Thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoành hành - Bài 2: Có tiếp tay, buông lỏng quản lý?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Sau hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng vừa bị bắt giữ, dư luận đặt câu hỏi: Các cơ quan được giao quản lý, giám sát đã làm hết trách nhiệm và xử lý quyết liệt, công tâm chưa?

Tội ác được… bao che

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vì liên quan đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng (TPCN) giả. Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Thanh Phong đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình khi còn đương chức để ký cấp trái phép nhiều giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GMP cho các nhà máy sản xuất TPCN giả, trong đó có nhà máy MediPhar và MEDIUSA - những đơn vị trung tâm trong đường dây sản xuất hàng giả với quy mô đặc biệt lớn.

Bên cạnh đó, cựu Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cùng các đồng phạm đã nhận hối lộ hàng tỷ đồng để bỏ qua các sai phạm trong thẩm định, hậu kiểm và cấp phép sản phẩm. Hành vi này đã tiếp tay, bao che cho tội ác sản xuất và buôn bán TPCN giả, khiến dư luận dậy sóng. Trước đó, vào năm 2017, hàng loạt quan chức Bộ Y tế cũng rơi vào cảnh lao lý khi bao che cho việc sản xuất, buôn bán thuốc ung thư giả.

Lực lượng chức năng kiểm tra các lô thuốc giả được ngụy trang bằng các tên nước ngoài với nhiều công dụng chữa bệnh. Ảnh: GIA KHÁNH
Lực lượng chức năng kiểm tra các lô thuốc giả được ngụy trang bằng các tên nước ngoài với nhiều công dụng chữa bệnh. Ảnh: GIA KHÁNH

Theo PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, vấn nạn thuốc giả chưa hề giảm mà còn có xu hướng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng. Thuốc giả dễ dàng lách luật, tuồn ra thị trường do việc cấp số đăng ký thuốc quá dễ dàng, chủ yếu dựa trên giấy tờ hồ sơ, thay vì kiểm tra thẩm định khắt khe trên thực tế nhà máy sản xuất.

Việt Nam hiện có hơn 22.000 số đăng ký thuốc, gấp đôi Nhật Bản và Singapore, trong khi số lượng hoạt chất lại ít hơn. Việc cấp phép tràn lan, thiếu định hướng đang tạo điều kiện cho thuốc giả, thuốc kém chất lượng len lỏi vào thị trường.

“Mới đây, tôi đọc một báo cáo cho thấy, tỷ lệ thuốc giả ở nước ta giảm từ 0,06% vào năm 2012 đến nay xuống mức dưới 0,1%. Con số đó phản ánh năng lực kiểm soát thực sự, hay chỉ phản ánh hệ thống kiểm nghiệm yếu, lấy mẫu không đại diện và quy trình cấp phép lỏng lẻo?”, PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan băn khoăn.

Bức xúc trước thực trạng thuốc, TPCN giả, thuốc kém chất lượng hoành hành từ nhiều năm nay, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, trách nhiệm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thuốc là của Bộ Y tế và trách nhiệm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thuộc Bộ Công thương. Hai bộ này phải có trách nhiệm kiểm tra, nhưng thời gian qua, lại đã để xảy ra sai phạm nhiều nơi, nhiều chỗ, đặc biệt ở thành phố lớn, là không chấp nhận được.

“Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng lọt qua lỗ hổng của cơ quan chức năng thì phải có sự chống lưng, tiếp tay. Bởi, nếu thực hiện nghiêm túc thì không một sản phẩm nào có thể lọt qua mắt cơ quan chức năng. Chỉ khi kiểm tra có sự lơ là, bị lót tay, mua chuộc, được tặng phong bì thì mới kiểm tra không đến nơi, đến chốn”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi để làm việc này thì phải có kho bãi, hoạt động mua bán, vận chuyển, thì chỉ có 2 khả năng: một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực. Cả 2 điều này đều phải xử lý nghiêm.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH

(Phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, chiều 19-5)

Tăng mức phạt để răn đe

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong năm 2024, hệ thống kiểm nghiệm nhà nước đã lấy trên 43.000 mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Việc lấy mẫu được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các sản phẩm dễ bị biến đổi chất lượng (500 hoạt chất tân dược và 300 vị dược liệu) và đã phát hiện 228 mẫu không đạt chất lượng.

