Đồng bào, đồng chí Tây Nguyên đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện ước mong tha thiết của Người là đưa nước nhà đến bến bờ vinh quang, giải phóng miền Nam, thống nhất giang sơn.

NHỮNG LỜI DẠY CỦA BÁC NHƯ NHỮNG LIỀU THUỐC TIÊN
Ông Y Bih Aleo, người Ê Đê, nguyên Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, từng chia sẻ những lời tâm huyết:
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sống dưới thời thực dân Pháp như cây lau, cây lách bên bờ sông triền miên bị sóng nước vùi dập, rên xiết. Mùa Thu năm 1945, cùng với Nhân dân cả nước, người Tây Nguyên đã anh dũng nhất tề đứng dậy đập tan xiềng xích. Cờ đỏ sao vàng tươi thắm, đồng bào đổ về những buôn làng lớn giành chính quyền và thề giữ vững thành quả cách mạng. Từ đó, người Tây Nguyên nguyện làm theo lời Bác, làm theo Thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu của Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Trong suốt những tháng năm đánh Pháp, đuổi Mỹ, đồng bào Tây Nguyên lấy lời dạy của Người làm ánh sáng chỉ đường, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng kề vai sát cánh tiêu diệt kẻ thù chung.
Ông Y Bih Aleo nhớ lại bài hát của người Ê Đê vào mùa Thu cách mạng: "Ở buôn làng cây ngã đã có dùi tựa lưng, rễ khô đã có nguồn nước mát. Khắp Bắc - Trung - Nam không có ai như Bác Hồ. Cây một gốc đã thành rừng, mây bụi thành vườn. Mặt trời thua ánh sáng, dòng nước kém trong, núi cao, rừng xanh ghen với Người…”.
Hình ảnh của Bác và những lời dạy của Người càng ngày càng thấm vào trong lòng Nhân dân các dân Tây Nguyên, chiếu sáng khắp mọi ngôi nhà sàn của đồng bào. Khi ông Abih Aleo còn ở tù biệt xứ trong nhà lao Di Linh (Lâm Đồng), ông nói, mỗi khi gặp khó khăn thì như có Bác chỉ đường. “Chúng tôi tin chắc rằng sự nghiệp cách mạng sẽ thắng lợi. Trong nhà tù nổi lên những phong trào đấu tranh mạnh mẽ; đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, đòi thả một số đồng bào bị chúng bắt vô cớ trở về buôn làng của họ. Mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác, một số anh em, có biết ít nhiều về thân thế và sự nghiệp của Người đã kể cho chúng tôi nghe. Lúc đó bị địch tra tấn đánh đập, cùm xiềng lâu ngày nên bị đau e ẩm. Cái đau làm tôi không đi lại được. Tuy bị đau nặng và chưa thạo tiếng phổ thông nhưng tôi vẫn ráng nghe. Những mẩu chuyện về Bác, những ý, những lời của Bác như một liều thuốc tiên, tối thấy mình như khỏe ra”, ông nói. Những lúc thấy thể xác đau đớn, ông nhớ câu chuyện khi Bác ở trong nhà tù của bọn Tưởng Giới Thạch, bị bại liệt, Bác vẫn tập đi và tinh thần lúc nào cũng thoải mái, luồn hướng về Tổ quốc thân yêu. “Những mẩu chuyện đó rất thiết thực đối với anh em chúng tôi. Riêng bản thân tôi, tôi noi gương Bác, cố gắng kiên trì luyện tập và dần dần đi lại được”, ông Abih kể tiếp.

HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI IN ĐẬM TRÁI TIM TÔI
Là một trong những nữ chiến sĩ cách mạng nối tiếng, bà Nguyễn Thị Lê, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ thành phố Đà Lạt, hồi ức:
“Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ tôi đi lấy chồng khác lúc tôi mới 3 tuổi. Cuộc đời tôi tưởng sẽ mãi mãi chìm trong tủi nhục và tăm tối, nhưng đến năm 18 tuổi thì ánh sáng cách mạng do Bác Hồ kính yêu vạch ra đã đến với tôi. Năm 1943, tôi có quen với chị Dọi người Nghệ Tĩnh cũng ở độ tuổi như tôi. Chị bàn với tôi xin vào làm ở Sở thuốc (Viện Pasteur) cùng chị. Hàng ngày chị Dọi kể cho tôi nghe về lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc, chị bảo ông Nguyễn Ái Quốc là người cùng quê Nghệ An với chị, ông là người yêu nước thương dân, nhất là những người nghèo khổ như tôi với chị. Ông đã đi tìm con đường cứu nước, cứu dân và chỉ rõ, phải đoàn kết đánh đổ bọn Tây và Việt gian bán nước thì mới giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột, những người nghèo khổ như chúng tôi mới được tự do, bình đẳng, không còn cảnh đi ở hay làm thuê với đồng lương rẻ mạt nữa. Từ đó, hình ảnh nhà yêu nước Nguyễn Ai Quốc và con đường cách mạng do Người vạch ra đã in đậm trong trái tim tôi.
Năm 1945, tôi chính thức tham gia hoạt động cách mạng. Tôi được các anh các chị nói cho, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chính là Bác Hồ kính yêu. Tôi còn được nghe kể về lối sống giản dị, tình thương bao la của Bác đối với Nhân dân, nhất là đối với người già, phụ nữ và trẻ em. Càng ngày tôi càng hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Bác. Tôi hứa vời lòng mình, trong quá trình tham gia cách mạng, có bị tù đày, tra tấn hay hy sinh vẫn giữ vững lòng trung thành với Đảng, với Bác, với Nhân dân. Chính nhờ niềm tin sắt đá đó mà tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách…”.
