng với trường vùng khó, nơi có khoảng 50% học sinh dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khá cao thì việc huy động nguồn lực bên ngoài là không dễ dàng gì. Đa phần giáo viên trong trường thấy được điều này nên đều tự nguyện tham gia khi có chủ trương”.
Bỏ tiền túi trang bị kỹ năng sống
Mới đây, 47 cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) hào hứng tham gia chương trình tập huấn phương pháp giảng dạy kỹ năng sống. Chương trình nhằm trang bị cho giáo viên những kiến thức chung về mối liên hệ giữa kỹ năng sống với các hoạt động vui chơi của trẻ mầm non; phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non như giao tiếp, ứng xử, bảo vệ và phát triển bản thân, sinh tồn… Nhưng ít ai biết rằng, chi phí mời giảng viên về tổ chức lớp tập huấn đều do cán bộ, giáo viên nhà trường tự lo liệu.
Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) tham gia một lớp tập huấn. Ảnh: Phương Duyên |
Cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Chúng tôi mong muốn dạy cho trẻ có những kỹ năng đơn giản nhất như lên xuống cầu thang, sử dụng đồ dùng, đồ chơi như thế nào cho an toàn… Trong chương trình giáo dục mầm non cũng có hoạt động giáo dục kỹ năng sống nhưng cô giáo chưa được đào tạo căn cơ, vì vậy cần được hướng dẫn thêm về phương pháp. Hàng năm, nhà trường đều được cấp kinh phí bồi dưỡng chuyên môn, tuy nhiên, phát triển kỹ năng lại là hoạt động ngoại khóa nên nhà trường quyết định huy động xã hội hóa từ phía giáo viên.
Cô giáo Võ Thị Thương hào hứng trò chuyện: “Ai cũng ủng hộ chủ trương này với mong muốn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ”. Còn chị Nguyễn Thị Dịu (nhà số 132A Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) nhận xét: “Chương trình giáo dục kỹ năng sống mà các cô đang triển khai thực sự bổ ích. Hay nhất là dạy trẻ kỹ năng phòng-chống xâm hại, giúp các bé tự bảo vệ bản thân”.
Cũng theo cô Thủy, công tác xã hội hóa ở nhà trường còn thể hiện ở chỗ các cô thường dành thời gian và tận dụng nguyên vật liệu phế thải làm đồ chơi, đồ dùng dạy học; cắt dán, vẽ tranh trang trí trường lớp, tôn tạo cảnh quan, chăm sóc cây hoa cảnh… Nhờ đó, Trường Mầm non Hoa Hồng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
PHƯƠNG DUYÊN