Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên - Kỳ 1: Ký ức về những lần gặp Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bác Hồ chưa một lần đến với Tây Nguyên, nhưng tình cảm của Người với đồng bào và lòng biết ơn của các dân tộc anh em với vị lãnh tụ kính yêu vô cùng sâu sắc.

Với loạt bài này, chúng tôi xin được ghi lại đôi dòng hồi ức của đồng chí, đồng bào từng hoạt động cách mạng và sinh sống trên địa đại ngàn Tây Nguyên hướng về Bác kính yêu trong những năm tháng đất nước còn trong máu lửa…

Trong những năm tháng đất nước còn bị chia cắt, bằng nhiều con đường, có rất nhiều người con ưu tú của miền Nam, của núi rừng Tây Nguyên được ra miền Bắc học tập, công tác. Họ có cơ hội được gặp Bác, được Bác thăm hỏi, động viên. Những khoảnh khắc dù rất ngắn ngủi bên vị lãnh tụ kính yêu đã để lại trong cuộc đời mỗi người những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt.

Nữ nhà giáo ưu tú Nay H’Win, dân tộc Gia Rai, nguyên là diễn viên Đoàn văn công Tây Nguyên, nhớ lại: “Tôi được gặp Bác ba lần. Lần sau cùng, khi biểu diễn văn nghệ phục vụ Bác và đoàn khách nước ngoài xem, Bác hỏi: “Sao độ này cháu H’Win gầy thế, cháu Kim Nhớ đi đâu, sao hôm nay không có mặt?”. Rồi bằng giọng ấm trầm, Bác bảo: “Các cháu cần ăn nhiều vào và mặc cho ấm. Mùa đông ở miền Bắc lạnh lắm dễ bị sưng phổi…". Tôi thưa với Bác là chị Kim Nhớ bận đi học, Bác hỏi “Học gì?”, tôi thưa tiếp “Dạ, học văn hóa ạ!”. Bác bảo chúng tôi: “Các cháu cần phải học thật tốt, để sau này về giúp đồng bào Tây Nguyên”. Lần ấy Bác đã gửi tặng mỗi người một chiếc áo dạ ấm”.

1hbdd.jpg
Bác Hồ với các Anh hùng dũng sĩ Miền Nam. Ảnh Tư liệu

Ông Ksor Ní, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai - Kon Tum, hồi ức: “Một ngày đầu tháng 6/1946, tôi và anh Y Ngông Niêk Đam, dân tộc Ê Đê được gặp Bác. Bác ân cần hỏi thăm tình hình đồng bào Tây Nguyên. Y Ngông nói: “Thưa Bác, giặc Pháp đánh chiếm Tây Nguyên rồi, chúng cháu buồn lắm, lo lắm!”. Tôi nói tiếp: “Thưa Bác, giặc Pháp chiếm Tây Nguyên, chúng ta có đánh đuổi giặc Pháp lấy lại Tây Nguyên không?”. Bác trả lời: “Có chứ, vì Tây Nguyên là một bộ phận của Việt Nam, nếu Việt Nam được độc lập rồi Tây Nguyên cũng phải được độc lập, nếu Tây Nguyên bị giặc Pháp chiếm đóng, chúng ta phải tiếp tục đánh giặc Pháp để giải phóng Tây Nguyên, có vậy Việt Nam mới được độc lập hoàn toàn”. Bác xòe bàn tay phải của mình cho chúng tôi xem, rồi tiếp: “Một bàn tay hoàn chỉnh có năm ngón, nếu thiếu một ngón thì bàn tay không hoàn chỉnh. Cũng như Việt Nam được độc lập thì Tây Nguyên phải độc lập, vì Tây Nguyên là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam…”.

