Uống trà đi!: Gieo mầm trà cho tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Uống trà, vận động đóng góp mua hạt trà giống trao tặng bà con dân bản ở các vùng trà xa xôi, hẻo lánh thuộc các tỉnh miền núi phía bắc, để mai sau, trà vẫn là nguồn sinh kế dồi dào, hái mãi không bao giờ cạn.

Trong văn cúng cây trà mỗi dịp đầu xuân của người Mông ở xã Suối Giàng (H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có đoạn: "Ước cho cây trà búp to như ngón tay trẻ con, hái mãi không bao giờ cạn". Lời văn cúng nghe chừng giản đơn ấy lại gợi bao suy nghĩ khi mà những cây trà đại thụ của Suối Giàng, từ cây trà tổ (cây di sản) cho đến nhiều cây khác có kích cỡ lớn cỡ người ôm, đang dần suy yếu, bị sâu bệnh đục hại nghiêm trọng, nhiều cây đã chết khô.

Nhiều cây trà shan cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) đang chết dần mòn
Nhiều cây trà shan cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) đang chết dần mòn

Nhiều địa bàn khác ở các vùng trà shan cổ thụ cũng gặp tình trạng tương tự. Nguyên do đến từ tình trạng khai thác quá mức, đốn sâu và thiếu chăm sóc hiệu quả, dẫn đến cây trà không còn đủ sức để phát triển. Trước thực trạng này, những người yêu trà của nhóm Uống trà đi ở TP.HCM đã có nhiều hành động thiện nguyện cụ thể, giúp đồng bào nơi có vùng trà trồng thêm nhiều héc ta trà mới, để dành cho mai sau.

Nhọc nhằn trà shan cổ thụ

Đi qua hầu hết các vùng trà cổ thụ Việt Nam, một đúc kết khiến nhiều người yêu trà rất ưu tư, đó là những cây trà đại thụ, ước tính từ 500 năm tuổi trở lên, đang chết dần. Nhà báo Uyên Viễn, trưởng nhóm Uống trà đi, nói: "Tôi và các thành viên của nhóm đi về các vùng trà, sau đó vẫn tiếp tục theo dõi thông tin, hình ảnh do bà con chia sẻ về thực trạng các cây trà. Chứng kiến từ lúc cây trà còn xanh tốt, xum xuê nhưng chỉ đôi ba năm sau đã chết đứng. Khoảnh khắc ấy so với tuổi cây trà ngàn năm, thực sự quá ngắn ngủi. Qua tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến chết cây chủ yếu là do xâm hại thô bạo đến không gian sống của trà, khiến cây bị suy và không qua khỏi".

Ông Matsuo đến từ Nhật Bản đi khảo sát vùng trà Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang
Ông Matsuo đến từ Nhật Bản đi khảo sát vùng trà Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang

Các vùng Trà shan cổ thụ đều ở nơi xa, núi cao, đời sống dân bản khó khăn, đặc biệt trong những mùa mưa lũ. Việc khai thác được cây trà đã khó, việc sản xuất trà shan của những doanh nghiệp được gọi là thâm niên, giàu kinh nghiệm nhưng cũng chỉ hơn 10 năm lẻ, lại thiếu thốn bội phần. Làm ra phẩm trà được người tiêu dùng đón nhận là chuyện không hề đơn giản.

Trà shan từng một thời bị lãng quên, nay được đánh thức với nhiều sản phẩm chất lượng, nhiều người làm trà dấn thân, nhiều vùng trà mới được khai phá. Tuy nhiên chưa kịp vươn mình đã phải đối diện nỗi lo khai thác không quy chuẩn, gây nguy hại đến bảo tồn. Nếu tình hình này vẫn tiếp tục thì trong tương lai, chuyện cạn kiệt vùng nguyên liệu hoàn toàn có thể xảy ra.

Lấy ví dụ cụ thể ở Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), nhà sản xuất trà Hà An cho biết năm 2019 thu mua được 5 tấn trà tươi thuộc giống shan rừng, tạo ra hơn 1 tấn trà thành phẩm. Cũng vẫn là vùng trà ấy năm 2024, thành phẩm chỉ ra được 40 kg. Tại vùng nguyên liệu dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi, cả vạt rừng trà bị chặt không thương tiếc, nhiều thân trà cao 4 - 5 m nhưng trơ trụi, có cây to bằng thân người bị chặt sát gốc, vùng trà tan hoang.

Nhóm Uống trà đi thăm xưởng trà Hà An trong chuyến từ thiện cho nông dân vùng trà Hoàng Su Phì năm 2024
Nhóm Uống trà đi thăm xưởng trà Hà An trong chuyến từ thiện cho nông dân vùng trà Hoàng Su Phì năm 2024
Những cây trà nguyên sinh bị đốn hạ ở núi Chiêu Lầu Thi (Hà Giang)
Những cây trà nguyên sinh bị đốn hạ ở núi Chiêu Lầu Thi (Hà Giang)

Duy trì lợi thế

Nói về chất lượng, trà shan cổ thụ Việt đã mang về nhiều danh hiệu cao quý tại các cuộc thi trà thế giới ở Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Canada… Các hội thảo về trà cấp quốc tế cũng công nhận đây là báu vật, là "vàng xanh" của núi rừng với lịch sử truyền đời qua trăm năm, ngàn năm.