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Bất kỳ hành vi sản xuất, buôn bán, lưu hành thuốc giả, dù chỉ là một viên thuốc, cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội và cần bị lên án, xử lý nghiêm.

Hệ lụy do thuốc giả gây ra rất nghiêm trọng, không chỉ đe dọa sức khỏe người bệnh mà còn làm mất niềm tin vào hệ thống y tế, làm suy yếu ngành công nghiệp dược, ảnh hưởng đến sự tồn vong của các doanh nghiệp chân chính. Đó là chưa kể đến hậu quả pháp lý, đạo đức và niềm tin xã hội.

“Quan điểm của Bộ Y tế là đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, phải xử lý cả hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để thuốc giả tồn tại và len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Thanh tra Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng kiểm tra một nhà thuốc trên địa bàn. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Thanh tra Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng kiểm tra một nhà thuốc trên địa bàn. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Nhiều chuyên gia nhận định, thuốc giả không chỉ là những viên nén nhái bao bì, mà “công nghệ sản xuất” ngày càng tinh vi hơn, in ấn hiện đại, giả mã QR, giả bao bì chống hàng giả, khiến ngay cả người trong ngành cũng khó phân biệt. Trong khi đó, hệ thống giám sát, hậu kiểm hiện nay vẫn còn phân tán, năng lực kiểm tra tại cơ sở nhiều nơi còn thiếu…

Ngoài ra, lỗ hổng pháp lý cũng là nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát thuốc giả còn gặp khó khăn. Chế tài đối với hành vi sản xuất và buôn bán thuốc giả dù đã được quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự, song trên thực tế, việc xử lý hành vi này vẫn chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, các đường dây sản xuất buôn bán thuốc giả hoạt động có tổ chức, quy mô và tinh vi nên rất khó nhận diện và phát hiện.

Theo PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan, hành vi sản xuất thuốc, TPCN hay sữa giả là “tội ác gây hậu quả hết sức nghiêm trọng”. Thực tế cho thấy vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi, liều lĩnh và có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, những người phạm tội đều nhận thức rõ hậu quả nhưng vẫn cố tình thực hiện, coi thường tính mạng và sức khỏe nhân dân để trục lợi.

PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đề xuất bỏ án tử hình với 8 tội danh, trong đó có tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh sẽ ảnh hưởng đến tính răn đe, khiến tình hình tội phạm trở nên phức tạp hơn.

Bởi, hành vi sản xuất thuốc giả là “táng tận lương tâm”, có thể gây chết người hàng loạt, phải bị xử lý thích đáng. Việc loại bỏ án tử hình đối với loại tội phạm này không chỉ tạo ra sự bất công với thân nhân các nạn nhân đã tử vong vì thuốc giả, mà còn gây tổn thương đối với những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe.

“Giữ mức án cao nhất đối với tội sản xuất thuốc giả là cần thiết để tạo ra môi trường sống an toàn cho người dân và cần mở rộng hình phạt tử hình cho cả hành vi sản xuất và kinh doanh TPCN, sữa giả - những sản phẩm chủ yếu dành cho nhóm yếu thế như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Với ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và niềm tin của toàn xã hội, hành vi này cần được xem là đặc biệt nghiêm trọng và phải xử lý nghiêm khắc nhất”, PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan đề xuất.

TP. HCM phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc giả

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, hiện thành phố có 42 nhà máy sản xuất thuốc; 1.531 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 8.454 cơ sở bán lẻ thuốc; 647 cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Năm 2024, Sở Y tế đã kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh dược đã phát hiện 6 cơ sở kinh doanh thuốc Cefuroxim 500mg giả và 2 cơ sở kinh doanh thuốc Cefixim 200mg giả.

