"Gieo chữ" giữa trùng khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa mênh mông trùng khơi, nơi tiền đồn Tổ quốc, những ngôi trường khang trang, vững chãi trên các đảo thuộc huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) vẫn ngày ngày vang vọng tiếng ê a của học trò.

Nơi ấy, những lời giảng bài đầy tâm huyết của các thầy giáo không chỉ truyền thụ tri thức, mà còn là câu chuyện về ý chí kiên cường, sự hy sinh thầm lặng và tình yêu Tổ quốc sâu sắc của những người "gieo chữ" nơi đảo xa.

Đã hơn 35 năm gắn bó với bục giảng ở Trường Tiểu học Cam Phước Tây 1 (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) nhưng thầy Lê Xuân Hạnh vẫn quyết định ra Trường Sa, dành những năm tháng trước khi nghỉ hưu cho các em học sinh nơi đây.

Lớp học của thầy Hạnh cũng thật đặc biệt, với 6 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 cùng học chung. Mỗi buổi học, thầy thường dùng phấn kẻ bảng làm nhiều phần, rồi “xoay tua” dạy từng nhóm trình độ khác nhau.

“Vất vả thật đấy nhưng chỉ cần nhìn thấy ánh mắt háo hức của tụi nhỏ, nghe tiếng các em đọc bài rành rọt, hay khoe điểm tốt, mọi mệt mỏi trong tôi dường như tan biến hết” - thầy Hạnh cười hiền.

gieochu.jpg
Thầy Lưu Quốc Thịnh ân cần giảng bài cho học sinh.

Trên khoảnh sân bên cạnh, một lớp học khác cũng rộn ràng tiếng hát, tiếng cười. Đó là lớp mầm non của thầy giáo trẻ Cao Văn Truyền (người dân tộc J'rai). Vốn là giáo viên của Trường Tiểu học Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), khi tình nguyện ra đảo, thầy Truyền đảm nhận việc dạy dỗ những "công dân nhí" của đảo.

Thầy Truyền hào hứng kể: “Chưa có kinh nghiệm dạy trẻ mầm non, nên lúc đầu tôi cũng khá bỡ ngỡ. Tôi đã tự mày mò đọc sách, rồi gọi điện thoại vào đất liền học hỏi kinh nghiệm từ các cô giáo mầm non. Để khắc phục khó khăn về đồ dùng dạy học, tôi đã nhặt vỏ ốc biển về rửa sạch, cùng tụi nhỏ sơn màu, làm thành các con vật, bông hoa; dùng chai nhựa cắt dán thành đồ chơi; những trái bàng vuông rụng biến thành giáo cụ cho các bé tập đếm, xếp hình… Những buổi học dần trở thành những giờ chơi sáng tạo”.

Không riêng gì thầy Hạnh hay thầy Truyền, trên các đảo như Đá Tây, Sinh Tồn, Nam Yết… còn có những người thầy đang ngày đêm lặng lẽ “gieo chữ” trong gian khó. Thiếu tài liệu, thông tin mới và không có Internet là khó khăn chung của các trường học ở Trường Sa.

“Chúng tôi phải sáng tạo trong từng tiết dạy, tận dụng mọi phương tiện có thể. Dù không phải giáo viên chuyên ngành nhưng tôi vẫn tự học để có thể dạy tất cả các môn: Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật và các kỹ năng mềm cho học sinh. Không có Internet, tôi dùng chiếc tivi cá nhân được cấp, kết nối với USB chứa các video, hình ảnh bài giảng sinh động đã tải sẵn từ đất liền hoặc nhờ đồng nghiệp gửi ra”, thầy Lưu Quốc Thịnh, giáo viên Trường Tiểu học đảo Đá Tây A chia sẻ.

2gieochu.jpg
Thầy Cao Văn Truyền dạy các em mầm non múa hát.

Sáng sớm trên đảo Trường Sa cũng thật đặc biệt, khi mặt trời chưa ló rạng, khoảng sân bê tông trước cột mốc chủ quyền đã vang tiếng hô luyện võ của các chiến sĩ. Lẫn trong đội hình màu xanh áo lính là 3 - 4 cậu bé đang hăng say vung tay, đá chân tập luyện theo các chú bộ đội.

Khi được hỏi về ước mơ, một cậu bé với đôi mắt trong veo, hồn nhiên đáp: “Chúng cháu muốn rèn luyện sức khỏe để sau này lớn lên sẽ tiếp tục bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.” Câu trả lời ấy đã gieo vào lòng chúng tôi niềm xúc động sâu sắc. Ở đảo Đá Tây A, những đứa trẻ đều toát lên vẻ khỏe khoắn và rất lễ phép. Gặp người lớn, các em đều khoanh tay chào, dạ thưa rất ngoan ngoãn.

Trò chuyện cùng Nguyễn Thanh Phong, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Đá Tây A, em bảo: “Lớp con ít bạn, nhưng chúng con thân thiết như anh em trong nhà. Chúng con nhớ cả sở thích và ngày sinh nhật của nhau. Ngoài giờ học, chúng con thường ra sân chơi, được các chú bộ đội dạy những trò chơi dân gian và cả cách trồng rau nữa”.

Những đứa trẻ nơi Trường Sa có lẽ chưa hiểu hết sự thiêng liêng của hai tiếng "chủ quyền" nhưng sự hồn nhiên, trong sáng và tiếng ê a học bài mỗi ngày của các em chính là minh chứng cho mạch sống mãnh liệt nơi biển đảo tiền tiêu.

Theo Lê Thành (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm

Theo chân ông Voi

Theo chân ông Voi

Dưới những dải rừng tự nhiên dọc đại ngàn Trường Sơn, người dân nơi đây luôn kể cho nhau nghe về sự xuất hiện của những ông voi to lớn mỗi khi chạm mặt.

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Suốt nhiều năm chìm trong bóng tối của cách trở và thiếu thốn, làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) từng là một trong những "vùng trắng" điện lưới hiếm hoi còn sót lại ở Bình Định.

Ngược dòng Thác Ma

Ngược dòng Thác Ma

Sông Thác Ma, tên gọi dân dã của một nhánh nhỏ hợp lưu với sông Ô Lâu, bắt nguồn từ vùng rừng phía Tây huyện Hải Lăng (Quảng Trị), xuôi qua các làng Khe Mương, Trầm, Tân Điền, Cồn Tàu - xã Hải Sơn, rồi đổ về Hải Chánh, hòa vào sông lớn.

Ra Biển Đông săn những đường bay

Ra Biển Đông săn những đường bay

Giữa mênh mông Biển Đông, đường bay của cá chuồn vút lên thành vũ điệu, cú phóng mình của cá heo tinh nghịch đáng yêu, đàn ó sà xuống chớp nhoáng, thót tim... Mỗi đường bay là chuyển động của sự sống, bản năng sinh tồn nhưng cũng mang vẻ đẹp tuyệt mỹ của tự nhiên.

Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao: Mệnh lệnh từ trái tim

Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao: Mệnh lệnh từ trái tim

Từ mệnh lệnh trái tim, những người lính Biên phòng Sơn La đã “cùng ăn, cùng ở” giúp người dân nghèo biên giới xóa nhà tạm, nhà dột nát. Việc làm của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.