Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa lòng phố thị TP.HCM vội vã, có một nhóm người lặng lẽ thắp yêu thương mỗi sáng thứ năm bằng những suất cơm đậm đà sự tử tế.

Khoảng độ 6 giờ sáng, trong khuôn viên phía sau nhà thờ giáo xứ Cầu Kho (Q.1, TP.HCM) bắt đầu rộn ràng tiếng nói cười. Ngày thứ năm như thường lệ, ban Caritas (làm từ thiện với tinh thần bác ái) của nhà thờ lại tụ họp nhóm lửa, tất bật chuẩn bị 100 phần cơm đậm vị tử tế cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bữa cơm tử tế giữa lòng thành phố

Người nhóm lửa đầu tiên cho căn bếp nghĩa tình này là cô Vũ Thị Bông (70 tuổi, Trưởng ban Caritas nhà thờ giáo xứ Cầu Kho).

Cô Bông có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị những phần cơm tươm tất cho người có hoàn cảnh khó khăn
Cô Bông có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị những phần cơm tươm tất cho người có hoàn cảnh khó khăn

Cô Bông kể, cách đây đúng một năm, trong một chuyến đi làm thiện nguyện, cô bắt gặp cảnh một nhóm người phát cơm cho người có hoàn cảnh khó khăn. Cảnh tượng ấy như níu lại trong lòng, khiến cô cứ trăn trở mãi.

“Thấy người ta làm được, mình cũng muốn làm một cái gì đó cho bà con khó khăn ở gần mình”, cô nói.

Những ngày đầu, nhóm chỉ đủ chi phí để nấu khoảng 50 phần cơm mỗi tuần. Kinh phí của bếp ăn chủ yếu đến từ tiền lợi nhuận của quầy hàng phục vụ bác ái đặt trước nhà thờ.

Quầy hàng phục vụ bác ái đặt trước nhà thờ có đầy đủ mặt hàng
Quầy hàng phục vụ bác ái đặt trước nhà thờ có đầy đủ mặt hàng

Các mặt hàng được bán tại đây đều do tự tay các sơ làm nên, có đủ loại như cà phê, bột nghệ, bột ngũ cốc, bột sắn dây, mật ong, chà bông, sữa bò tươi…

Dần dà, bếp cơm được nhiều người biết đến. Người đến góp công, người góp gạo, người cho mắm, cho muối… Thế là, cái bếp cơm bé xíu ấy dần ấm lên bằng tình thương của rất nhiều người.

Giờ đây, sáng thứ năm nào cũng như một buổi “họp mặt” thân tình của 13 thành viên ban Caritas nhà thờ giáo xứ Cầu Kho, ai cũng đã ngoài 50 tuổi, có người hơn 70 tuổi.

Người thì đi chợ từ chiều hôm trước, người thức dậy sớm nấu nướng, người cẩn thận gói từng hộp cơm, người lại chu đáo phân phát đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Trần Thị Kim Hồng (69 tuổi, ở Q.1) là bếp chính kỳ cựu của căn bếp nhỏ này, lúc nào cũng luôn tay luôn chân không nghỉ.

“Ở tuổi này, làm được những điều nhỏ bé nhưng ý nghĩa thế này, tôi thấy rất vui. Càng làm công việc bác ái, tôi thấy mình ngày càng trẻ ra đấy chứ”, cô Hồng cười giòn giã.

Cô Hồng là bếp chính kỳ cựu của căn bếp nhỏ từ khi thành lập đến nay
Cô Hồng là bếp chính kỳ cựu của căn bếp nhỏ từ khi thành lập đến nay

Cô Hồng nói, hoạt động phát cơm miễn phí ở nhà thờ không phân biệt lương - giáo. Bất kể ai có hoàn cảnh khó khăn, dù thuộc tôn giáo nào cũng được nhận những phần cơm ấm áp nghĩa tình.

Chị em trong nhóm không xa lạ khi nghe cô Hồng mới đi đây, đi đó về sau một chuyến từ thiện. Cũng hơn 10 năm nay, cô Hồng cùng bạn bè đi khắp nơi, đến các vùng sâu, vùng xa để nấu cơm, phát quà bánh cho trẻ em nghèo.

“Mới bữa rồi tôi đi Kon Tum, nấu một ngàn phần bún riêu cho mấy đứa nhỏ. Thấy tụi nhỏ ăn ngon lành, tôi mừng dữ lắm”, cô kể lại.

Cơm canh được chuẩn bị nóng hổi để trao tận tay bà con có hoàn cảnh khó khăn
Cơm canh được chuẩn bị nóng hổi để trao tận tay bà con có hoàn cảnh khó khăn

Đang cặm cụi cho cơm vào hộp, cô Nguyễn Dung (71 tuổi, ở Q.10) vui vẻ góp lời. Là cảm tình viên, cô đã gắn bó với bếp gần một năm qua.

Mỗi tuần, cô đều chạy xe từ Q.10 sang để phụ rửa rau, dọn bếp, chia cơm. “Hồi trẻ chỉ mong được nghỉ làm. Giờ mong đến thứ năm để được đi làm bác ái. Hôm nào bận ở nhà là thấy buồn buồn, thiếu thiếu”.

Cô Nguyễn Dung chỉ mong đến ngày thứ năm để đến nhà thờ làm công việc bác ái
Cô Nguyễn Dung chỉ mong đến ngày thứ năm để đến nhà thờ làm công việc bác ái

Đến bếp nấu cơm từ sớm, cô Nguyễn Thị Phương Dung (61 tuổi, ở P.Cầu Kho, Q.1) luôn nở nụ cười hiền hậu. Vừa thoăn thoắt chia phần, cô vừa nhẹ nhàng nói:

“Tôi cảm thấy vui lắm, hạnh phúc lắm… Mỗi ngày được làm những điều thiện lành, lòng tôi thấy nhẹ nhàng, bình yên vô cùng”.

