Trong những năm tháng đất nước còn trong máu lửa chiến tranh, dưới sự vẽ lối chỉ đường của Đảng và Bác, đồng bào, đồng chí Tây Nguyên đã sát cánh cùng các dân tộc anh em trên cả nước chiến đấu, hy sinh xương máu đánh đuổi kẻ thù chung. Những câu chuyện kể tiếp sau đây đã nói lên tình cảm của chiến sĩ, Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên với vị lãnh tụ mà họ hằng tôn kính.

“HỒ CHÍ MINH KIS JOL RAI!”
Trong một lần về buôn B’Deur (xã Lộc An, Bảo Lâm, Lâm Đồng), chúng tôi được già làng K’Hành, một chiến sĩ cách mạng, nguyên cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Lộc (cũ), kể lại: Vùng KDòn xưa là căn cứ cách mạng đầu tiên ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng, nơi cư trú của đồng bào K'Ho. Ở đây, nhiều đội công tác đã đến với đồng bào, xây dựng lực lượng, lãnh đạo phong trào cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Người dân KDòn đã sớm quen với hai tiếng Việt Minh, được tiếp xúc với “cán bộ Cụ Hồ”. Mặc dù chỉ được nghe những mẩu chuyện về Bác, nhưng hình ảnh Bác đã in đậm trong trí nhớ mọi người.
Trong những năm 1947 - 1948, giặc Pháp từ các đồn La Dày, Gia Bát thường xuyên mở các cuộc càn quét, tìm bắt cán bộ cách mạng. Trong những ngày đó, giặc Pháp đã bắt được đồng chí Mang Yệu, một cán bộ người dân tộc K'Ho. Mặc cho thân hình đầy thương tích vì địch bị tra tấn, người đồng chí kiên cường không khai báo nửa lời. “Việt Minh ở đâu?”, tên đồn trưởng Gerger Marchand thét hỏi. Mang Yệu điềm nhiên chỉ vào bụng mình: “Việt Minh trong cái bụng tao! Hồ Chí Minh ở trong tim tao!”. Tên giặc điên cuồng lăm lăm con dao găm xông lại người đồng chí kiên cường. Anh vẫn đứng đó hiên ngang, mắt mở to hướng về phía đồng bào. Khi Gerger Marchand đến gần trước mặt anh, Mang Yệu giật phăng mảnh áo đang mặc trên người, nhổ nước bọt vào mặt tên thực dân. Tên giặc gầm lên, hèn hạ đâm lưỡi dao vào ngực người cán bộ. Hắn hét: “Để tao xem Việt Minh mày giấu ở đâu!?... Hồ Chí Minh của mày ở đâu!?...”. Dòng máu đỏ tuôn trào, đồng chí Mang Yệu hứng máu mình vào lòng bàn tay ngắm nhìn, rồi đột ngột ném mạnh vào mặt Gerger Marchand. Nhìn thẳng vào mặt kẻ thù, anh quát lớn: “Chúng mày là những kẻ cướp nước, đồng bào tao sẽ không tha cho chúng mày đâu! Tao chết, nhưng Bác Hồ tao còn, các đồng chí tao còn sẽ trả thù cho tao!”. Nói rồi Mang Yệu gượng đứng thẳng người, dồn tất cả sức lực còn lại hô lớn: “Hồ Chí Minh kis jol rai! (Hồ Chí Minh sống mãi!) Hồ Chí Minh kis jol rai! Hồ Chí Minh kis jol rai!”…
Tiếng gọi Bác của anh vọng vào vách núi vang mãi, vang xa như tiếng gọi của hàng ngàn người hòa theo. Khâm phục và cảm động trước sự hy sinh anh dũng của đồng chí Mang Yệu, đồng chí, đồng bào đã thề quyết trả thù cho anh, xây dựng vùng KDòn thành một khu căn cứ vững mạnh và lấy tên anh đặt cho căn cứ cách mạng quê hương. Tiếng gọi Bác Hồ thiết tha của anh trước lúc hy sinh như một lời nhắn gửi sâu nặng, nhắc nhở đồng bào, đồng chí của anh lập thèm nhiều chiến công, góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc, thực hiện niềm mong muốn thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu.