Để vốn quý ấy tiếp tục phát huy lợi thế, trong quá trình khai thác, cần có biện pháp bảo tồn từ ngay bây giờ. Những nội dung chia sẻ trong Ngày trà thế giới 21.5 thường niên cũng nhấn mạnh các chi tiết trọng tâm là bảo tồn vùng trà, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ bản địa, góp phần tăng thu nhập, giảm đói nghèo…, đều là những thông điệp hoàn toàn tương ứng và phù hợp với thực trạng các vùng trà Việt Nam.

Trà shan cổ thụ cũng rất hấp dẫn các nhà kinh doanh trà khắp thế giới. Ngoài những đối tác quen thuộc đến từ Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Malaysia…, vụ trà xuân năm nay chứng kiến thêm nhiều nhân tố mới đến từ Úc, Mỹ, CH Czech, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản… Họ tự tìm đến các vùng trà xa xôi, đặt mua sản phẩm để đem về phát triển.

Anh Chan Dart, Hoa kiều người Úc, vừa rong ruổi xe máy trong suốt tháng 4.2025 để thăm thú các vùng trà từ Hà Giang qua đến Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên… Gặp Chan ở Hoàng Su Phì, anh tâm sự: "Tôi đi nhiều vùng trà trên thế giới, công tâm mà nói, chưa gặp được ở đâu những phẩm trà lên men có hương vị kỳ lạ như ở Việt Nam. Chuyến đi này mở mang cho tôi quá nhiều điều, nếu không đi thật khó biết thế giới trà có những thứ đáng quý như thế. Qua mỗi điểm đến, hành lý tôi nặng thêm, toàn là trà cổ thụ để về Úc, tôi sẽ kể chuyện trà Việt cho bạn trà".

Các thành viên nữ nhóm Uống trà đi lên núi trồng trà trong chuyến từ thiện Lào Cai năm 2024
Các thành viên nữ nhóm Uống trà đi lên núi trồng trà trong chuyến từ thiện Lào Cai năm 2024
Nhóm Uống trà đi tham gia phủ xanh đồi trọc, trồng trà gieo mầm cho tương lai ở Tả Củ Tỷ (H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai)
Nhóm Uống trà đi tham gia phủ xanh đồi trọc, trồng trà gieo mầm cho tương lai ở Tả Củ Tỷ (H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai)
Cùng dân bản vỡ đất trồng trà ở Tà Xùa, Sơn La
Cùng dân bản vỡ đất trồng trà ở Tà Xùa, Sơn La

Để những vốn quý ấy còn lưu mãi, trong số các hoạt động phi lợi nhuận, các sinh hoạt văn hóa trà vì cộng đồng từ 10 năm qua, có một điểm nhấn đáng chú ý được nhóm Uống trà đi phát động từ năm 2022. Đó là mua hạt giống trà shan cổ thụ tặng nông dân vùng trà, giúp họ mở rộng diện tích. Trong năm 2024, nhóm đem hạt giống trà tặng xã Bản Liền (Lào Cai), cùng nông dân tự tay vỡ đất, trồng trà. Khi đã đủ theo nhu cầu của dân bản, hạt trà còn dư số lượng lớn, nhóm lại sang xã Tả Củ Tỷ kế cận, chung sức trồng trà cùng người dân.

Đầu xuân 2025, hơn 2,7 tấn hạt trà shan được nhóm Uống trà đi kết hợp cùng các nhà tài trợ và nhà sản xuất trà Shanam ở Tà Xùa trao tặng, gieo trồng cho bà con Làng Sáng - một bản xa và còn nhiều khó khăn của H.Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Ý tưởng gieo hạt cho những vùng trà Việt được nhà báo Uyên Viễn chia sẻ lý do: "Chúng tôi được uống trà shan cổ thụ nhiều trăm năm do người xưa để lại, cây trà rồi cũng suy yếu theo quy luật tuần hoàn. Chúng tôi phát động câu chuyện gieo mầm tri ân, để từ cây trà trồng hôm nay, tương lai 100 - 200 năm sau, con cháu người sở hữu vùng trà vẫn được hưởng lợi. Sinh hoạt trong nhóm cũng có nhiều đơn vị kinh doanh trà tham gia trao tặng quả trà. Sau này nếu con cháu họ tiếp nối việc kinh doanh, có dịp về lại vùng trà hẳn sẽ thêm tự hào khi biết ngày xưa cha ông mình đã góp công sức trồng nên những cây trà cho họ nối nghiệp".

Uyên Viễn coi đây là một trong những cách tạo giá trị bền vững, gieo nền tảng cho trà Việt. Các thế hệ sau cứ thế làm theo để cùng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, giúp thương hiệu vững mạnh, chung tay đưa trà Việt lan tỏa ra thế giới.

Theo Lam Phong (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null