Lý Sơn, hệ lụy phát triển quá nóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tăng đột biến, biểu đồ tăng trưởng gần như theo hình thẳng đứng. Việc phát triển chóng mặt như vậy đã làm bùng nổ kinh tế du lịch nơi đảo biển này.

Hòn đảo được đánh thức muộn nhưng lại phát triển quá ồ ạt, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn về phát triển và bảo tồn.

 

Đảo Lý Sơn đang đứng trước nguy cơ vỡ quy hoạch vì nhà nghỉ, khách sạn mọc lên ồ ạt.
Đảo Lý Sơn đang đứng trước nguy cơ vỡ quy hoạch vì nhà nghỉ, khách sạn mọc lên ồ ạt.

Phá vỡ quy hoạch

Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và Lý Sơn hòa điện lưới quốc gia đến nay, lượng khách du lịch đến thăm hòn đảo tăng đột biến. Báo cáo mới nhất của UBND huyện Lý Sơn cho thấy: Năm 2016, tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện đạt 1.355 tỷ đồng; riêng 8 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm ước đạt 1.043 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ du lịch nhiều năm liền tăng trưởng trên 30%, riêng 7 tháng đầu năm nay tăng trưởng 40%; cơ cấu thương mại dịch vụ tăng từ 21,49% (năm 2010) lên 26,11% (năm 2016)…

Cơ hội đến với Lý Sơn quá nhanh và bất ngờ khiến cho hòn đảo gặp phải vô vàn thách thức. Lý Sơn vẫn chưa chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để bước vào chặng đường làm du lịch chuyên nghiệp, hay nói cách khác là vẫn còn làm du lịch theo kiểu “cơm hàng cháo chợ”, hết sức bị động.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, chia sẻ: “Thời điểm đó, do quá nóng vội theo nhu cầu của khách du lịch ra đảo nên huyện đã muốn có ngay các nhà đầu tư đến để kinh doanh các dịnh vụ nhà nghỉ, khách sạn, vui chơi, giải trí… Việc các nhà nghỉ, khách sạn mọc lên ồ ạt đã phá vỡ quy hoạch và cảnh quan sinh thái trên đảo, đặc biệt là khách sạn Mường Thanh, đang làm khó cho quy hoạch tổng thể sau này. Do xây dựng và quy hoạch không theo bài bản nên đường sá nhếch nhác, sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình đổ xả xỉ, chất rắn, chất thải ra môi trường khó kiểm soát. Hiện tại, huyện đảo có 1 nhà máy thu gom, xử lý rác 20.000 tấn/ngày, tuy vậy cũng chưa thể giải quyết, xử lý kịp. Đảo Lý Sơn có nhiều thắng cảnh đẹp và độc đáo như Hang Câu, Chùa Hang, Chùa Đục, 2 cổng Tò Vò trên cạn và dưới biển…; có 50 đình chùa, trong đó có 16 di tích cấp tỉnh và 4 di tích quốc gia; 1 di sản văn hóa phi vật thể là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa… Nhưng nhiều hàng quán, loại hình du lịch tự phát không bài bản mọc lên quanh các khu di tích, thắng cảnh, làm cảnh quan trở nên nhếch nhác, mất thẩm mỹ”.

Hiện, đảo Lý Sơn có 6 khách sạn, 50 nhà nghỉ, trên 55 dịch vụ homestay cung cấp 700 phòng đáp ứng 2.500 - 3.000 khách; năm 2016, Lý Sơn đón 165.000 lượt khách, đến tháng 9-2017 là hơn 200.000 lượt khách; cao điểm, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, lượng khách đến với Lý Sơn từ 2.500 - 3.000 người. Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, lượng khách đến đảo Lý Sơn chiếm 1/4 toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, thừa nhận: “Ngay từ đầu, thời điểm Lý Sơn có điện lưới quốc gia, huyện cũng đã buông lỏng, chưa quản lý chặt chẽ. Phát triển không theo quy hoạch, xây dựng quá ồ ạt, việc cập nhật văn bản, hướng dẫn của các phòng ban địa phương chưa kịp thời, chưa định hướng cho người dân. Còn đối với khách sạn Mường Thanh, trước đó được chính quyền và đặc biệt là UBND tỉnh ưu tiên nên mới xảy ra việc họ xây dựng phá vỡ quy hoạch như thế…”.

Đối diện nhiều thách thức

Trước tình hình kinh tế du lịch nóng phá vỡ hiện trạng trên đảo Lý Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cùng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo về cơ chế, chính sách phát triển du lịch Lý Sơn.

Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học về biển, địa chất, cùng công ty du lịch sinh thái quan tâm. Các bên lên ý tưởng xây dựng đồ án quy hoạch tổng thể Lý Sơn theo tỷ lệ 1/2000 để tái thiết lại hòn đảo song song với phát triển và bảo tồn. Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho Sở Xây dựng tỉnh này cùng phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện. Đồ án quy hoạch xây dựng với diện tích trên 1.530ha. Trong đó, diện tích đảo thuộc các xã An Hải, An Vĩnh, An Bình (trên 1.038ha); diện tích thềm nước cạn (trên 491ha) và mật độ dân số khoảng 24 người/ha.

