Làng tỉ phú... tái nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng chục hộ dân trong một làng ở vùng cao Quảng Nam bỗng chốc trở thành "tỉ phú" nhờ nguồn tiền đền bù từ dự án thủy điện. Nhưng rồi chỉ sau mấy mùa rẫy, họ lại nhanh chóng nằm trong diện… hộ nghèo.

Quá khứ của những 'dân chơi'

Làng Tơ Pơơ cũ ở xã Ta Pơ (H.Nam Giang, Quảng Nam) có 53 hộ dân với 213 nhân khẩu. Năm 2010, khi thủy điện Sông Bung 4 được xây dựng, nhà cửa, đất sản xuất của người dân bị ngập nước vùng lòng hồ còn họ "bỗng dưng thành tỉ phú" nhờ nhận được khoản tiền đền bù lớn từ dự án.

Làng Tơ Pơơ nhìn từ trên cao
Làng Tơ Pơơ nhìn từ trên cao

Về làng tái định cư cách làng cũ khoảng 20 km, có tiền, người dân Tơ Pơơ đua nhau xây dựng những ngôi nhà hoành tráng như "biệt phủ" trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng mà trước đó, có nằm mơ họ cũng không dám nghĩ tới. Ngôi làng mới khang trang nhanh chóng mọc lên giữa rừng... Những "biệt phủ" làm toàn bằng gỗ. Từ đầu làng đến cuối bản, tiếng cưa, dùi đục vang lên suốt ngày đêm. Rượu men nấu bằng lá rừng nhường chỗ cho bia lon…

Trong ký ức của nhiều người, nhắc đến Tơ Pơơ là nhắc đến hình ảnh một ngôi làng "dân chơi" hơn một thập niên trước như một giai thoại buồn giữa đại ngàn Trường Sơn.

Ông Zơrâm Alép (52 tuổi) nhớ lại lúc đó mỗi nhà nhận trên dưới 1 tỉ đồng tiền đền bù từ dự án thủy điện Sông Bung 4. Cá biệt có hộ 4 người nhận hơn 8 tỉ đồng. "Lúc đó, ai cũng rủng rỉnh tiền nên tiêu xài không phải nghĩ. Bia là phải bia lon, chứ không uống bia chai. Mấy quán tạp hóa nhập về bán không xuể, có nhà thuê hẳn xe tải chạy xuống trung tâm huyện mua hàng chục thùng để trong nhà đãi khách", ông Alép kể.

Vẻ ngoài hoành tráng của những "biệt phủ" được dựng lên từ tiền đền bù thủy điện
Vẻ ngoài hoành tráng của những "biệt phủ" được dựng lên từ tiền đền bù thủy điện

Làng nằm lọt thỏm giữa cánh rừng già, bao quanh là đồi núi. Sóng điện thoại lúc đó hầu như không có, muốn gọi điện phải leo lên ngọn đồi phía sau để dò sóng. Thế nhưng thời điểm ấy, những chiếc điện thoại đời mới nhất, sang xịn nhất vẫn được trai bản sắm về, chỉ để… nghe nhạc. Có người mua một lúc 3 chiếc xe máy, trong đó có một chiếc mô tô với giá 80 triệu đồng chỉ để ngắm bởi… không biết lái. "Có tiền nên chỉ cần đẹp là được. Có người mua xe về rồi chạy xuống trung tâm H.Nam Giang chơi, khi bị công an bắt thì bỏ luôn xe", ông Alép kể.

Một câu chuyện đã trở thành giai thoại ở làng Tơ Pơơ: Một thanh niên chưa từng biết máy bay là gì nên rất muốn trải nghiệm một lần. Anh gọi điện thoại thuê xe taxi từ TP.Đà Nẵng lên đón tận nơi, chở xuống sân bay Đà Nẵng rồi mua vé bay vào TP.HCM, đến nơi chỉ nhìn đông ngó tây một hồi rồi mua vé bay trở về. Chi phí cho lần trải nghiệm đó ngót nghét chục triệu đồng.