Hoạt động cách mạng liên tục thời kháng chiến chống Pháp qua thời chống Mỹ, Nguyễn Thị Lê luôn giữ một khí tiết kiên trung. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi bị địch bắt ra tù, bà Nguyễn Thị Lê tiếp tục bắt liên lạc và hoạt động cách mạng tại địa bàn Đà Lạt. Với tình cảm sâu sắc đối với Bác kính yêu, bà nguyện suốt đời sống, chiến đấu, làm việc theo tấm gương của Người, cùng nhất trí, đoàn kết và xây dựng quê hương, góp phần cùng cả nước thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Bác.
Theo dòng hồi ức, bà Lê còn nhớ như in những niệm trong ngày Bác kính yêu về cõi vĩnh hằng: Ngày 3/9/1969, tại chiến khu Núi Voi, cả cơ quan Thị ủy Đà Lạt mọi người đều lặng đi và nghẹn ngào xúc động khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Bác mất. Mấy ngày sau đó, Thị ủy tổ chức lễ truy điệu Bác và phát động phong trào “biến đau thương thành hành động cách mạng”, quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Người”.
Hành trình tham gia cách mạng cũng đến ngày đơm hoa, kết trái. Và sau đây là lời kể của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Lê về ngày được vinh dự ra Thủ đô viếng Bác. “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một vinh dự lớn đến với tôi là được có mặt trong đoàn đại biểu Khu VI ra thăm Lăng Bác và dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1975 tại Thủ đô Hà Nội. Khi đoàn từ Lâm Đồng vừa đến sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi nghe loa phóng thanh thông báo: “Trung ương dành chiếc máy bay Liên Xô tặng Bác để ưu tiên chở đoàn đại biểu Khu VI vì đã chịu đựng nhiều gian khổ". Chúng tôi vô cùng sung sướng và xúc động trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đoàn đại biểu các tỉnh cực Nam Trung Bộ”.
Bà Lê kể tiếp, tại Hà Nội, sau khi dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh, các đoàn đại biểu miền Nam được ưu tiên vào trước viếng Lăng Bác. “Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác nằm trong linh cữu, nhưng vì quá xúc động nên nước mắt ai cũng trào ra không nhìn rõ Bác. Vậy nên, các đoàn đại biểu miền Nam lại xin được viếng Bác lần nữa, để bình tĩnh ngắm nhìn Bác rõ hơn, và chúng tôi đã được đáp ứng nguyện vọng tha thiết đó…”. Khi kể lại kỷ niệm đáng nhớ này, bà Lê vẫn còn xúc động.
CHIẾN CÔNG TƯỞNG NIỆM NGƯỜI
Đơn vị nữ pháo bình 8/3 của tỉnh Lâm Đồng thành lập ngày 22/12/1968, gồm 12 cán bộ, chiến sĩ. Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt, đơn vị có một ước muốn tha thiết là miền Nam sớm được giải phóng để đón Bác Hồ vào thăm, nhưng…
Theo lời kể của bà Lưu Thị Thanh An - nguyên Chỉ huy trưởng đơn vị nữ pháo binh 8/3, nguyên Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, Lâm Đồng:
Đầu tháng 9/1969, nhận nhiệm vụ về hoạt động trên địa bàn K3 (huyện Di Linh) phối hợp với đơn vị 200C đánh vào chỉ huy sở trung đoàn 53 Việt Nam cộng hòa, yểm trợ cho các đơn vị tập kích cứ điểm đich ở đồi Pasteur. Vừa hành quân đến địa điểm chiến đấu, chị Lê Thị Pha, chính trị viên, mở Đài Tiếng nói Việt Nam thì được nhận thông báo đặc biệt về tình bình sức khỏe của Bác và biết tin Bác đã qua đời. Một tin đau đớn làm cả đơn vị bàng hoàng. Mấy ngày sau đó, mọi người ai nấy lo công việc phục vụ trận đánh, trong lòng mang nặng một nỗi buồn chung. Trước giờ xung trận, đơn vị tổ chức lễ truy điệu Bác và tuyên thệ trước chân dung của Bác: Biến đau thương thành hành động, ra quân là đánh, đã đánh là thắng. Cả đơn vị quyết tâm đánh thắng trận này để tưởng niệm Người.
Đúng 1 giờ sáng ngày 7/9/1969, hai khẩu súng cối bắn liên tiếp 10 quả đạn, sau đó bắn cầm chừng 80 quả nữa vào sở chỉ huy địch, làm cho chúng không dám chi viện cho đồng bọn đang bị ta tiêu diệt ở đồi Pasteur. Đến 2 giờ 30 phút sáng, đơn vị bắn hết 120 quả đạn và rút về nơi đóng quân an toàn. Trong trận này, đơn vị nữ pháo binh 8/3 đã tiêu diệt trên 80 tên địch, phá hủy nhiều lô cốt, kho tàng quân trang, quân dụng của địch. Đây là trận đánh xuất sắc nhất của đơn vị nữ pháo binh 8/3 trong đợt ra quân lập công đền ơn Bác. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cùng phấn khởi, tự hào, vì đã thực hiện được xuất sắc lời hứa với Bác trước giờ xuất quân…
Chiến tranh đã lùi xa. Đất nước đã thống nhất. Hòa bình đã về trên quê hương 50 năm rồi mà lời kể của bà Lưu Thị Thanh An trở về ký ức với chiến công dâng Bác ngày mùa thu năm ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc.
Theo UÔNG THÁI BIỂU (LĐ online)