- Tại sao…
Chưa bao giờ cô cảm giác khó làm bạn với ngôn từ đến vậy. Mọi tiếng nói như đều chựng lại, không muốn rơi ra. Trước mắt Hiền, khuôn mặt gã đang chảy nhão dưới tròng kính dày cộm. Những lọn tóc rối bời cơi lên như tổ quạ. Chừng như đôi tay gã quá thừa thãi và chỉ có những lọn tóc ấy mới giúp chúng bớt vô duyên vào lúc này.
- Xin lỗi! Mọi thứ xảy ra quá nhanh! Tôi không thể nhớ mình đã làm gì…
Gã nói, gã xin lo mọi chi phí, từng đường kim, mũi khâu, từng viên thuốc, cho đến cả đôi dép, cái nón lá đã tưa vành, bộ đồ đã cũ sờn của mẹ cô, gã sẽ lo hết. Cô có yêu cầu gì, gã sẽ làm hết. Khuôn mặt cúi gằm của gã càng làm Hiền nghẹn ứ. Ai cũng chỉ có một người mẹ trong đời. Hiền cũng vậy. Cô nhìn vào phòng cấp cứu. Yêu cầu ư? Yêu cầu gã điều gì bây giờ?
- Cầu nguyện đi!
Gã lặng đi một hồi. Đoạn, mặt gã ngẩng lên. Tay gã đã biết làm gì. Thay vì cứ vò đám tóc một cách vô nghĩa, đôi tay run rẩy chắp trước ngực. Hiền tin là gã đang thành tâm cầu nguyện cùng mình. Ngay khoảnh khắc đó, cô kịp nghe tiếng thở phào của vị bác sĩ vừa ra khỏi phòng cấp cứu.
* * *
Nắng mùa này dễ chịu. Những trận mưa đã khô rang. Gió bắt đầu ập òa mỗi khi chiều xuống. Thời tiết ôn hòa nên cây lá cũng xanh rờn. Hiền cẩn thận đút từng muỗng yến chưng cho mẹ. Vết thương phải khâu nhiều mũi, mất máu nhiều nhưng may mắn được cứu chữa kịp thời. Chỉ một ngày sau điều trị, mẹ đã tỉnh táo, có thể nhớ rõ mọi thứ dù có vài cơn choáng nhẹ xảy ra.
- Con đã làm gì cậu ta?
Hiền giật nảy trước câu hỏi dò xét của mẹ. Trong mắt mẹ, mình “ghê gớm” đến vậy sao?
- Mẹ à! Đó chính là người đã làm cho mẹ thành ra như vầy đây!
Mẹ lắc đầu, xua tay, vẻ mỏi mệt hiện rõ trên khuôn mặt của người phụ nữ đã kinh qua nhiều biến cố trong đời.
- Sao con không nghĩ, nếu không phải cậu ấy mà là một ai khác, mẹ có thể đã không còn được ngồi đây?
Hiền thở hắt ra một hơi. Cô thu dọn đồ đạc trong phòng, mang đi lau rửa sạch sẽ. Người già thường cả nghĩ. Mẹ cô lại là một người già vừa cả nghĩ vừa luôn chịu thiệt về phần mình. Như cái hồi ba kêu mẹ bỏ nghề giáo viên, theo ba về thành phố, phụ ba việc kinh doanh, mẹ một hai đòi ở lại.
Hồi đó, vùng ngoại thành này còn heo hút, trường làng khan hiếm giáo viên. Mẹ là giáo viên giỏi, lại thương đám học trò như con. Hiệu trưởng trường còn nói mẹ mà đi, ông không biết phải kiếm đâu ra một cô giáo khác về dạy tụi nhỏ. Lương giáo viên thấp, mà nghề thì đòi hỏi phải dành toàn bộ thời gian. Đêm nào mẹ cũng chong đèn soạn giáo án, rồi mò mẫm làm thêm đồ chơi cho học trò vừa chơi vừa học.
Ba cũng đi, sau nhiều lần chờ đợi mẹ rời bỏ trường không thành. Ông nói mình không thể để cái tiền đồ đàn ông chết dí ở nơi khỉ ho cò gáy này được. Ba đi, không nói ngày về. Mẹ không hỏi. Hiền cũng không hỏi.