Ở Lâm Đồng, chị Chamalé Thắm, người Raklây, nguyên cán bộ phụ nữ xã Ka Đô (Đơn Dương), được ra Bắc thăm Bác năm 1960. Mười chín tuổi, đã tham gia phục vụ hàng chục chiến dịch, đã gùi đạn, gùi gạo cho đã quân giải phóng đánh hàng trăm trận, đã cầm súng trực tiếp chiến đấu, được ra thăm Bác, thăm miền Bắc, lòng Chamalé Thắm vô cùng sung sướng. Năm tháng đó, chiến tranh đang hồi khốc liệt, đoàn của chị hành quân ròng rã suốt tám tháng trời mới về tới Thủ đô Hà Nội. Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đoàn của Chamalé Thắm được thăm nhiều danh lam thắng cảnh Thủ đô, thăm nhà máy dệt Nam Định, nhà in Báo Nhân Dân, nhà máy dệt Đông Xuân, thành phố cảng Hải Phòng, Khu tự trị Tây Bắc. Và rồi, trước Quốc khánh một ngày, ngày 1/9/1960, đoàn đại biểu miền Nam đã được vào Phủ Chủ tịch để gặp Bác kính yêu. Mãi sau này, chị Chamalé Thắm không bao giờ quên những giây phút hạnh phúc được ở bên cạnh Bác, chị coi đó là hình ảnh đẹp nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình…

2bh.jpg
Đồng bào Tây Nguyên vui hội buôn làng.

Ông Nguyễn Xuân Ký, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Lâm Đồng, là người vô cùng may mắn và hạnh phúc khi được gặp Bác tất cả bốn lần. Ông Ký tâm sự: “Nhớ những lần gặp Bác và những lời dạy của Người, tôi luôn tâm niệm phải xứng đáng là cán bộ, đảng viên đã được vinh dự gặp Bác. Do vậy, lúc bị địch bắt hay lưu đày, dù bị tra tấn dã man để khai thác những bí mật và hoạt động của Đảng; những năm tháng bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, địch liên tục truy bức, hòng làm mất khí tiết cộng sản và phẩm chất cách mạng của người đảng viên, cũng như những ngày gian khổ ác liệt hi sinh ở chiến trường miền Nam, tôi đã vượt qua. Những lúc đó, tôi cảm thấy như có Bác hiện ra bên cạnh, dang rộng đôi tay nâng đỡ tôi những lúc khó khăn, hiểm nguy…”.

Theo tư liệu của ông Ký, đầu tháng 9/1951, đoàn cán bộ chính trị, quân sự gồm 18 đồng chí ở các tỉnh và các ngành của Liên Khu V được cử đi học chính trị ở nước ngoài. Đến Việt Bắc, sau khi làm việc với anh Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ), đoàn đề nghị xin được gặp Bác. Một buổi sáng mùa thu tại chiến khu Việt Bắc, đoàn được tiếp kiến Bác. Bác hỏi nhiều chuyện, nhưng có một câu hỏi làm ông Ký nhớ mãi, là tại sao trong đoàn không có phụ nữ. “Thưa Bác, vì đường xa chị em không đi được!”, đồng chí trưởng đoàn thưa. Bác nói: “Các đồng chí coi thường phụ nữ rồi!”. Bác nhìn ông Ký và hỏi: “Ở Liên khu V có tiến hành phê bình và tự phê bình trước nhân dân không?”. Ông Ký đáp: “Thưa Bác có ạ!”. Bác lại hỏi: “Trong chủ trương tổng động viên nhân tài, vật lực, có việc tịch thu tài sản gốc của nhân dân không?”. Các đồng chí trong đoàn thưa với Bác là sai lầm trong chủ trương này, Liên khu V đã sửa chữa và rút kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo. “Lần đầu tiên gặp Bác được hơn nửa giờ, Bác đã để lại trong chúng tới những ấn tượng sâu sắc về tác phong giản dị, về ý thức đối với nhân dân, về việc tự phê bình, phê bình và sự quan tâm đối với cán bộ phụ nữ. Đoàn chúng tôi đã trao đổi với nhau để hiểu đầy đủ ý nghĩa sâu sắc những lời dạy của Bác và hằng tâm niệm quyết tâm thực hiện những điều còn thiếu sót trong nhận thức và hành động”, ông Ký ghi lại.

