Mỗi địa phương cần xây dựng 1 mô hình về đảm bảo an ninh trật tự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 12-3, Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng-chống tội phạm trong tình hình mới.

Hiện toàn tỉnh có 127 mô hình, 2.341 tổ chức quần chúng trong phong trào toàn dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự. Năm 2023, toàn tỉnh có 1.554 khu dân cư, 92 doanh nghiệp, 695 cơ quan và 288 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023 được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: V.H

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023 được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: V.H

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen cho 13 tập thể; UBND tỉnh tặng cờ thi đua cho 3 tập thể; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 10 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho 10 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023.

Năm 2023, toàn tỉnh thụ lý 1.310 vụ liên quan đến tội phạm hình sự, hậu quả làm chết 26 người, 237 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 169 tỷ đồng. Tội phạm xâm phạm, tính mạng, sức khỏe chiếm 20% cơ cấu tội phạm, trong đó, nguyên nhân do mâu thuẫn bột phát chiếm 49%.

Các nhóm thanh-thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản chiếm hơn 32% cơ cấu tội phạm. Đồng thời, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cũng xảy ra nhiều.

Lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 863/1.310 vụ phạm tội hình sự, làm rõ 1.491 đối tượng liên quan, bắt giữ 855 đối tượng, thu hồi tài sản trên 6,3 tỷ đồng; phát hiện, khởi tố 19 vụ với 32 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ, thu hồi số tiền sai phạm 3,7 tỷ đồng; xử lý 422 vụ với 352 đối tượng phạm tội về kinh tế; 288 vụ với 287 cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.

Về tội phạm ma túy, đã phát hiện 201 vụ với 352 đối tượng, ngoài ra còn phát hiện 98 vụ với 243 đối tượng sử dụng trái phép các chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm 67,1171 gram heroin; 228,1697 gram ketamine; 915 viên thuốc lắc; 999,6902 gram ma túy đá, 11,4 kg cần sa… Cơ quan Cảnh sát điều tra 2 cấp đã thụ lý 2.159 vụ với 2.833 bị can; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 1.107 vụ với 2.010 bị can.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội

Theo Đại tá Dương Văn Long-Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh, công tác phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian đến.

Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhưng một bộ phận người dân vẫn thiếu cảnh giác, tạo điều kiện để tội phạm hoạt động.

Đặc biệt, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng tăng, tỷ lệ điều tra phá án chỉ đạt 25,4%, trong khi đó, loại tội phạm này chiếm 23,74% trong cơ cấu tội phạm. Tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng phạm tội thường ở nước ngoài, sử dụng sim rác nên gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện-cho rằng: Toàn huyện đã xây dựng được 11 mô hình phòng-chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong đó, mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” mang lại hiệu quả cao nhất. Mô hình này đã được nhân rộng tại 8 xã, thị trấn; vận động được 111/327 hộ với 485/1.324 đối tượng “Tin lành Đê ga” quay về sinh hoạt các tôn giáo hợp pháp.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đánh giá về tội phạm trên không gian mạng, Thượng tá Đinh Văn Sơn-Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh-cho biết: Năm 2023, lực lượng chức năng ghi nhận 208 trường hợp công dân trình báo bị các đối tượng lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khoảng 84 tỷ đồng.

Trong tổng số 208 vụ lợi dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lực lượng Công an toàn tỉnh đã khởi tố 112 vụ, trong đó, kết luận điều tra và chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 11 vụ với 15 bị can.

Để phòng-chống loại tội phạm này, người dân cần nâng cao cảnh giác, không tin và không nghe theo những thông tin chưa được kiểm chứng. Cùng với đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, internet thực hiện hiệu quả việc làm sạch thông tin thuê bao di động.

Công an và chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Tích cực, chủ động trong việc xử lý tin báo về tội phạm lợi dụng không gian mạng, tích cực truy vết dấu điện tử, dòng tiền; tập trung hạn chế thiệt hại.

Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tá Dương Văn Long nhấn mạnh: Năm 2024, dự báo tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm hình sự, buôn bán người…

Vì thế, Ban Chỉ đạo các cấp cần triển khai các chỉ thị, quy định của cấp trên về công tác phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong thực thi công vụ không để tội phạm hoạt động có tổ chức.

Cùng với đó, tăng cường các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, rà soát, triệt phá các đường dây mua bán ma túy, kịp thời đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng, sớm đưa các vụ án mua bán người ra xét xử lưu động để răn đe, giáo dục. Năm 2024, mỗi địa phương cần xây dựng 1 mô hình về đảm bảo an ninh trật tự.

Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Binh đoàn 15 động viên công nhân trước khi bước vào hội thi cạo mủ. Ảnh: V.H

Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Kỳ cuối: Đẩy mạnh sản xuất kết hợp với xây dựng vùng biên vững mạnh

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội”, Binh đoàn 15 phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền và người dân tiến hành khai hoang, phục hóa, gieo mầm xanh nơi vùng đất khó biên giới Tổ quốc.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.

Chư Pưh tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ

Chư Pưh tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ

(GLO)- Hội đồng tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ (Công an huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ do người dân giao nộp và thu được trong quá trình đấu tranh, xử lý đối với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.