Theo Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong một số trường hợp, cúm mùa có thể dẫn đến viêm cơ tim cấp, gây rối loạn nhịp tim cấp, suy tim cấp tiến triển rất nhanh. Đáng chú ý, một số thuốc hay dùng khi điều trị triệu chứng cúm có thể làm nặng lên triệu chứng suy tim, tăng huyết áp.
![Người có bệnh lý tim mạch và tăng huyết áp cần tuân thủ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ Người có bệnh lý tim mạch và tăng huyết áp cần tuân thủ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248d5fa52624ddde052e18f0b4779db1b73bf136f01adc934bb41c9f4027f0db36265125c524848e2c03de257bc0d4db8f9/15a-17395388714491475397047.jpg)
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch trong thời điểm đang gia tăng bệnh cúm, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, lưu ý cúm có thể làm nặng lên các triệu chứng ở bệnh nhân suy tim và làm tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch ở cả người khỏe mạnh và người có bệnh nền tim mạch. Cúm mùa có thể gây sốt, mất nước và tăng nhu cầu ô xy khi nhiễm cúm khiến tim phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn đến suy tim cấp mất bù ở bệnh nhân suy tim, tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân tim mạch.
Chuyên gia tim mạch cho hay: Bệnh nhân tăng huyết áp hoặc suy tim thường được bác sĩ kê đơn các thuốc giãn mạch và lợi tiểu. Khi bị cúm, bệnh nhân có thể bị mất nước và giãn mạch do sốt, do đó cần tham vấn ý kiến bác sĩ tim mạch ngay để điều chỉnh các loại thuốc này. Hơn nữa, cúm mùa thường gây phản ứng viêm hệ thống, làm tăng nguy cơ rối loạn đông máu, điều này sẽ tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở bệnh nhân có bệnh tim mạch do xơ vữa.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài nêu 3 vấn đề chính người có bệnh tim mạch cần thực hiện là tuân thủ uống thuốc, chế độ sinh hoạt và ăn uống. Cụ thể, cần duy trì thuốc tim mạch (đúng liều, không tự ý ngưng) và bệnh nhân cần hiểu mình đang được dùng những loại thuốc gì, tác dụng chính ra sao để theo dõi diễn biến sức khỏe phù hợp.
Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cũng lưu ý: "Một số loại thuốc hay dùng khi điều trị triệu chứng của cúm như thuốc giảm đau hạ sốt, đặc biệt thuốc nhóm NSAID (ibuprofen...) hay corticoid có thể làm nặng lên triệu chứng suy tim, tăng huyết áp, nên cần tham vấn ý kiến bác sĩ tim mạch và bác sĩ truyền nhiễm trước khi dùng".
Ngoài ra, cúm có thể gây sốt cao, gây phản ứng giãn mạch mạnh và mất nước, do đó nếu bệnh nhân tim mạch đang dùng các thuốc giãn mạch hay lợi tiểu cần chú ý theo dõi sát, cần thông báo cho bác sĩ tim mạch đang quản lý điều trị để có điều chỉnh kịp thời.
Để đảm bảo sức khỏe với người có bệnh tim mạch, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài hướng dẫn: cần ngủ đủ 7 - 8 tiếng/ngày, tránh gắng sức; uống đủ nước (1,5 - 2 lít/ngày); kiểm soát huyết áp (ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, tăng rau xanh và cá); thực hiện các biện pháp ngừa lây nhiễm cúm.
Theo hướng dẫn của các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, khi nhiễm cúm hoặc có triệu chứng cúm (sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho), cần theo dõi sức khỏe, không tự mua thuốc điều trị, đặc biệt không tự mua kháng sinh, thuốc kháng vi rút, vì các thuốc này cần dùng theo đơn, tránh lạm dụng gây kháng thuốc, làm giảm tác dụng điều trị. Cần đến bệnh viện ngay khi sốt cao liên tục, đau tức ngực, ho nhiều, đau đầu, đau cơ, khó thở (nhịp thở nhanh) hoặc bất cứ triệu chứng bất thường nào.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vi rút cúm dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia tử ngoại, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C và các chất khử khuẩn thông thường. Do đó, rửa tay sạch với xà phòng, vệ sinh bề mặt, giữ môi trường sống, nhà cửa thông thoáng, nhiều ánh nắng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm.
Theo Liên Châu (TNO)