"Ma men" gây rối loạn tâm thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh Gia Lai, lượng bệnh nhân điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng rượu có chiều hướng gia tăng. Trung bình mỗi tháng có khoảng 20 bệnh nhân nhập viện, trong đó, số bệnh nhân loạn thần do rượu chiếm phân nửa.
Trăm sự tại… “ma men”
Nhập viện điều trị tại Khoa Điều trị nam (Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh) từ tháng 2-2018 đến nay, anh N.Q.H. (tổ 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku) đã lấy lại tinh thần khi sắp được xuất viện. Theo bác sĩ điều trị, đây là lần thứ 2 anh H. nhập viện. Lần đầu điều trị thành công nhưng chỉ một thời gian ngắn thì anh H. lại tiếp tục tái nghiện rượu.
Nói về mình, anh H. trầm tư: “Tôi năm nay 40 tuổi nhưng uống và nghiện rượu khoảng 15 năm rồi. Cưới vợ 20 năm, 5 năm đầu, vợ chồng hạnh phúc, có với nhau 2 đứa con. Tuy nhiên cũng vì sau đó sinh tật uống rượu, vợ khuyên nhiều lần không được nên giận quá dắt 2 con bỏ đi”.
 Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
Vợ bỏ đi, anh H. về ở cùng cha mẹ ruột. Buồn chán vì chuyện gia đình, anh lại tìm đến rượu. “Trong nhóm nhậu của tôi có 4 người, 2 nam và 2 nữ. Một người cũng do uống quá nhiều rượu nên đã qua đời. Cha mẹ khuyên tôi cai rượu nhưng mãi mà không bỏ được. Ba năm trước, cha tôi qua đời. Thương mẹ, tôi vào viện để cai nhưng về bạn bè lôi kéo lại sa ngã. Lần thứ hai, mẹ tôi phải nhờ mấy anh Công an cưỡng chế để đưa vào viện. Lần này, tôi quyết tâm bỏ hẳn, ra viện sẽ chí thú làm ăn, mong vợ con tha thứ quay về để gia đình sum họp”-anh H. nói.
 Tương tự, ông H.V.T. (61 tuổi, trú tại tổ 4, phường Trà Bá, TP. Pleiku) nhiều lần phải vào bệnh viện điều trị do rối loạn tâm thần . Ông T. thành thật: “Một ngày tôi “cứa” khoảng nửa lít và ngày nào cũng uống. Nhiều lúc thần kinh hoảng loạn gây ảo giác, có lúc lên cơn co giật… Điều trị gần một tháng, tôi thấy đầu óc đã trở lại bình thường. Lần này, tôi quyết tâm bỏ rượu”.
Còn anh Đ.V.B. (thôn 8, thị trấn Chư Prông) tuy mới 36 tuổi nhưng đã 21 năm “ngấm” rượu và đã 5 lần vào bệnh viện điều trị vì loạn thần. Cũng bởi nghiện rượu mà người vợ đầu quyết tâm ly hôn, còn người vợ thứ hai thì bỏ đi làm ăn xa. Anh B. cho hay, một ngày, anh uống khoảng 1,5 lít rượu. Anh cũng đã nhiều lần vào bệnh viện điều trị nhưng khi trở về thì vẫn chứng nào tật nấy. “Lúc tỉnh rượu, tôi thấy sợ và buồn lắm. Lần này, tôi nêu quyết tâm cai hẳn để gia đình không phải buồn khổ, lạnh nhạt với mình”-anh B. chia sẻ. 
Uống dễ, bỏ khó
Bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh-Trưởng khoa Điều trị nam (Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh) cho biết: Không chỉ nam giới nghiện rượu mà thời gian gần đây có cả bệnh nhân nữ nhập viện điều trị do nghiện rượu. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị thành công nhưng chỉ một thời gian ngắn lại thấy gia đình đưa lại vào viện. Điều trị khỏi, ai ra về cũng hứa, cũng quyết tâm nhưng số người thực hiện được lời hứa rất ít.
Theo bác sĩ Thanh, trung bình mỗi tháng, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng rượu. Riêng tại Khoa điều trị nam, số bệnh nhân này chiếm khoảng 2/3. Cũng vì rượu mà nhiều gia đình tan nát, kinh tế khánh kiệt. Có trường hợp vì bị kích động do rượu mà gây mất trật tự an ninh xã hội, tai nạn giao thông, thậm chí gây án. Cá biệt, có trường hợp vào bệnh viện điều trị chục lần, lần nào cũng hứa là lần cuối nhưng sau đó đã thấy gia đình đưa tới nhờ can thiệp, chữa trị.
“Uống nhiều, lạm dụng và phụ thuộc dẫn đến nghiện rượu sẽ gây ra các rối loạn tâm thần. Triệu chứng điển hình là bệnh nhân bị  ảo giác, hoang tưởng; có người nghe thấy tiếng nói văng vẳng bên tai… Thường gặp và nặng nề nhất là sảng rượu với các biểu hiện rối loạn ý thức, ảo giác, nhất là ảo thị, ảo thanh, hoang tưởng bị truy hại, kích động, la hét, sợ hãi. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân nghiện rượu đều không nghĩ mình đang mắc bệnh nên có trường hợp không hợp tác với bác sĩ. Trong quá trình điều trị, chúng tôi kết hợp tuyên truyền về tác hại của rượu đối với sức khỏe cho bệnh nhân và khi bệnh nhân xuất viện đều chân thành khuyên nhủ họ bỏ rượu”-bác sĩ Thanh thông tin.  
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.