Vị thần may mắn của người M’nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình đồng bào dân tộc M’nông ở Đắk Lắk vẫn duy trì lễ cúng bếp lửa.

Theo quan niệm của họ, bếp lửa là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Bếp lửa còn là một vị thần mang lại nhiều may mắn và sự êm ấm cho mọi người.

Ngọn lửa thiêng

Tây Nguyên không có sự phân định rõ bốn mùa, chủ yếu hai mùa mưa-nắng. Mùa khô trên Tây Nguyên đầy ắp nắng vàng, trời xanh và gió lộng. Đường về buôn người M’nông (huyện Lắk, Đắk Lắk), gió thổi qua đám cỏ bồng bềnh, những rặng tre đung đưa rợp cả lối đi. Đến với huyện Lắk mùa khô là dịp để đắm mình trong sắc lá chuyển màu của cây rừng, vẻ đẹp của thiên nhiên, và cũng chính là dịp các dân tộc nơi đây bước vào mùa lễ hội.

Vào mùa này, đến bất kỳ buôn làng nào du khách đều được dự những lễ hội tưng bừng. Khắp vùng đất nắng gió này, có bao nhiêu dân tộc có bấy nhiêu lễ hội. Trong căn nhà sàn của người M’nông, ánh lửa bập bùng trên bếp cũng khiến mọi người mê đắm.

Ông Y Môih Păng Sưr (SN 1972, huyện Lắk) là đội trưởng đội cồng chiêng buôn Lê và buôn Jun (thị trấn Liên Sơn) chia sẻ, theo quan niệm của người M’nông, mọi vật trên đời đều có thần linh: Thần suối, thần rừng, thần cây, thần lửa. Ngày nay, nhiều gia đình vẫn duy trì lễ cúng bếp lửa. Mỗi khi dựng xong nhà mới, chủ nhà muốn dọn về ở, việc đầu tiên phải tổ chức nghi lễ làm bếp và nhóm lửa.

Người có uy tín nhất trong buôn thực hiện lễ cúng, lửa sẽ được giữ cháy liên tục trong vòng 1 ngày 1 đêm với ước nguyện xua đuổi tà ma, thú dữ và mọi điều xui xẻo. Với người M’nông, bếp lửa là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Bếp lửa còn là một vị thần mang lại nhiều may mắn và sự êm ấm cho mọi người.

Ngồi bên mâm lễ vật được chuẩn bị tươm tất gồm: Một con gà, một nồi đất đựng nước, một ché rượu cần và một bình nước đựng trong quả bầu khô. Thầy cúng Y Văn Buôn Krông cho biết, chuẩn bị tái hiện lễ cúng bếp lửa của người M’nông Rlăm.

Những người phụ nữ trong buôn ngồi trang nghiêm cạnh thầy cúng. Khi ngọn lửa bùng lên, thầy cúng thay mặt gia chủ đọc lời khấn gửi đến thần bếp, thần lửa, mong cho mùa màng thuận lợi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong thời khắc linh thiêng đó, những người phụ nữ M’nông lấy lửa từ thầy cúng, những ngọn lửa uyển chuyển theo đôi tay trong điệu múa cúng thần lửa. Xong phần nghi lễ mọi người quây quần thành vòng tròn thưởng thức rượu cần.

1thaycung.jpg
Thầy cúng đọc lời khấn gửi đến thần bếp, thần lửa.

Giữa thanh âm rộn rã của cồng chiêng, những điều huyền bí được ông Y Văn tiết lộ, cứ vào tháng 3, tháng 4 hằng năm, trước khi bước vào mùa vụ mới, người M’nông tổ chức lễ cúng bếp lửa, đây là nghi lễ độc đáo. Trong lễ cúng không thể thiếu bầu nước.

Lửa và nước luôn song hành trong đời sống của người M’nông. Nước làm dịu đi cái nóng của lửa, còn lửa sưởi ấm cho con người. Ngày xưa, người M’nông có cách nhóm lửa độc đáo. Họ dùng một sợi dây thừng hoặc cây le, cây lồ ô cọ xát vào nhau đến khi phát sinh nhiệt, tạo ra khói. Lúc này, họ đưa củi khô hoặc vỏ cây vào để nhóm lửa. Trải qua bao biến động, nhiều gia đình người M’nông vẫn giữ gìn tục cúng bếp lửa.

