Lời thề giữa đại ngàn của đồng bào Mông - Yên Bái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người Mông bao đời nay gắn bó máu thịt với rừng, xem rừng là cội nguồn sự sống. Từ tín ngưỡng "cúng rừng" đến việc lập tổ, đội tuần tra, rồi lớp trẻ nối tiếp trồng cây gây rừng - tất cả tạo nên một mạch chảy bền bỉ của lòng biết ơn và trách nhiệm.

Giữ rừng không chỉ là truyền thống, mà còn là lời hứa thiêng liêng giữa con người với đại ngàn.

Tết rừng - dịp trả ơn các vị thần linh

Lễ cúng rừng thường diễn ra tại những khu rừng thiêng của làng bản, nơi được xem là chốn linh thiêng và không ai được xâm phạm. Ở Yên Bái, lễ cúng rừng được tổ chức ở xã Nà Hẩu (Văn Yên). Lễ vật trong nghi lễ cúng rừng gồm các sản vật của núi rừng và nông sản địa phương, thể hiện lòng thành kính đối với thần linh. Lễ cúng rừng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Mông. Nghi lễ này phản ánh mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, thể hiện lòng biết ơn đối với núi rừng đã che chở, nuôi dưỡng cuộc sống con người.

Thầy cúng Sùng A Sềnh chia sẻ: "Qua nghi lễ, bà con cầu mong rừng phát triển, bảo vệ con người khỏi thiên tai, dịch bệnh; mùa màng bội thu, đời sống ấm no, sung túc. Đồng thời, lễ cúng rừng cũng cầu mong các vị thần phù hộ cho bản làng bình an, tránh khỏi tai ương và sự quấy nhiễu của kẻ xấu".

Người Mông tin rằng: "Rừng là cha, đất là mẹ" - rừng nuôi sống ta khi ta còn sống, đất đón ta về khi ta lìa đời. Niềm tin ấy đã hòa vào tâm thức, trở thành tín ngưỡng thiêng liêng của đồng bào người Mông nơi đây.

Lễ cúng rừng và lời thề giữa đại ngàn ở Bản Tát, Nà Hẩu, Văn Yên, Yên Bái. ẢNH: NVCC
Lễ cúng rừng và lời thề giữa đại ngàn ở Bản Tát, Nà Hẩu, Văn Yên, Yên Bái. ẢNH: NVCC

Những người giữ rừng, canh rừng thầm lặng

Ở nơi rẻo cao Mù Căng Chải, đặc biệt là ở xã Chế Tạo, những người đồng bào dân tộc Mông hằng ngày sinh sống dưới tán rừng xanh. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm, trong đó thu nhập chính từ rừng và các cây kinh tế dưới tán rừng. Thấu hiểu sâu sắc vai trò sống còn và những giá trị vô giá mà rừng mang lại, người dân xã Chế Tạo đã không chờ đợi, mà chủ động đứng ra bảo vệ rừng như gìn giữ chính cuộc sống của mình. Dù điều kiện còn nhiều thiếu thốn, họ đã chung tay xã hội hóa nguồn lực từ dịch vụ môi trường rừng, cùng với sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm huyện, thành lập các tổ, đội tuần tra. Suốt nhiều năm qua, những bước chân lặng lẽ ấy vẫn đều đặn băng rừng lội suối mỗi tuần, mỗi tháng, âm thầm giữ bình yên cho những cánh rừng nơi biên viễn.

Công việc tuần tra rừng đầy gian nan, vất vả. Các tổ, đội thường phải đi bộ hàng chục cây số xuyên rừng rậm, nhất là vào mùa mưa khi đường đi lầy lội, trơn trượt, nhiều đoạn bị suối sâu chia cắt. Có chuyến khởi hành từ tờ mờ sáng, đến tận tối mịt mới tới nơi, giữa núi rừng không điện, không sóng, hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhiều lần phải ở lại rừng nhiều ngày liền, không chăn màn, chỉ mang theo chút lương khô, mì tôm, gạo và cá khô chống đói. Đêm ngủ dựng tạm lán bằng cây rừng, trải lá khô làm chiếu, lấy áo mưa che đầu, trời đổ mưa thì đành thức trắng, run rẩy trong giá lạnh giữa rừng sâu. "Nhiều lúc không muốn làm nữa, đi địa phương khác làm thuê kiếm tiền nuôi vợ con. Nhưng khi nghĩ lại, nếu mình không cố gắng bảo vệ thì những mảnh rừng của mình sẽ ra sao, ai sẽ bảo vệ, nên anh em bảo nhau cùng cố gắng vì con cái, vì những cánh rừng xanh của cha ông để lại", anh Sùng A Lềnh chia sẻ.

Sứ mệnh của thế hệ trẻ với đại ngàn

Sùng A Cải lớn lên trong một gia đình người Mông nghèo nơi rẻo cao heo hút ở Văn Chấn, Yên Bái - nơi cái đói, cái nghèo bám riết như bóng với hình. Nhưng chính từ trong gian khổ ấy, một ý chí âm thầm được hun đúc - ý chí vượt lên số phận, khát khao học hỏi và ước mơ góp phần đổi thay cuộc sống cho bản làng thân yêu của mình.