Sau này, lớn lên, Hiền có lần dò địa chỉ, bắt xe lên thăm ba vài bận. Vợ sau của ba là một người đàn bà đẹp, ăn nói tinh khôn. Sau một, hai lần gặp bà thì Hiền không lên thành phố nữa. Mãi cho đến khi cô đậu đại học, đôi lần ngang qua ngôi biệt thự đó, cô có ngó vô nhà, thấy cổng lúc nào cũng khép.
Hiền nhúng khăn, lau mặt cho mẹ.
- Mẹ đừng suy nghĩ nhiều nữa, nghỉ ngơi cho mau khỏe.
Mắt mẹ lại mơ màng.
- Mẹ đâu có nghĩ. Mà con biết không, cái đám cúc vàng như cứ lao xao trước mắt mẹ, kỳ lạ hen!
Hiền thở dài. Mẹ thích hoa cúc đến nỗi cứ phải đạp xe đến tận chục cây số để có cớ đi chợ ngang ngôi nhà nhỏ xíu với khoảng sân lúc nào cũng rập rờn mớ cúc vàng khoe sắc đó. Mẹ mê hoa lá, mà không có tay trồng hoa.
Lần nào gieo trồng đám cúc cũng tàn rụi trước khi kịp nhú nụ. Mà mùa này thì đúng là mùa cúc xun xoe. Cúc chiếm hết chỗ trong mấy tiệm hoa quanh chợ. Mẹ lại thích ngắm hoa cúc vươn lên từ đất hơn là cúc nở miễn cưỡng trong bình gốm.
Cúc bền nhất khi còn gắn mình với đất. Như mẹ gắn đời mình với cái xứ mông lung này. Đời mẹ cũng như hoa cúc, cũng chỉ rực lên khi có tình yêu với đất. Nghề của mẹ cũng rực lên khi còn tình yêu với bảng đen phấn trắng. Mà lâu rồi, sau khi nghỉ hưu, tóc mẹ đã phủ trắng gần hết đầu, mẹ chưa được cầm lại viên phấn, chưa cầm lại bàn tay của một đứa học trò nào.
- Phải chi hôm đó mẹ nghe lời con, đừng đi chợ xa, thì đâu ra nông nổi!
Mẹ chớp mắt, cái buồn như lan xa. Hiền biết mình lỡ lời, giả đò chống chế:
- Thật, không lẽ con qua nhà đó, xin bứng hết đám cúc về cho mẹ nhìn!
* * *
Tình phủ lại tấm khăn trải bàn, châm thêm bình trà. Sáng nay Hiền sẽ ghé nhà, cùng thỏa thuận mức bồi thường. Mấy đêm liền Tình mất ngủ, phần vì phải canh cha trở mình giữa đêm, coi ông có cần gì mình, phần vì ánh mắt của Hiền cứ ám lấy tâm trí anh, dù biết rằng mẹ cô đã bình an. Cái ánh mắt ấy, nửa như muốn thiêu trụi anh - một kẻ tội đồ, nửa như bất lực trước cú sốc lớn.
Mắt mẹ cô thì dẫu có phảng phất nỗi buồn vẫn ánh lên ấm áp. Anh có cảm giác ánh mắt bà đã theo mình rất lâu. Nhưng từ khi nào, anh không nhớ nổi. Tình ước gì mọi sự vừa qua chỉ như một giấc mơ, mọi thứ sẽ tan biến khi anh thức dậy, tưới một lượt cây trái quanh nhà cho ba vui, đón bình minh lên mà lòng trong veo không gợn một nỗi lo nào.
- Họ sao rồi, con?
Ba lại húng hắng ho. Dù Tình đã cố giấu, ba vẫn biết mọi việc thông qua hàng xóm.
- Dạ ổn rồi, ba đừng lo.
- Ừa, con làm sao coi cho được! Phải có tình người!
Hiền đứng trân mình trước cổng rào gỗ cũ kỹ. Không phải vì gã trai ấy nay chỉnh tề đón tiếp cô như đã hứa, mà vì cái khoảng sân với đám cúc vàng xôn xao đang rực lên trước mắt. Đây, chính là đám cúc bấy lâu nương náu trong tâm trí mẹ mình đó sao? Và gã trai này, người đã va quẹt trúng mẹ mình, cũng là người đã sấp ngửa một tay ôm quàng lấy mẹ trên yên xe, một tay vặn ga, chạy ào đến bệnh viện - lại là chủ nhân của đám cúc đẹp đẽ kia? Ở quãng đường vào đúng giữa trưa vắng ngắt đó, nếu gã bỏ mặc mẹ mình, chạy biến đi cũng không ai biết. Đoạn đường đó xấu, ít người qua lại, không có camera.