“ĐỀU LÀ NGƯỜI CỦA WOA HỒ CẢ MÀ!”
Ở chiến trường Tuyên Đức - Lâm Đồng, căn cứ ắc Lâm Đồng (cũ) là vùng dân cư của đồng bào Mạ bất khuất, kiên cường. Suốt trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đây từng là vùng đất bất khả xâm phạm, nơi lực lượng ta làm chủ. Giặc đã bỏ lại nơi đây nhiều xác chết nhục nhã trước mũi tên và lưỡi xà gạc của đồng bào. Đến những năm tháng bước sang giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, nhất là sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhiệm vụ mở rộng các vùng căn cứ kháng chiến được đặt lên hàng đầu ở các tỉnh miền núi Tây Nguyên. Các đội công tác vũ trang tuyên truyền nhanh chóng được thành lập. Với danh nghĩa "cán bộ Cụ Hồ", các đội công tác đã tìm dân, đến với dân, xây dựng được phong trào bằng niềm tin yêu cách mạng, tin yêu Bác Hồ của đồng bào.
Đồng chí Vũ Anh Ba, một cán bộ cách mạng hoạt động ở vùng căn cứ bắc Lâm Đồng trong kháng chiến chống Mỹ, kể lại:
Sau một thời gian ngắn tìm hiểu và nắm tình hình, anh em trong đội công tác của đồng chí Vũ Anh Ba lội rừng tìm đồng bào buôn Đinh Xiết làm rẫy gần bờ sông Đồng Nai. Thường ban đêm đồng bào ở lại canh giữ rẫy ngăn thú rừng rừng phá hoại. Đồng chí Ba kể lại một kỷ niệm xúc động: Một buổi tối tháng 10/1961, đội công tác của đồng chí Ba tìm vào chòi rẫy của dân giữa rừng. Nghe tiếng động, cụ già K’Xur chủ rẫy lên tiếng: “Ai?”. "Chúng cháu chào già! Trời lạnh quá ghé vào xin già tý lửa hút thuốc cho ấm”, đồng chí Ba đáp lại. Câu chuyện của những người cán bộ cách và cụ già người Mạ kéo dài suốt đêm. Điều đặc biệt, đồng chí Vũ Anh Ba đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến tình cảm của một người dân tộc thiểu số giữa rừng già Tây Nguyên đối với Bác Hồ. “Thưa già! Chúng cháu nói thiệt, chúng cháu không phải là người của Quốc gia (Việt Nam Cộng hòa) mà là người của Woa Hồ (Bác Hồ). Chúng cháu đang ở ngoài rừng, chờ đến đêm tìm vào buôn để gặp bà con, mong bà con có cái bụng tốt, ủng hộ cách mạng. Cháu ghé thăm già và chuyền lời Woa Hồ gửi thăm đồng bào”, đồng chí Ba mạnh dạn mở lời. Nghe nói đến hai tiếng Woa Hồ, cụ K’Xur xúc động nhưng vẫn còn chưa tin hẳn. Nghĩ lát, cụ nói: “Mày nói mày là người của Woa Hồ, vậy có cái gì của Woa Hồ không?”. Trong lòng Vũ Anh Ba mừng rỡ, rất may, trong túi của đồng chí có tập lịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hình Bác Hồ được in ở trang đầu.

Cụ K’Xur đón tấm lịch, cụ ngắm ảnh Bác và từ từ đưa tấm chân dung lãnh tụ kính yêu áp lên ngực mình. Giọng cụ trầm lặng: “Giàng ơi! Đã lâu lắm rồi, từ hồi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, nay mới nhìn thấy Woa Hồ!”. Đã đủ tin cậy, cụ K’Xur nói tiếp: “Này cán bộ Woa Hồ, tao cho cán bộ xem cái này nhé”. Nói rồi, cụ nhanh nhẹn bước đến cạnh bếp lửa, rút từ trong mái tranh ra một ống nứa dài gần một mét, miệng ống có nút bằng miếng gỗ mềm, ở phía ngoài bồ hóng đã nhuộm một màu đen nhánh. Cụ nhẹ nhàng mở nắp từ từ kéo một ống nứa khác nhỏ hơn, khéo léo luồn ở bên trong và rút ra một cuộn giấy báo đã ngả màu vàng. Cụ K’Xur trân trọng lần dở từng lớp giấy bọc ngoài và trải ra một tấm hình Bác Hồ, tấm hình cắt từ trong một tờ báo mà cụ được một đồng chí cán bộ trao tặng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cụ đã âm thầm cất giữ, chờ đợi gần mười năm trời. Cụ K’Xur nói tiếp trong trạng thái xúc động: “Cán bộ thấy không, miền Nam còn bị kẻ thù chiếm đóng, nhưng Woa Hồ vẫn luôn ở bên ta, lòng đồng bào Tây Nguyên thương mến Woa Hồ lắm mà. Từ nay, đồng bào Tây Nguyên có thêm cán bộ của Woa Hồ về, ta sướng cái bụng lắm. Đồng bào Tây Nguyên sẽ cùng cán bộ đứng lên đoàn kết đánh thắng kẻ thù, để ta sớm được gặp Woa Hồ”. Nói rồi, cụ nắm chặt bàn tay đồng chí Vũ Anh Ba: “Từ nay tao tin, tao thương cán bộ của Woa Hồ như người thân của buôn làng mình. Tụi mày cần gì cứ nói, tao sẽ bảo con cháu buôn làng góp sức với cách mạng. Tao, chúng mày và bà con buôn làng đều là người của Woa Hồ cả mà!...”.
Đồng chí Vũ Anh Ba hồi ức: “Lắng nghe những lời nói chân tình, chứa chan tình cảm của ông cụ người Mạ, tôi cảm động không cầm được nước mắt, ôm chầm hôn cụ trong nỗi niềm vui sướng, tin yêu, cảm phục tấm lòng của cụ, của người dân Tây Nguyên đối với Bác kính yêu”. Kể từ ngày đó, đội công tác của đồng chí Ba như có cụ già K’Xur chắp thêm đôi cánh. Cụ trở thành một cơ sở tích cực, thường xuyên tuyên truyền, báo tin cho bà con trong vùng biết có “cán bộ Bác Hồ” đã về với buôn làng. Từ đó, gặp ai cũng thấy vui hơn, đồng bào tận tình giúp đỡ anh em, tình nguyện đi theo cách mạng. Từ những cơ sở cách mạng ở buôn Đinh Xiết, đội công tác tiếp tục phát triển sang các vùng khác, tạo bàn đạp mở rộng xuống vùng Đạ Tẻh, Cát Tiên. Với những cơ sở đầu tiên đó, như vết dầu loang, phong trào cách mạng đã bùng lên cả vùng căn cứ bắc rộng lớn của tỉnh Lâm Đồng (cũ) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…
(CÒN TIẾP)
Theo UÔNG THÁI BIỂU (LĐ online)

Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên - Kỳ 2: Chuyện về những tấm ảnh Bác Hồ
