(GLO)- Đã gần 10 năm nay, khi ở cái tuổi 70 xưa nay hiếm, ông Nguyễn Văn Đại, thôn Đkun, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa vẫn ôm đơn đi gõ cửa kêu cứu các cấp nhưng sự việc chưa được giải quyết thấu tình, đạt lý. Tòa sơ thẩm xử bác đơn, tòa phúc thẩm thụ lý đơn nhưng lại xử theo kiểu “ép dân bán đất giá rẻ”.
Không đồng thuận tuyên án của tòa phúc thẩm, ông tiếp tục kiện lên cấp cao hơn nhưng kết quả vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải: “Do đâu mà cán cân công lý bị bẻ cong...?”.
Căn nhà bên phải của anh Hậu-chị Dung xây trên mảnh đất mà theo hợp đồng đầu tiên đã phải thuộc về ông Đại. Ảnh: L.V.N |
Lòng tin bị lợi dụng
Theo đơn của ông Nguyễn Văn Đại, tháng 12-2004, ông và vợ là bà Tống Thị Chúc đã đồng ý mua lô đất 1.000 m2 của vợ chồng em họ là Trần Văn Thông-Tống Thị Ngoan trong thửa đất có diện tích 1.825 m2-đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Tống Thị Ngoan, tại thôn Đkun, xã Pờ Tó (sát tỉnh lộ 662) với giá 20 triệu đồng, số thửa 222, tờ bản đồ số 52. Hợp đồng sang nhượng đất giữa hai bên được chính quyền xã Pờ Tó xác nhận.
Sau khi có hợp đồng chuyển nhượng ông Đại-bà Chúc làm đơn xin phép xây dựng nhà ở được chính quyền xã Pờ Tó xác nhận cho phép và ông bà đóng lệ phí xây dựng đầy đủ. Đồng thời, ông bà yêu cầu vợ chồng ông Thông-bà Ngoan làm thủ tục sang tên để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) như thỏa thuận. Nhưng vợ chồng ông Thông-bà Ngoan cho biết giấy CNQSDĐ đang ở Phòng Tài nguyên Môi trường, khi nào lấy về sẽ sang tên sau.
Khi xây xong nhà vẫn không thấy làm thủ tục sang tên, ông bà đã nhiều lần đề nghị vợ chồng em họ đưa mượn bìa đỏ để đi sang tên thì nhận được câu trả lời: “Nhà em chỉ có một tấm bìa đỏ này đưa anh chị lỡ mất thì sao…?”. Rồi đưa bìa đỏ photo cho ông Đại-bà Chúc đi làm thủ tục, ông Đại-bà Chúc không thể nào sang tên được với bản photo này.
Sau đó, ông Thông-bà Ngoan bảo vợ chồng ông Đại đưa hộ khẩu để sang tên. Và cán bộ địa chính xã là ông Lê Xuân Điền đến nhà bảo vợ chồng ông Đại sao biểu mẫu cũ sang biểu mẫu mới để đi làm bìa đỏ. Tuy nhiên, cán bộ này chỉ yêu cầu ông Đại ký tên, mà không ghi rõ vị trí lô đất trên bản đồ trong biểu mẫu hợp đồng mới. Ông Đại tin tưởng ký vào, còn bà Chúc đi vắng nên không thể ký tên trong hồ sơ.
Trong đơn kiến nghị ông Đại nêu rõ: “Lợi dụng quyển sổ hộ khẩu và sự sơ hở của vợ chồng ông bà, ông Thông-bà Ngoan và cán bộ địa chính xã đã lập ra một bản hợp đồng sang nhượng mới (ngày 14-3-2006) giả mạo chữ ký của bà Chúc làm ra một tấm bìa đỏ có diện tích 400 m2 nhưng đất trong bìa đỏ là thửa đất số 222A mà không phải là thửa đất số 222 như trong hồ sơ đã thỏa thuận ban đầu. Rồi yêu cầu vợ chồng ông đưa lại bản hợp đồng ban đầu có diện tích 1.000 m2 nhưng ông đã nghi ngờ và không đưa…”.
Một thời gian sau, ông Thông-bà Ngoan lại bán đất cho chủ khác là anh Hậu-chị Dung trên diện tích đất đã bán cho ông Đại-bà Chúc và vợ chồng anh Hậu-chị Dung đã xây một căn nhà tạm trên mảnh đất đó. Ông Đại thông báo cho vợ chồng anh Hậu-chị Dung là đất đó ông đã mua nhưng vợ chồng này vẫn không nghe.
Ông Đại làm đơn gửi chính quyền xã đề nghị can thiệp, UBND xã tiến hành hòa giải khi đó ông Thông và Bà Ngoan mới chịu trao bìa đỏ nhưng chỉ có 400 m2. Về phần đất thiếu, ông Thông và bà Ngoan ép ông Đại lấy mảnh đất 600 m2 tại thửa số 221, tờ bản đồ số 5A. Nhưng vì phần đất không đúng với bản hợp đồng có hiệu lực lần đầu tiên hai bên đã ký tháng 12-2004 nên ông Đại từ chối và quyết định làm đơn khiếu kiện về việc tranh chấp đất và việc giả mạo chữ ký của vợ ông.
Hành trình đi tìm công lý
Ông Đại gửi đơn lên Công an tỉnh, Viện Khoa học Hình sự (Tổng cục Cảnh sát) đề nghị giám định chữ ký. Theo Kết luận số 1825/C21(P6), ngày 24-10-2008 của Viện Khoa học Hình sự kết luận chữ ký mang tên bà Chúc là giả, các trang văn bản trong hồ sơ kiểu chữ không giống nhau, số thứ tự trang không đồng nhất…
Chứng tỏ các trang văn bản đã được lắp ghép, sửa chữa, thay thế. Sự việc đã quá rõ ràng, thế nhưng không hiểu sao tại phiên tòa xét xử vào ngày 29-9-2009, Tòa án Nhân dân huyện Ia Pa lại tuyên bác đơn kiện của vợ chồng ông Đại về việc đòi lại 600 m2 đất.
Không chấp nhận phán quyết của tòa sơ thẩm, ông Đại tiếp tục viết đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm tỉnh Gia Lai. Chấp nhận đơn kháng cáo của ông Đại-bà Chúc tòa phúc thẩm nghiên cứu hồ sơ và xét thấy yêu cầu khởi kiện của ông Đại-bà Chúc là có căn cứ, đúng với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12-4-2010 tòa phúc thẩm lại cho rằng anh Hậu-chị Dung (người nhận chuyển nhượng đất lần sau) đã làm nhà kiên cố trên đất nên buộc ông Thông-bà Ngoan phải thanh toán cho ông Đại-bà Chúc giá trị 600 m2 đất là 51 triệu đồng theo khung giá nhà đất được UBND tỉnh ban hành năm 2009 mà không tính đến giá đất thực tế. Một lần nữa, ông Đại-bà Chúc lại không đồng thuận với bản án đã tuyên của tòa phúc thẩm.
Ông Đại bức xúc: “Tôi kiện chỉ đòi lại đất chứ không phải ra tòa để bán đất và kiện để pháp luật xử lý nghiêm kẻ giả mạo chữ ký tiếp tay cho người gian tham mà thôi, nhưng tất cả các điều ấy cả 2 cấp tòa trong tỉnh và cơ quan chức năng vẫn bỏ qua tình tiết này!”.
Lê Văn Ngọc