Mẹ từng nói dẫu người trồng hoa là ai đi nữa, mẹ tin người biết nâng niu sự sống của một cái cây, một bông hoa, thì tâm họ không bao giờ xấu xa. Mẹ tin vậy, vì trước kia mẹ đã từng gặp một người như vậy. Họ không những biết nâng niu một cây hoa mà còn cứu vớt cả sinh mệnh của một con người.
- Thay mặt thằng con, tôi xin lỗi mẹ con cô vì sự không may này!
Giọng của người đàn ông, tiếng được tiếng mất, khàn đục vì những cơn ho dai dẳng khiến Hiền giật thót. Giọng ấy quen. Cô đã nghe đâu đó từ lâu lắm. Cô nhìn ông. Khuôn mặt ấy đã hóp sọp, tướng tá cũng đâu khỏe khoắn như hồi cách đây mấy chục năm. Nhưng dẫu thời gian có đắp thêm hàng tá nếp nhăn lên ông, cô vẫn không sao quên được.
- Là thầy đây sao?
- Cô… là ai?
Hiền run run nhắc nhớ. Người ngồi trước mặt cô chính là thầy dạy thể dục suốt thời cấp 1 của cô, là đồng nghiệp của mẹ cô. Cô còn nhớ, mỗi dịp Hiến chương nhà giáo, khi các giáo viên chủ nhiệm được học trò tặng hoa, tặng quà thì thầy thể dục chỉ lặng lẽ một mình trong phòng hội đồng.
Thầy dường như lúc nào cũng đứng ngoài những cuộc vui. Mẹ cô luôn chuẩn bị một phần quà, khi là quyển sổ, khi là tấm vải may áo sơ mi, có khi còn là bộ đồ con trai. Hiền thắc mắc. Mẹ nói đó là quà cho con thầy - một đứa nhỏ mồ côi được thầy nhận nuôi, dù thầy đơn chiếc, gia cảnh rất khó khăn. Thời gian trôi đi, có bận thầy chuyển đi nơi khác sống, nghe nói đi làm kinh tế. Lương giáo viên bộ môn khi đó không bao nhiêu, khi Tình vào đại học, thầy buộc phải xoay thêm nghề khác.
* * *
Khi Tình hỏi các khoản viện phí để anh hoàn trả, Hiền chỉ bông đùa.
- Anh trả cho mẹ em hết đám cúc kia là được!
Tình bật cười. Anh đã nhớ ra ánh mắt kia là ai. Chính là người đồng nghiệp của ba, người từng lén đóng học phí giúp anh nhiều lần lúc hai ba con ngặt nghèo nhất. Nhiều năm trời, ba luôn chăm chút trồng mớ cúc để mang tặng mẹ Hiền vào ngày Hiến chương. Vì chỉ mình ông biết mẹ Hiền thích cúc trồng trong đất.
Ngay khi hai cha con nắm níu quay về đây, thứ ông làm đầu tiên cũng là gieo một đám cúc trước sân nhà, dù không biết mình còn gặp lại cố nhân không. Mấy mùa cúc nở rồi lại tàn, ông thẫn thờ chờ trông mấy bận, dò la chỗ này chỗ kia nhưng không tìm được chỗ của mẹ con Hiền.
Tình hỏi sao hồi đó ba thương cô ấy mà không nói? Ông cười nhẹ hều.
- Nếu ba nói, thì giờ có đến lượt con mở lời không?
* * *
Mẹ Hiền nhìn đôi trẻ chuyện trò vui vẻ bên khoảng sân vàng nắng. Bà đưa tay nhẩm tính coi còn mấy mùa cúc nữa đi qua thì mình sẽ lại được cầm phấn, cầm bút, cầm tay một đứa học trò, có lẽ là lứa học trò cuối cùng - cháu ngoại mình, để dạy những nét chữ đầu tiên.
O tròn như quả trứng. O cũng tròn như hoa cúc ngoài kia…