Suốt cả tuần, cô Phương Dung thường đi hát tại lễ đám tang theo ca đoàn và sử dụng số tiền bồi dưỡng đó để làm những hoạt động bác ái.

Những ngày không đi hát, cô lại tất bật phụ giúp tại điểm phát cơm 1.000 đồng dành cho người lao động nghèo. Riêng mỗi sáng thứ tư, cô đều có mặt từ sớm để cùng mọi người làm bánh mì, trao tận tay người thân của các em nhỏ đang điều trị gần Bệnh viện Nhi đồng 1.

Cô Phương Dung (thứ 2, từ trái sang phải) cảm thấy hạnh phúc vì được làm công việc thiện nguyện
Cô Phương Dung (thứ 2, từ trái sang phải) cảm thấy hạnh phúc vì được làm công việc thiện nguyện

“Khóc… vì được người đời thương”

Trong dòng người đến nhận cơm, có chị Nguyễn Thị Hồng Cưng (48 tuổi, quê Phú Yên) với gương mặt rám nắng, bước chân nhanh thoăn thoắt. Chị vừa đi bán vé số về, tranh thủ ghé nhà thờ nhận cơm rồi lại hối hả trở về phòng trọ.

“Tôi và gia đình cùng các cô chú lớn tuổi bán vé số thuê chung một căn trọ ở gần đây. Các cô chú lớn tuổi cũng bán vé số như tôi, người bận đi bán, người đi không nổi nên tôi xin nhận giùm luôn mấy phần”, chị nói.

Chị Hồng Cưng vừa đi bán vé số, vừa tranh thủ đến nhà thờ nhận cơm
Chị Hồng Cưng vừa đi bán vé số, vừa tranh thủ đến nhà thờ nhận cơm

Chồng chị cũng làm nghề bán vé số dạo, còn phòng trọ thì như một mái nhà chung của những người già có hoàn cảnh khó khăn, từ nhiều tỉnh đổ về Sài Gòn mưu sinh.

“Mỗi lần mang cơm về, ai cũng trông, cũng mừng. Cơm nhà thờ nấu ngon, đầy đặn, tươm tất, tử tế, ăn vô thấy ấm bụng lắm”, chị nói.

Trong nhóm người lặng lẽ đứng xếp hàng phía sau, có cụ bà Nguyễn Thị Hai (90 tuổi), dáng người nhỏ, lưng còng, chân đã yếu nhưng vẫn cố gắng cầm gậy, đi từng bước một đến nhà thờ nhận cơm.

“Người khỏe thì đi lẹ, còn tôi già rồi, đi bộ hơn nửa tiếng mới tới. Bữa nào không đi nổi, các cô chú ở nhà thờ mang cơm sang đến tận nhà cho tôi. Tôi quý cái tình cảm đó lắm. Có cơm ăn đã mừng, nhưng có người nhớ tới mình, tôi càng thấy ấm lòng hơn”, bà Hai nghẹn ngào.

Ông Lương Dịu Hòa (68 tuổi, ở P.Cầu Ông Lãnh) chạy xe ôm mưu sinh đã nhiều năm. Ông biết đến bếp cơm của nhà thờ cách đây hơn một năm. Từ đó đến nay, thứ năm nào ông cũng đến đều.

“Tôi nhận cơm cho mấy bà cụ trong hẻm, toàn người già yếu không ra khỏi nhà được. Mình khỏe, còn đi được thì đi giúp họ chút,” ông nói, đôi tay sạm nắng nhẹ nhàng ôm túi cơm, như ôm theo chút tình thương gửi đến những người xung quanh.

Cụ bà Hà Thị Đông (82 tuổi) chống gậy bước từng bước chậm rãi tới nhà thờ. Bà ở trong một ngôi nhà cấp 4 do ba mẹ để lại, sống cùng người con trai ngoài 50 tuổi mắc bệnh tâm thần.

Cô Bông vừa trao cơm, vừa hỏi han sức khỏe của bà Đông
Cô Bông vừa trao cơm, vừa hỏi han sức khỏe của bà Đông

Trước dịch Covid-19, bà đi lượm ve chai kiếm tiền lo cho con. Nay tuổi cao, sức yếu, chỉ biết trông vào tình thương của hàng xóm và những bữa cơm như thế này.

“Có cơm là có niềm vui rồi. Tôi hạnh phúc lắm, sống đến tuổi này vẫn được người ta thương”, cụ cười, nhưng lại quay lưng nghẹn ngào.

Rồi cụ nói như để tự trấn an mình: “Mắt tôi yếu, hay chảy nước mắt, chứ không phải khóc đâu… Nhưng cũng có lúc tôi khóc thật. Khóc vì buồn, vì tủi, mà có khi cũng khó vì mừng, vì được người thương”.

Sài Gòn vẫn rộng lắm, vẫn vội vã lắm. Nhưng chỉ cần ở một góc nhỏ nào đó có người nấu cơm để sẻ chia, có người chờ để nhận, thì thành phố ấy vẫn còn dịu dàng.

Bữa cơm miễn phí tại nhà thờ giáo xứ Cầu Kho đã thắp ngọn lửa tình thương, an ủi, vỗ về những phận đời khốn khó.

Ở TP.HCM nghĩa tình có hàng trăm căn bếp như thế. Mỗi ngày, mỗi giờ trôi qua, lại có hàng ngàn hộp cơm ấm lòng được trao đi.

Theo Hoài Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

null