3bh.jpg
Nhà sàn- nơi lúc sinh thời Bác làm việc và nghỉ ngơi.

Cũng theo hồi ức của ông Nguyễn Xuân Ký, đầu tháng 10/1951, đoàn cán bộ Liên Khu V tập trung về Trường Đảng Trung ương (lúc này đặt ở chiến khu Việt Bắc) để cùng học viên cả nước chuẩn bị đi ra nước ngoài học tập. Một buổi chiều, nhà trường báo cho tất cả các đoàn ăn mặc chỉnh tề lên hội trường. “Thấy tình hình như vậy, chúng tôi bàn tán là có thể Bác đến thăm. Nhìn từ ngoài vào, đi sau đồng chí liên lạc có một cụ già bận quần áo người Tày, quần đùi dài quá gối, ống chật, áo nâu, đội nón có khăn bao quanh cằm đi thẳng vào hội trường. Khi cụ già lấy khăn ra, tất cả chúng tôi đều reo to: “Hồ Chủ tịch! Hồ Chủ tịch!”. Ông Ký kể tiếp: “Sau khi ổn định trật tự, Bác lên nói chuyện với chúng tôi, gần 50 đồng chí sắp đi học chính trị ở nước ngoài. Bác nói đại ý: Trước đây đi ra nước ngoài thường gọi là xuất dương, nhưng nay các cô, các chú đi nước ngoài học tập, cố mà giữ gìn tư cách phẩm chất. Trong học tập phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, làm sao học tập có kết quả tốt”.

Nhớ lời Bác dạy, đoàn chúng tôi quyết cùng nhau mang lại kết quả học tập tốt. Sau những năm học tập ở nước ngoài, tháng 3/1953, đoàn chúng tôi về lại Việt Bắc, lại được gặp Bác trong một lớp chỉnh Đảng của Trung ương. Đồng chí phụ trách đoàn báo cáo kết quả học tập với Bác. Sau khi hỏi tình hình đi đường, sức khỏe, học tập của đoàn, Bác nói: “Học tập kết quả như vậy là tốt, nhưng không được tự mãn, cần đem sự hiểu biết đã học được về phục vụ nhân dân. Các đồng chí chú ý không được giáo điều mà phải nghiên cứu thực tiễn để vận dụng cho phù hợp với tình hình cách mạng nước ta...”.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông Nguyễn Xuân Ký được tổ chức phân công trở lại miền Nam hoạt động. Năm 1961, ông Ký được ra miền Bắc và thêm một lần được gặp Bác Hồ và được lắng nghe những lời dạy giản dị, ân cần và sâu sắc của Bác.

4bacho.jpg
Phủ Chủ tịch - nơi Bác làm việc lúc sinh thời.

Năm tháng trôi qua, Bác đã đi xa 56 năm, đất nước cũng đã qua biết bao thay đổi. Việt Nam đã giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhớ về những năm tháng cũ, những người con miền Nam, Tây Nguyên từng được gặp Bác Hồ không bao giờ quên sự quan tâm, ân cần và những lời dạy của Người. “Cuộc đời tôi có những bước thăng trầm, thuận lợi, khó khăn, thậm chí có lúc cơ hồ như tính mạng không còn nữa, nhưng nhớ đến Bác, nhớ những lời dạy của Bác, tôi luôn tâm niệm phải sống xứng đáng là con cháu của Bác, xứng đáng là cán bộ, đảng viên đã được vinh dự gặp Bác. Do vậy, lúc bị địch bắt, tù đày, dù bị địch tra tấn dã man trong những năm bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, tôi đã vượt qua. Tôi luôn cảm thấy như có Bác hiện ra bên cạnh, dang rộng đôi tay nâng đỡ tôi những lúc khó khăn, nguy hiểm nhất”. Trong hồi ký của mình, cựu chiến sĩ cách mạng Nguyễn Xuân Ký xúc động tâm sự…

(CÒN TIẾP)

Theo UÔNG THÁI BIỂU (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null