Vòng quay của mùa

Những tháng Tây Nguyên bước vào mùa khô, tiết trời được bao phủ cái nắng, cái gió. Về buôn đồng bào dân tộc M’nông ở huyện Lắk mùa này chỉ gặp người già và trẻ em. Thi thoảng sẽ bắt gặp vài ba người phụ nữ đang miệt mài dệt thổ cẩm bên hông nhà.

Những đôi bàn tay gân guốc chai sần với nương rẫy, khi dệt, đôi tay ấy trở nên uyển chuyển, mềm mại. Còn đa phần đàn ông, phụ nữ đều đi lên nương rẫy.

Trong mỗi lời kể của ông Y Môih, chúng tôi miên man với các sinh hoạt cộng đồng độc đáo. Từ xa xưa, người M’nông sống dựa vào rừng, nương rẫy nên nghi lễ của họ cũng phụ thuộc vào vòng quay của mùa.

Sau khi thu hoạch mùa vụ, đất rẫy được “nghỉ ngơi”, đến tháng 3 hằng năm bà con bắt đầu dọn dẹp để chuẩn bị cho mùa vụ trồng trỉa mới. Mỗi khi đốt rẫy người nhà sẽ canh lửa, nhất là những rẫy gần rừng, không cho cháy lan ra khu vực xung quanh.

2aa.jpg
Những người phụ nữ M’nông lấy lửa từ thầy cúng.
3aa.jpg
Nhiều gia đình đồng bào dân tộc M’nông vẫn duy trì lễ cúng bếp lửa.

Ông Y Môih chia sẻ, ông trải qua 53 mùa rẫy, và nhiều lần thực hiện công việc đốt rẫy. Từ xa xưa, bà con đồng bào dân tộc M’nông sống dựa vào rừng, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Mỗi năm, bà con làm được một mùa rẫy nên thường dùng từ mùa rẫy để nói về số tuổi của đời người.

Trước khi đốt rẫy, tùy từng gia đình người M’nông sẽ kiêng tắm từ 1 đến 3 tháng. Họ quan niệm rằng nếu tắm rửa trong thời gian này, khi đốt nương rẫy, lửa sẽ không bén tốt, không cháy sạch, ảnh hưởng đến mùa màng. Khi nghi lễ và công việc đốt nương rẫy hoàn tất, mọi người mới trở lại sinh hoạt thường ngày.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, người M’nông R’lăm huyện Lắk giao thoa cả văn hóa dân tộc M’nông và Ê đê tạo ra văn hóa rất đặc trưng. Các nghệ nhân M’nông R’lăm huyện Lắk có thể diễn tấu nhiều loại nhạc cụ của cả người Ê đê và M’nông, trong đó có những nhạc cụ hết sức độc đáo. Trong đời sống của người M’nông R’lăm (một nhánh của dân tộc M’nông) lửa có vai trò quan trọng. Lễ cúng bếp lửa là lễ không thể thiếu và độc đáo cầu sự may mắn, no đủ, hạnh phúc của mỗi gia đình. Đối với người M’nông R’lăm quanh hồ Lắk coi bếp lửa như cuộc sống của họ.

Thầy cúng Y Văn Buôn Krông tiếp chuyện, ngày nay, xã hội phát triển, bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trên nương rẫy không còn độc canh một loại cây trồng mà trồng xen nhiều loại cây khác nhau để nâng cao thu nhập cho gia đình. Cho dù có trồng cây gì thì cứ đến tháng 3, tiết trời nắng nóng, khô hanh, bà con đều lên rẫy phát dọn sạch sẽ. Những nương rẫy không trồng lúa, hoa màu, mà trồng cây công nghiệp, cứ vào mùa khô người dân sẽ dọn dẹp gom lá khô một góc để đốt.

Huyện Lắk có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng riêng. Giá trị văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số hội tụ đậm nét, nhất là ở lễ hội gắn với chu kỳ sản xuất và cuộc sống của họ được gìn giữ từ bao đời nay.

Theo Nguyễn Thảo (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

null