Hành trình ấy đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng yêu thương để chung tay xây đắp những ngôi trường hạnh phúc.
Cảm hóa học trò bằng trái tim
Cậu học trò nhỏ Siu Ha Vương (lớp 8) có ánh mắt sáng, nụ cười tươi và lối trò chuyện lễ phép, dí dỏm. Ít ai biết rằng Vương từng là học sinh cá biệt trong những năm học đầu cấp tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai. Nhờ sự cảm hóa của thầy giáo chủ nhiệm Ksor Dĩ, em dần yêu trường, yêu lớp và nỗ lực học tập, trở thành học sinh chăm ngoan.
Vương kể: “Em sống với ông bà nội ở làng Breng 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Hồi mới vào lớp 6, em nhớ làng, nhớ ông bà nên khóc đòi về. Em không chịu tới lớp học, thậm chí có hôm em còn mang cặp bỏ chạy ra cổng trường đòi quay về làng. Lúc đó, thầy Dĩ xuất hiện và ôm em lại. Thầy không trách phạt mà nhẹ nhàng ở bên trò chuyện, động viên và kể những câu chuyện ở làng cho em nghe.
Tình cảm của thầy khiến em thấy thân thuộc, gần gũi nên em ngày càng yêu quý trường lớp. Sau 2 năm gắn bó với thầy, em đã xem thầy như người cha thứ 2 của mình”.
Xoa đầu Vương, thầy Dĩ cười hiền nhắc nhớ: “Tôi cũng là người Jrai nên khi đảm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp có 100% là học sinh Jrai, tôi cảm thấy rất may mắn. Bởi tôi hiểu được phong tục tập quán, thấu hiểu được nỗi nhớ làng, nhớ rẫy của học trò.
Những ngày đầu, các em lạ trường, lạ nơi ở, tôi luôn có mặt bên cạnh để trò chuyện, động viên. Trong những câu chuyện ấy có nhà rông, hội làng, mùa gặt… Khi đã thấu hiểu, các em sẽ dần hòa nhập với môi trường mới”.

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Ksor Dĩ đã có tới 18 năm làm công tác chủ nhiệm. Năm 2006, thầy về nhận công tác tại ngôi trường ở vùng biên giới xã Ia O (huyện Ia Grai). Năm đầu tiên làm chủ nhiệm lớp, thầy không khỏi bối rối bởi những lần lên lớp chỉ có mình và trang giáo án. Phía dưới vắng hoe bóng dáng của học trò.
“Lớp học chỉ lác đác vài em học sinh. Những phút đầu, tôi hụt hẫng vô cùng. Trang giáo án đêm qua tôi thức tới 2 giờ sáng soạn thảo với bao tâm huyết còn chưa kịp ráo mực mà giờ lên lớp lại trống vắng học sinh. Bất giác, tôi bình tâm nghĩ lại, không trách trò được vì cuộc sống của các em còn khó khăn quá. Trời mưa, đường trơn, các em không thể đi bộ tới lớp.
Nghĩ thế, tôi mặc áo mưa, ngồi lên chiếc xe máy cũ chạy vào làng để đón từng em ra lớp. Thầy trò vẫn vui vẻ, hào hứng với buổi học dù chỉ còn chưa đầy 2 tiếng đồng hồ”-thầy Dĩ bồi hồi nhớ.
Những ngày gian khó ấy cũng qua đi với đầy ắp kỷ niệm. Lứa học trò vùng biên năm nào nay đã trưởng thành và luôn nhắc về thầy Dĩ với tất cả sự trân trọng, quý mến.
Thầy Dĩ khẳng định: “Tôi thích làm công tác chủ nhiệm bởi ngoài việc dạy chữ, tôi còn được đồng hành cùng các em trong cuộc sống. Hiểu được hoàn cảnh, tôi sẽ định hướng để các em biết vượt khó và đặc biệt tôi có thể truyền lửa cho con em người dân tộc thiểu số trong hành trình vươn tới tương lai”.
Năm 2019, thầy Dĩ về nhận công tác tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai. Buổi dạy đầu tiên ở ngôi trường mới khiến thầy vỡ òa cảm xúc vì lớp học không vắng em nào, dù rằng nhiều ánh mắt của học trò đầu cấp vẫn còn đỏ hoe.
“Tôi tự nhủ: Chỉ cần các em tới lớp, mọi sự vướng mắc tôi sẽ dùng trái tim ấm áp của người thầy để cảm hóa”-thầy Dĩ bộc bạch.
Với đặc thù là ngôi trường nội trú, giáo viên chủ nhiệm như thầy Dĩ phải đóng vai trò là người cha, người mẹ thứ 2; chăm sóc, theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ của trò. Nhiều lần, học sinh đau ốm trong đêm, thầy là người đưa các em đi bệnh viện, ở bên tận tình chăm sóc cho tới khi phụ huynh tới.
Em Rơlan Quốc (lớp 8) chia sẻ: “Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn thấu hiểu, chia sẻ và giúp tháo gỡ những mâu thuẫn, khó khăn mà chúng em gặp phải. Khi cảm thấy mình được quan tâm, lắng nghe, chúng em dễ dàng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình với thầy.
Khi chúng em phạm lỗi, thầy thường phạt bằng hình thức cuốc đất, trồng rau, nhổ cỏ… Ban đầu, chúng em thấy ấm ức nhưng khi giọt mồ hôi đổ xuống, chúng em mới hiểu, trân trọng công sức lao động, biết thương bố mẹ đã nuôi chúng em khôn lớn, đúng y như lời thầy đã dạy”.

Thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai-cho rằng: Công tác chủ nhiệm là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng yêu thương. Dù vất vả nhưng niềm vui khi thấy học sinh tiến bộ, trưởng thành luôn là động lực để thầy Dĩ tiếp tục gắn bó với nghề và không ngừng hoàn thiện mình.
Đặc biệt, để trò thêm yêu mến trường học, thầy Dĩ đã dẫn dắt và duy trì hoạt động đội cồng chiêng của trường với 45 thành viên. Việc phát triển các hoạt động giáo dục về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giúp cho học sinh có thêm hiểu biết, tình yêu với văn hóa truyền thống.
“Ngoài kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giải quyết tình huống tâm lý trong nhà trường được thầy Dĩ phát huy hiệu quả. Trường học hạnh phúc chỉ được tạo lập khi cả thầy và trò thực sự được yêu thương, chia sẻ.
Với sự tận tâm và tinh thần học hỏi không ngừng, thầy Dĩ sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”, đặc biệt là đối với học sinh dân tộc thiểu số”-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai bày tỏ.
Thấu hiểu để gieo yêu thương
Bằng sự quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, cô Đoàn Thị Thắm (Trường Tiểu học và THCS Phù Đổng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) đã trở thành giáo viên chủ nhiệm được nhiều lứa học trò quý mến. Gần 35 năm công tác trong ngành Giáo dục thì có tới 17 năm cô Thắm gắn bó với học trò lớp 1 ở ngôi trường vùng biên này.
“Với người giáo viên công tác nơi vùng biên giới như tôi, những kỷ niệm với học trò chính là món quà vô giá. Tôi còn nhớ như in hình ảnh cậu học trò nhỏ chân trần theo mẹ lên rẫy vào một buổi chiều mưa; hình ảnh cô bé Jrai phải ở nhà trông em thay mẹ hay những học sinh mặc chiếc áo mỏng tang tới lớp trong những ngày lạnh giá…
Những lúc ấy, lòng tôi đã nghẹn lại. Bởi thế, tôi luôn cố gắng tìm cách bù đắp những thiệt thòi cho các em trong khả năng của mình”-cô Thắm tâm sự.
Để hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm, cô Thắm đã kết nối chặt chẽ với phụ huynh, già làng. Những buổi chiều sau giờ lên lớp, cô trở về làng đi thăm hỏi các gia đình học trò. Mỗi em một hoàn cảnh, khi đã thấu hiểu, cô Thắm tìm cách để sẻ chia với từng trường hợp. Có em nhà thiếu gạo, cô mang gạo tới cho. Em nào thiếu sách vở, cô cũng là người tặng. Nhà em nào quá xa trường, cô sẵn sàng tới chở…
Phụ huynh cũng xem cô Thắm như người trong gia đình và mong muốn gửi gắm con em mình để được cô dạy dỗ. Cô bày tỏ: “Từ những tình cảm ấy của phụ huynh và học sinh, tôi càng hiểu rằng dạy học không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là gieo yêu thương”.

Cách đây gần 35 năm, cô Thắm đã viết đơn tình nguyện xin được về dạy ở vùng biên giới. Nơi đây, cô không có người thân nhưng lại có những học trò đang cần những thầy-cô giáo thực sự kiên nhẫn và yêu thương.
Cô Thắm kể: “Tôi mở thêm lớp học miễn phí để bổ trợ kiến thức cho các em. Tôi nhờ một phụ huynh ở làng chở các em đến trường để học phụ đạo vào cuối ngày và dùng tiền lương của mình để chi trả phí xăng xe cho họ mỗi tháng. Bởi tôi hiểu rằng, nếu không có ai đưa đón, những đứa trẻ ấy có thể sẽ bỏ cuộc giữa chừng khi hàng ngày phải đi bộ trên quãng đường xa đầy nắng bụi, mưa lầy.
Ở lớp học ấy, ngoài dạy chữ, tôi còn tranh thủ nấu cho các em khi thì nồi chè đậu đen, lúc lại mì gói hay phát cho vài cái bánh, viên kẹo ngọt... Chiều tối, tôi tắm rửa cho các em trước khi tạm biệt về nhà. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại khiến đôi mắt thơ ngây của các trò rạng rỡ hẳn lên, trái tim tôi cũng reo vui đến lạ”.
Có những khoảnh khắc mà cô Thắm bảo rằng mình sẽ ghi nhớ suốt đời, không chỉ là những giờ dạy thành công, mà còn là những buổi chiều bình yên bên các em học sinh. Nơi ấy, tình thương giữa cô và trò cứ lớn dần qua từng cử chỉ chân thành.
Ngày hẹn gặp cô Thắm, chúng tôi bắt gặp những cô cậu học trò lớp 1 đang trò chuyện ríu rít quanh cô ở phía cuối sân trường. Khi được hỏi về cô giáo chủ nhiệm, cậu bé Kpuih Hăc tươi cười khoe: “Cô Thắm dạy em nói và viết tiếng Việt. Được cô chăm sóc, yêu thương như con nên chúng em rất thích nói chuyện với cô và thích tới trường”.

Thầy Phan Thành Tiến-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phù Đổng-cho hay: “Ngoài năng lực chuyên môn, với vai trò chủ nhiệm, cô Thắm còn là một “nhà tâm lý” giỏi, hiểu thấu đáo những suy nghĩ, tâm tư của học sinh.
Bên cạnh quản lý nền nếp lớp học, cô còn chú trọng đến việc giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức và thái độ học tập tích cực cho các em. Nhiều năm liền, cô Thắm đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện”.