Năm 2017, cầm trên tay tấm bằng cử nhân sư phạm địa lý chất lượng cao, A Cải không chọn con đường ổn định như bao người mà dấn thân vào hành trình gian nan - phủ xanh những triền đồi cằn cỗi, tìm lại những mảng xanh cho quê hương. Anh trầm ngâm chia sẻ: "Năm 2017 là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời tôi - tôi tốt nghiệp đại học, lập gia đình, rồi mất đi người cha yêu quý. Chỉ một tháng sau ngày bố qua đời, vợ tôi báo tin có em bé. Giữa niềm vui là nỗi lo chồng chất, lúc đó, tôi mới thực sự thấm thía gánh nặng 'cơm áo, gạo tiền' - điều mà bạn bè cùng trang lứa đã trải qua từ 5 - 6 năm trước. Nhưng cũng chính lúc ấy, tôi quyết định dấn thân vào hành trình lớn nhất đời mình - biến ước mơ phủ xanh núi đồi thành hiện thực với dự án 'Ước mơ triệu cây xanh' mà tôi đã ấp ủ từ lâu".

A Cải cùng bà con và tình nguyện viên trồng cây ở Văn Chấn, Yên Bái. ẢNH: NVCC
A Cải cùng bà con và tình nguyện viên trồng cây ở Văn Chấn, Yên Bái. ẢNH: NVCC

Để đặt những mầm xanh đầu tiên xuống đất, A Cải bắt đầu từ chính gia đình mình. Anh kiên trì thuyết phục cha mẹ, anh chị em thử nghiệm trước và khi nhận được sự ủng hộ, cây non đầu tiên đã được gieo trồng - mở ra hy vọng cho một hành trình dài phía trước. Bằng sự khéo léo và tầm nhìn xa, A Cải lựa chọn các loại cây rừng bản địa như lim xanh, lát hoa, chò chỉ, kết hợp với cây dược liệu như chẩu, quế, sa nhân cùng những cây ngắn ngày như chuối, tre, khoai, lá dong. Sự hài hòa ấy không chỉ giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con dân tộc thiểu số.

Lý tưởng cao đẹp trong anh như một ngọn lửa rực cháy nhưng con đường phủ xanh lại gập ghềnh, khắc nghiệt. Đã có lúc mệt mỏi, chán nản..., nhưng giấc mơ phủ xanh quê hương chưa bao giờ lung lay. Và trên hành trình ấy, anh không đơn độc bởi có bạn bè, đồng nghiệp, những người cùng chung khát vọng vẫn luôn sát cánh bên anh chia sẻ, động viên, không chỉ bằng lời nói mà cả những hỗ trợ tài chính thiết thực. Chính sự đồng hành ấy đã tiếp thêm sức mạnh, giúp anh bước qua khó khăn, để từng tán cây vươn lên kiêu hãnh giữa đất trời.

A Cải lựa chọn các loại cây rừng bản địa như lim xanh, lát hoa, chò chỉ, kết hợp với cây dược liệu như chẩu, quế, sa nhân... ẢNH: NVCC
A Cải lựa chọn các loại cây rừng bản địa như lim xanh, lát hoa, chò chỉ, kết hợp với cây dược liệu như chẩu, quế, sa nhân... ẢNH: NVCC

Nhờ vào sự kiên trì, bền bỉ và nỗ lực không ngừng của A Cải cùng với sự chung tay của cộng đồng, dự án "Ước mơ triệu cây xanh" đã trồng hơn 1 triệu cây xanh ở nhiều tỉnh như Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa… Những cánh rừng xanh này không chỉ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn ngăn ngừa xói mòn, tái sinh các mạch nước ngầm, mang lại môi trường sống tươi tốt cho động vật hoang dã, đồng thời tạo ra sinh kế bền vững cho người dân. "Dù bất cứ giá nào cũng sẽ bảo vệ rừng, giữ lấy từng tấc xanh của đại ngàn và quyết tâm trồng lại những gì đã mất, để rừng mãi là sự sống, là linh hồn của núi rừng quê hương", đó là một lời hứa đanh thép của chàng trai trẻ có "trái tim xanh" Sùng A Cải với đại ngàn.

A Cải thăm cây rừng đã trồng ở một số tỉnh Tây Bắc. ẢNH: NVCC
A Cải thăm cây rừng đã trồng ở một số tỉnh Tây Bắc. ẢNH: NVCC

Bằng tình yêu sâu nặng với rừng đại ngàn và ý chí không khuất phục trước gian khó, Sùng A Cải đã bền bỉ cống hiến, lặng lẽ gieo từng mầm xanh hy vọng giữa núi rừng. Năm 2024, anh được trao giải thưởng "Tình nguyện Quốc gia" của Trung ương Đoàn. Đó không chỉ là vinh dự cá nhân, mà là minh chứng sống động cho sức mạnh của lòng kiên trì, của tình yêu rừng cháy bỏng, cho ý chí kiên cường và khát vọng cống hiến vì cộng đồng, khát vọng dựng xây một tương lai bền vững cho quê hương.

Theo Hoa Ban Trắng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null