Miệt mài gieo chữ ở vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cô giáo Phạm Thị Thuyết đã dành hơn 12 năm để giảng dạy tại vùng sâu, mang đến tri thức cho các em học sinh khó khăn.

Mang trái tim tha thiết yêu nghề, yêu trò để gắn bó với ngành Giáo dục vùng khó Đam Rông hơn 12 năm qua, mới đây, cô giáo Phạm Thị Thuyết - giáo viên Trường Tiểu học Liêng S’rônh, vinh dự là 1 trong 60 giáo viên trên toàn quốc được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 - nơi mà cô chia sẻ là cột mốc đáng nhớ, là kỷ niệm khó quên, cũng chính là động lực để cô tiếp tục cố gắng, nhiệt huyết và trách nhiệm hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

miet-mai-gieo-chu-o-vung-sau-dd.jpg
Cô giáo Phạm Thị Thuyết (bên trái) nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024

Hết lòng vì học sinh vùng khó

Cô giáo Phạm Thị Thuyết sinh năm 1992 tại đất cảng Hải Phòng. Tự hào với truyền thống hiếu học của quê hương, cùng quyết tâm bước ra khỏi lũy tre làng, cô Thuyết đã mang giấc mơ trở thành một giáo viên từ nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, năm 2012, cô xa gia đình vào dạy học tại huyện Đam Rông, lần lượt công tác tại Trường Tiểu học Đạ M’rông, Trường Tiểu học Đa Nhinh và hiện nay là Trường Tiểu học Liêng S’rônh. Thật khó để diễn tả cảm xúc của cô gái chỉ mới 20 tuổi lúc đó khi lần đầu từ miền xuôi lên miền núi, đến với địa phương còn quá nhiều khó khăn, cách trở. Thế nhưng, khi nhìn thấy những thiếu thốn của học sinh dân tộc thiểu số nơi đây, cô Thuyết càng quyết tâm theo đuổi con đường giáo dục để mang đến cơ hội học tập cho các em.

Hiện, hơn 90% học sinh của cô Thuyết là người dân tộc thiểu số, khó khăn về điều kiện sống và sinh hoạt. Nhiều em ở cách xa trường ba, bốn chục cây số, phải ở trọ tự lo ăn uống để có thể đến trường. Cô chia sẻ: “Học sinh nơi đây đang thiệt thòi quá nhiều so với các bạn cùng trang lứa ở các vùng thuận lợi, trang thiết bị phục vụ việc học đều rất thiếu thốn. Chính vì không muốn để học sinh bị mù chữ, rồi tương lai phải gắn bó cả đời với rẫy nương mà cái đói, cái nghèo vẫn cứ bám riết, nên tôi chịu khó hy sinh một chút, chấp nhận khó khăn để lên bản dạy chữ cho các em”.

Là người giáo viên, cũng là một người “mẹ”, cô giáo Thuyết thường xuyên thăm chỗ ăn, ở của các em, hướng dẫn các em sinh hoạt vệ sinh, động viên các em. Nhiều lần thấy học sinh phải đến trường với quần áo cũ, không có giày dép, thiếu thốn đồ dùng học tập, cô Thuyết cùng các thầy cô trong trường tự tay quyên góp, tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân. Những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa này đã giúp các em thêm yêu trường lớp, cố gắng vượt qua khó khăn để học tập.

Cô Thuyết tâm sự, điều khiến cô lo lắng nhất là các em học sinh vì khó khăn mà phải nghỉ học để theo cha, mẹ lên nương, lên rẫy. Phụ huynh học sinh đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, các em chưa được sự quan tâm chu đáo của gia đình. Đã có không ít lần, cô Thuyết cùng các thầy cô giáo trong trường vượt qua những con đường gập ghềnh sỏi đá, lấm lem bùn đất, đến nhà để vận động, thuyết phục phụ huynh cho con trở lại trường. Từ những buổi trò chuyện kiên trì, nhẫn nại để phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc học, đến nay, sĩ số học sinh đã được duy trì ổn định qua các năm. Điều đáng mừng là phụ huynh đã thường xuyên tương tác, trao đổi với giáo viên để biết con em mình học tập thế nào. Các hoạt động phong trào của lớp rất được các phụ huynh ủng hộ tham gia.

"Khó diễn tả được cảm xúc của tôi khi từ miền xuôi lên miền núi công tác. Bản thân phải học làm quen với khí hậu hai mùa mưa - nắng, địa hình đồi núi, dốc cao ngoằn nghoèo, khó khăn trong việc đi lại. Dẫu vậy, tôi luôn cố gắng vượt qua để đem cái chữ đến cho các em. Được đến trường dạy các em là một niềm hạnh phúc, một niềm vui to lớn mỗi ngày của tôi".

Cô giáo Phạm Thị Thuyết

Sức mạnh của lòng yêu nghề

“Nghề giáo là một trong những nghề nghiệp cao quý, khi mang trên mình trọng trách đào tạo, dìu dắt những mầm non tương lai của đất nước. Đối diện với những thử thách của thời đại mới, những thầy cô giáo trẻ cũng cần liên tục đổi mới, phát triển bản thân khi đã chọn sự nghiệp trồng người” - cô giáo Phạm Thị Thuyết luôn mang trong mình suy nghĩ này. Do đó, cô rất chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay, đặc biệt là tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh trong mỗi tiết học thông qua nhiều trò chơi lồng ghép vào các bài học, giải ô chữ,... Từ đó, tạo không khí sôi nổi, gần gũi giữa cô và trò. Đối với những học sinh tiếp thu còn chậm, cô giành thời gian kèm cặp, phụ đạo cho các em ngoài giờ học với kế hoạch cụ thể, giúp các em có nền tảng tốt để bước sang cấp học mới.

Với những cống hiến cùng tấm lòng tận tụy vì học sinh, cô Thuyết đã được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng tặng Giấy khen trong Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm 2022; đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh năm học học 2021-2022; Bằng khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2023-2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng; đạt danh hiệu Lao động tiên tiến năm 2023-2024 của UBND huyện Đam Rông.

Bên cạnh đó, cô Thuyết còn là một Bí thư Đoàn trường gương mẫu trong việc phối hợp cùng với đoàn viên, thanh niên, các đoàn thể trong các hoạt động, phong trào do các cấp trên tổ chức, phát động. Cô được Hội LHTN Việt Nam huyện Đam Rông tặng Giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên giai đoạn 2019-2024”, được Tỉnh Đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lâm Đồng trao tặng danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2022 - 2024”,...

Cô Thuyết chia sẻ: “Một điều mà tôi luôn cảm thấy tự hào là mặc dù sống và giảng dạy ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng không lúc nào thiếu thốn về tình người. Tôi luôn cảm nhận sâu sắc về tình đồng nghiệp, tình làng xóm, tình cảm của cha mẹ các em học sinh, tình yêu thương và quý trọng của các em dành cho mình. Lúc nào bản thân cũng thấy biết ơn và trân quý những tình cảm thiêng liêng ấy”.

Cô Phạm Thị Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liêng S’rônh cho biết, câu chuyện của cô giáo Phạm Thị Thuyết là minh chứng cho sức mạnh của lòng yêu nghề, tinh thần kiên cường và lòng nhân ái. Cô là người hùng thầm lặng, ngày ngày miệt mài mang tri thức đến vùng sâu, vùng xa, góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều trẻ em. Những “hạt mầm” tri thức mà cô Thuyết đã gieo trồng đang từng ngày lớn lên và mang đến những đổi thay tích cực cho xã hội.

Theo VIỆT QUỲNH (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.