“Trong vài ba năm tới đây, chính quyền và nhân dân đảo Lý Sơn sẽ nỗ lực hơn nữa để thực hiện theo đồ án quy hoạch 1/2000, hứa hẹn sẽ thay đổi toàn diện bộ mặt cho Lý Sơn trở thành Công viên địa chất mang tầm cỡ trong khu vực…”, ông Lê Văn Ninh cho biết.

Tuy nhiên, để tái thiết lại dáng dấp, hình dạng cho đảo Lý Sơn đã khó, chưa nói đến tham vọng trở thành Công viên địa chất. Báo cáo mới đây của UBND huyện Lý Sơn ở mọi mặt đụng đâu cũng thấy vấn đề.

Cụ thể, về nuôi trồng thủy hải sản, năm 2016 do không kiểm soát được dịch bệnh nên các vùng nuôi tôm chết hàng loạt, khiến người dân tổn thất nặng nề. Đối với khai thác thủy hải sản, hiện tại nguồn thủy hải sản gần bờ tại đảo Lý Sơn đã cạn kiệt do đánh bắt tràn lan. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch thành lập khu bảo tồn các vùng biển ven đảo… phục vụ phát triển du lịch. Nhưng cái khó khăn nhất lúc này là cơ chế chuyển đổi nghề cho các đối tượng làm nghề này.

 

Hoang mang vì tỏi voi

Mới đây, Công ty TNHH CAN Holdings (Nhật Bản) đã đến và trình bày dự định nếu được UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý, sẽ triển khai trồng loại tỏi voi trên đảo Lý Sơn. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất cho phép doanh nghiệp của Nhật nghiên cứu, khảo sát. Theo giới thiệu của đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, tỏi voi có năng suất khoảng 4 - 5 tấn/ha, bán ra tại Nhật có giá khoảng 180.000 đồng/kg. Tuy vậy, nhiều chuyên gia và nhà khoa học lo ngại, nếu đưa tỏi voi trồng trên đảo Lý Sơn sẽ “bóp chết” giống tỏi truyền thống tại hòn đảo này. Tin đồn khiến người dân hết sức hoang mang.

Về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh lý giải: “Đó mới chỉ là nhã ý của doanh nghiệp Nhật Bản và tỉnh Quảng Ngãi cũng ghi nhận, rồi để họ khảo sát, chứ chưa có kết luận. Tỉnh Quảng Ngãi chủ trương sẽ “níu chân” các doanh nghiệp khi đến đầu tư. Chúng tôi sẽ thuyết phục họ khảo sát và tìm vùng đất phù hợp để trồng tỏi voi ngay tại đất liền tỉnh Quảng Ngãi, thay vì ra đảo”.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội hành tỏi Lý Sơn, cho ý kiến: “Hành tỏi Lý Sơn trước nay đã có thương hiệu trứ danh và là đặc sản thơm ngon nhất của cả nước, đem lại giá trị kinh tế rất cao cho người dân tại đảo. Với diện tích 300ha, mỗi năm tỏi Lý Sơn xuất bán ra thị trường khoảng 800 đến trên 1.000 tấn tỏi khô, với giá trên 110 triệu đồng/tấn. Nhiều hộ trồng tỏi thu được 1 tấn tỏi/năm, trừ chi phí, thu nhập vào khoảng 70 - 80 triệu đồng. Vì vậy, việc doanh nghiệp Nhật Bản có nhã ý trồng tỏi voi trên đảo khiến cho bà con ở Lý Sơn hết sức hoang mang. Nên dừng lại việc đưa tỏi voi ra đảo, chúng ta cần tìm biện pháp để bảo tồn giống tỏi Lý Sơn”.

Về trồng trọt, đảo Lý Sơn chủ yếu là trồng hành tỏi với diện tích quy hoạch là 320ha. Hành, tỏi của đảo cho sản lượng từ 2.000 - 4.000 tấn/năm. Nhưng hiện những cánh đồng trồng tỏi và hành đã bị xói mòn, hết chất dinh dưỡng. Qua mỗi vụ tỏi, người dân phải mua cát hút từ biển lên để trồng vụ khác, chi phí rất tốn kém.

“Huyện đảo Lý Sơn chủ trương tiếp tục nâng cao giá trị hành tỏi, đặc biệt là tỏi đen. Địa phương đang cho xây dựng mô hình sản xuất tỏi sạch, không sử dụng thuốc hóa học. Huyện cũng xin tỉnh mời Sở TN-MT tỉnh xem xét, thăm dò một số điểm, mỏ để hút cát ngoài biển. Khó khăn nữa là về nguồn nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt, hầu hết dựa vào túi nước tích trữ qua mỗi mùa mưa. Nguồn nước ngầm tại đảo đã dần cạn kiệt hoặc nhiễm mặn”, ông Lê Văn Ninh chia sẻ.

Ngọc Oai/sggp

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.