Theo ông Zơrâm Alép, thứ "ngốn" tiền nhiều nhất của dân làng chính là những ngôi nhà gỗ đồ sộ. Tiền công cho thợ mộc cũng đã khoảng 300 triệu đồng, chưa kể đến nội thất, thiết bị điện tử hiện đại. Chi tiêu không biết tính toán, cứ thế "núi tiền" vơi dần… "Người miền núi quanh năm chỉ biết nương rẫy, ăn bữa nay lo bữa mai nên có bao giờ cầm trong tay nhiều tiền như thế đâu. Lúc đó tiền nhiều quá, mặc sức tiêu xài hoang phí, đâu nghĩ tới sẽ có một ngày tiền hết", ông Alép tặc lưỡi.

Nhiều hộ dân không có đất canh tác, sản xuất nên gặp khó khăn
Nhiều hộ dân không có đất canh tác, sản xuất nên gặp khó khăn

Giờ đây, những "tỉ phú" ngày nào đang phải chật vật với cuộc mưu sinh. Bởi "miệng ăn núi lở", tiền có nhiều nhưng không biết cách chi tiêu thì cũng sớm "đội nón ra đi".

Từ 'biệt phủ' đến những căn nhà... chờ sập

Khu tái định cư Tơ Pơơ được xây dựng với mỗi hộ được cấp 1.000 m2 đất ở và đất vườn, ngoài ra còn có thêm 1.500 m2 đất sản xuất. Hồi đó, thiên hạ choáng váng bởi giữa rừng mà mọc lên hàng chục ngôi nhà gỗ to vật vã, "đại gia" dưới phố cũng chỉ biết ngước nhìn.

Kéo PV Thanh Niên chúng tôi vào căn nhà của gia đình mình, bà Alăng Bot (49 tuổi) thở dài nói: "Nhìn bên ngoài có vẻ hoành tráng rứa thôi, nhưng bên trong mục hết rồi. Hầu hết cột nhà đều bị mối ăn rỗng. Lo sợ nhà sẽ đổ sập bất cứ lúc nào nên mỗi tối, cả gia đình lại phải trải chiếu ngoài hiên ngủ".

Khi được hỏi tại sao không sửa nhà, chị liền đáp: "Tiền đâu nữa mà sửa? Tiền đền bù thì hết sạch từ lâu lắm rồi. Giờ sửa cũng mất mấy chục triệu. Nhà nước đóng cửa rừng rồi, ai dám vô rừng lấy gỗ nữa ?".

Ngôi làng từng có nhiều “dân chơi” hiện vô cùng heo hút
Ngôi làng từng có nhiều “dân chơi” hiện vô cùng heo hút

Theo anh Zơrâm Thịnh, Trưởng thôn Tơ Pơơ, khi về khu tái định cư này, người dân cũng có những thuận lợi nhất định. Đường sá được bê tông hóa, hệ thống điện chiếu sáng, trường học được đầu tư đầy đủ. Nhưng sau nhiều năm, đồng bào nơi đây lại đối mặt với rất nhiều khó khăn. Khó nhất hiện nay là đất sản xuất. Trải qua 15 năm, con cái của các hộ gia đình lớn lên rồi tách ra ở riêng. Từ 53 hộ dân ban đầu, đến nay làng có 116 hộ, 475 nhân khẩu. Mà đất thì cũng chỉ có chừng đó...

Trưởng thôn Tơ Pơơ cũng cho hay qua nhiều năm canh tác, vùng đất đồi mà người dân trong làng được cấp dần trở nên cằn cỗi, chỉ thích hợp với cây sắn và cây keo. Ruộng lúa thì lại bố trí trên vùng đất cao, không có nước tưới nên đành phải bỏ không. "Đường sá xa xôi cách trở, mỗi mùa mưa lũ lại sạt lở. Cả làng này có thời điểm bị cô lập cả tháng trời", anh Zơrâm Thịnh buồn bã nhớ lại.

Ông Zơrâm Thực, Chủ tịch UBND xã Tà Pơ, cho hay theo thống kê hiện nay, toàn thôn Tơ Pơơ có 46 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 40%. Từ ngôi làng "tỉ phú", chỉ sau ít năm, số người dân tái nghèo lại nhiều hơn thời điểm ở làng cũ. Đối lập với vẻ ngoài hoành tráng từ những căn nhà "bạc tỉ", Tơ Pơơ hiện đang trầy trật với cuộc mưu sinh thường ngày. "Thu nhập của đồng bào nơi đây chủ yếu từ nương rẫy, nhưng đã bỏ hoang hóa nhiều năm do thiếu nước sản xuất. Bây giờ, nguồn thu của người dân phụ thuộc vào việc đi lấy măng, mật ong trong rừng nhưng kiếm được ngày một ít dần", ông Zơrâm Thực nói.