Ngoài ra, qua phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra và phát hiện 1 nhà thuốc kinh doanh thuốc Neo-Codion giả. Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra các cơ sở liên quan và lập hồ sơ chuyển Công an TPHCM để xử lý.

Theo MINH NAM - MINH KHANG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Trả nợ cho rừng

Trả nợ cho rừng

Giữa bạt ngàn màu xanh thẳm của dãy Trường Sơn hùng vĩ, sông Thanh ở huyện vùng cao Nam Giang (tỉnh Quảng Nam cũ) đang ôm ấp những cánh rừng già nguyên sơ. Ít ai biết rằng hơn một thập niên trước, khi nhắc đến nơi đây, người ta sẽ nghĩ về một "Tam giác vàng" thu nhỏ giữa lõi sông Thanh.

Mùa vải chín

Mùa vải chín

Vào một ngày đầu hạ, khi trời còn vương chút mát lành của những cơn mưa đêm, anh bất chợt thấy trên con phố Giải Phóng xuất hiện những chiếc xe ô tô con nhỏ, chở đầy vải từ quê lên.

Chống hàng gian, hàng giả - Bài 2: 'Siết' người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Chống hàng gian, hàng giả - Bài 2: 'Siết' người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội (MXH), nhiều người, trong đó không ít người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) đã truyền tải nội dung sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng (NTD) và bức xúc cho người dân.

Chìa khóa mở cửa Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Khát vọng “mỏ vàng” còn ngủ yên

Chìa khóa mở cửa Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Khát vọng “mỏ vàng” còn ngủ yên

Với lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên kỳ vĩ và kho tàng văn hóa đa dạng, Tây Nguyên và Nam Trung bộ sở hữu sức hút độc đáo. Tuy nhiên, việc khai thác những lợi thế này để phát triển du lịch còn rất hạn chế. Làm thế nào để đánh thức “mỏ vàng” còn ngủ yên này, biến khát vọng thành hiện thực?

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 2: Con công nhân lao động chơi ở đâu?

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 2: Con công nhân lao động chơi ở đâu?

Với không ít gia đình công nhân lao động ở những thủ phủ công nghiệp như TPHCM, Bình Dương, nghỉ hè là thời gian ám ảnh nhất. Bởi, con trẻ nghỉ hè nhưng phụ huynh vẫn đến nhà máy. Không ít phụ huynh buộc phải để con ở nhà một mình tại khu trọ, số khác đưa con cùng vào nhà máy hoặc gửi về quê.

Chuyện xưa Diệp Kính

Chuyện xưa Diệp Kính

(GLO)- Hiện nay, nhiều người vẫn quen gọi khu vực trung tâm TP. Pleiku là khu Diệp Kính. Một số bạn trẻ khi gặp tôi cũng thường hỏi về nguồn gốc của tên gọi này. Mỗi lần nhắc đến khu Diệp Kính, bao ký ức lại ùa về trong tôi.

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 1: Đôn đáo tìm chỗ chơi cho con

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 1: Đôn đáo tìm chỗ chơi cho con

Mỗi dịp hè về, câu hỏi: “Trẻ em sẽ chơi ở đâu?” lại trở thành mối bận tâm của nhiều bậc phụ huynh. Nhiều trẻ vì thiếu sân chơi đã phải giam mình trong nhà với điện thoại, tivi. Hè về, trẻ em rất cần một sân chơi đúng nghĩa, không chỉ là chốn nô đùa an toàn, mà còn là nơi ươm mầm nhân cách.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Lặng thầm trên chốt tiền tiêu

Lặng thầm trên chốt tiền tiêu

(GLO)- Nơi “phên giậu” phía Tây của Tổ quốc, những người lính quân hàm xanh ở Chốt 1 và Chốt 5 của Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn ngày ngày vững chí, bền gan bám trụ.

null