Mẫu vật khỉ lai người đầu tiên ở Trung Quốc và mối lo đạo đức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Những nỗ lực để tạo ra các mẫu động vật lai người đã dấy lên một cuộc tranh luận về đạo đức sau khi có báo cáo cho biết các nhà khoa học đã sản xuất thành công phôi khỉ có chứa tế bào người ở Trung Quốc.
Trang The Guardian dẫn báo cáo mới nhất được công bố trên tờ El País của Tây Ban Nha tuyên bố một nhóm các nhà nghiên cứu do GS Juan Carlos Izpisúa Belmonte dẫn đầu, từ Viện Salk ở Mỹ, đã sản xuất thành công mẫu vật lai khỉ-người. Nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc, để tránh các vấn đề pháp lý khó khăn hơn nếu thực hiện ở những nước khác.
Cách thực hiện là người ta lấy tế bào từ một người trưởng thành và biến chúng trở thành tế bào gốc, có thể tạo ra bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Sau đó chúng sẽ được cấy vào phôi của một loài khác.
 
Mẫu vật khỉ-người gây tranh cãi ở Trung Quốc. Ảnh: XINHUA
Mẫu vật lai được xem là một biện pháp tiềm năng để giải quyết việc thiếu các cơ quan nội tạng để cấy ghép, cũng như các vấn đề nội tạng bị đào thải. Các nhà khoa học tin rằng các cơ quan nội tạng phù hợp về mặt di truyền với một người nhận cụ thể trong tương lai có thể được phát triển bên trong động vật. 
Chi tiết về công việc không được nêu cụ thể trong báo cáo. Ông Izpisúa Belmonte và các đồng nghiệp đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Tuy nhiên, ông Alejandro De Los Angeles, Khoa tâm thần học tại ĐH Yale, cho biết việc chế tạo những mẫu vật khỉ-người có thể cho chúng ta biết cách chế tạo những mẫu vật tương tự giữa heo-người với hy vọng tạo ra các bộ phận với kích thước phù hợp để cấy ghép.
GS Robin Lovell-Badge, một nhà sinh học phát triển từ Viện Francis Crick London, đã không nghĩ rằng vấn đề này liên quan đến đạo đức, bởi vì không có một hệ thống thần kinh được phát triển theo bất kỳ cách nào.
Tuy nhiên, ông Lovell-Badge cũng cảnh báo rằng nếu mẫu vật được phép phát triển hơn nữa, nó có thể gây lo ngại. 
Tin tức về những con khỉ-người xuất hiện ngay sau các báo cáo được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Nhật Bản như GS Hiromitsu Nakauchi, người đã nhận sự hỗ trợ của chính phủ để tạo ra những con chuột lai người.
Ông Lovell-Badge cho biết rất khó có khả năng các loài động vật này sẽ có hành vi giống con người và chúng có thể không cư xử bình thường như đồng loại.
Vì vậy, việc thí nghiệm trên sẽ tạo một số vấn đề về phúc lợi động vật cũng như các vấn đề đạo đức từ việc tạo ra một thứ gì đó mang tính “con người” hơn, ông Lovell-Badge nói.
Khoảng cách tiến hóa giữa con người và khỉ kéo dài 30-40 triệu năm. Sự khác biệt này lớn hơn 10 triệu năm nữa giữa chuột-người và thậm chí hiệu quả của việc tạo ra những mẫu vật chuột-người cũng khá thấp.
Hồi tháng 4, một số nhà khoa học ở Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu trong đó họ tuyên bố đã cấy gen não người vào khỉ, với các động vật thể hiện các tính năng bao gồm trí nhớ ngắn hạn tốt hơn và thời gian phản ứng ngắn hơn.
Cuộc tranh luận về vấn đề đạo đức khoa học đang trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.
Kim Nguyên (PLO)

Có thể bạn quan tâm