Chứng kiến cảnh người dân tiêu xài hoang phí khi nhận tiền đền bù từ thủy điện, chính quyền địa phương từng vận động, nhắc nhở nhưng họ chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Ông Zơrâm Thực bảo chỉ có một vài hộ dân nghe lời khuyên, gửi tiết kiệm vào ngân hàng để lấy lãi, nhờ đó mà ổn định cuộc sống.

Câu chuyện ở Tơ Pơơ là bài học đắt giá đối với những người chưa quen kiểm soát đồng tiền. Đối với nhiều hộ vùng cao, tiền bạc đôi khi lại mang đến những hệ lụy khôn lường, khi dứt "cơn say" tiêu xài thì đã muộn…

Theo Mạnh Cường (TNO)

Có thể bạn quan tâm

“Vỡ mộng” nơi đất khách

“Vỡ mộng” nơi đất khách

(GLO)- Lóa mắt trước viễn cảnh giàu sang, sung sướng do kẻ xấu vẽ ra, một số người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã vượt biên sang Thái Lan để từ đây tìm đường đi Mỹ, Canada. Nhưng rồi, họ đều nhanh chóng “vỡ mộng” khi phải đối diện với thực tế.

Chìa khóa mở cửa Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Khát vọng “mỏ vàng” còn ngủ yên

Chìa khóa mở cửa Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Khát vọng “mỏ vàng” còn ngủ yên

Với lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên kỳ vĩ và kho tàng văn hóa đa dạng, Tây Nguyên và Nam Trung bộ sở hữu sức hút độc đáo. Tuy nhiên, việc khai thác những lợi thế này để phát triển du lịch còn rất hạn chế. Làm thế nào để đánh thức “mỏ vàng” còn ngủ yên này, biến khát vọng thành hiện thực?

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 2: Con công nhân lao động chơi ở đâu?

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 2: Con công nhân lao động chơi ở đâu?

Với không ít gia đình công nhân lao động ở những thủ phủ công nghiệp như TPHCM, Bình Dương, nghỉ hè là thời gian ám ảnh nhất. Bởi, con trẻ nghỉ hè nhưng phụ huynh vẫn đến nhà máy. Không ít phụ huynh buộc phải để con ở nhà một mình tại khu trọ, số khác đưa con cùng vào nhà máy hoặc gửi về quê.

Chuyện xưa Diệp Kính

Chuyện xưa Diệp Kính

(GLO)- Hiện nay, nhiều người vẫn quen gọi khu vực trung tâm TP. Pleiku là khu Diệp Kính. Một số bạn trẻ khi gặp tôi cũng thường hỏi về nguồn gốc của tên gọi này. Mỗi lần nhắc đến khu Diệp Kính, bao ký ức lại ùa về trong tôi.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Lặng thầm trên chốt tiền tiêu

Lặng thầm trên chốt tiền tiêu

(GLO)- Nơi “phên giậu” phía Tây của Tổ quốc, những người lính quân hàm xanh ở Chốt 1 và Chốt 5 của Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn ngày ngày vững chí, bền gan bám trụ.

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoành hành - Bài 2: Có tiếp tay, buông lỏng quản lý?

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoành hành - Bài 2: Có tiếp tay, buông lỏng quản lý?

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Sau hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng vừa bị bắt giữ, dư luận đặt câu hỏi: Các cơ quan được giao quản lý, giám sát đã làm hết trách nhiệm và xử lý quyết liệt, công tâm chưa?

Uống trà đi!: Bản Liền, chuyện giờ mới kể

Uống trà đi!: Bản Liền, chuyện giờ mới kể

Từng vạt núi lở vẫn còn nguyên dấu tích, đường chưa rõ ra đường, dằn xóc, lắc lư, cùng bao lần thót tim khi bánh xe chỉ cách mép vực sâu chưa đầy gang với, đường vào Bản Liền hiện nay vẫn đầy nham nhở, bụi mù, chưa bình phục sau trận mưa lũ lịch sử 9.2024.

null