Bà Tiên nơi rẻo cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều học sinh của Trường Trường Tiểu học và THCS Ba Lế, xã Ba Lế (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) vẫn thường gọi bà Nguyễn Thị Thủy Tiên (58 tuổi) - nhân viên cấp dưỡng của trường, là bà ngoại.

Bà ngoại đặc biệt này có thâm niên 12 năm làm cấp dưỡng, trong đó có 9 năm tình nguyện làm việc không lương để chăm lo cho những đứa trẻ vùng cao.

Bà ngoại đặc biệt

Những ngày cuối tháng 5, trên địa bàn xã Ba Lế thường xảy ra mưa dông kèm sấm sét về chiều. Bà Tiên vừa nấu ăn cho hơn 50 học sinh ở bán trú tại trường, vừa tất tả chạy ra sân nhắc nhở những đứa trẻ đang đá bóng dưới trời mưa nhanh chóng vào phòng cho an toàn. Líu ríu chạy theo bà Tiên, cô học trò nhỏ Lê Hoàng Bảo Châu, học sinh lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Ba Lế gọi bà bằng giọng điệu lo lắng: “Ngoại ơi! Ngoại cũng vào nhà đi, kẻo sấm sét!”. Bảo Châu là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Suốt 6 năm qua, cô học trò nhỏ này chưa gặp lại người thân. Khu bán trú của Trường Tiểu học và THCS Ba Lế trở thành mái ấm; còn bà Tiên - nhân viên cấp dưỡng của trường cùng các thầy, cô giáo trở thành người thân của em.

1batien.jpg
Niềm vui của bà Tiên khi đứa cháu ngoại thứ 5 của bà là Lê Hoàng Bảo Châu khoe thành tích học tập.

“Châu có hoàn cảnh rất đáng thương. Mẹ của Châu gửi em cho một người bạn ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế nuôi dưỡng rồi đi làm ăn ở miền Nam. Năm Châu học lớp 3, người nuôi dưỡng Châu đến trường gửi gắm em cho nhà trường, xin cho Châu ở lại khu bán trú. Rồi từ đó đến nay, từ người nhận nuôi dưỡng cho đến người thân của em đều chưa một lần quay lại trường. Châu lớn lên trong sự cưu mang, đùm bọc của các thầy, cô giáo, đặc biệt là nhân viên cấp dưỡng của nhà trường là chị Tiên. Hiện chị Tiên là mẹ đỡ đầu của Châu”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ba Lế Trần Văn Thắng kể.

Suốt 6 năm qua, Châu sống trong vòng tay yêu thương của người bà đặc biệt này. Dẫu không máu mủ ruột rà, nhưng bà Tiên đã chăm sóc, yêu thương Châu bằng tất cả tấm lòng của một người mẹ, một người bà.

Lương của một nhân viên cấp dưỡng chỉ gần 3 triệu đồng/tháng, bà Tiên dè sẻn chi tiêu, dành cố định hơn 15% tiền lương của mình để cho Châu chi tiêu mỗi tháng. Bà Tiên lo cho Châu từng bộ quần áo, đồ dùng học tập, đồ sinh hoạt cá nhân. Mỗi dịp nghỉ hè, tết Nguyên đán, bà chở Châu về ở nhà của bà tại xã Long Sơn (Minh Long). Sáu năm xa người thân, cũng là 6 cái Tết, Châu được đón Tết cổ truyền chan chứa yêu thương cùng bà ngoại Tiên và 4 đứa cháu ngoại khác của bà. “Tôi có 4 đứa cháu ngoại, giờ thêm Châu nữa là 5. Nhìn các cháu ngoại của mình có cha mẹ yêu thương, chăm lo chu đáo, tôi lại càng thương và mong muốn được bù đắp, quan tâm Châu nhiều hơn. Tôi sẽ cố gắng gói ghém để chăm lo cho Châu, vì Châu thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa... Các con tôi đều ủng hộ việc làm của tôi và cũng rất thương Châu”, bà Tiên tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên là một nhân viên cấp dưỡng có trách nhiệm với công việc và tấm lòng yêu thương vô bờ bến với học sinh. Tấm lòng của chị không chỉ gieo vào lòng học sinh những tình cảm tốt đẹp, mà các thầy, cô giáo trong nhà trường cũng đều mến phục chị”.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ba Lế TRẦN VĂN THẮNG

Bà Tiên bảo mình không phải người yếu đuối, ủy mị. Những khó khăn, sóng gió trên bước đường đời càng khiến bà hun đúc thêm quyết tâm để vượt qua. Ấy thế mà, khi sống cùng Châu - cô học trò nhỏ 6 năm đằng đẵng chưa gặp lại người thân của mình, bà đã nhiều lần rơi nước mắt. “Châu được trường bố trí chỗ ở riêng cùng các bạn, nhưng cháu xin được ngủ cùng tôi. Cháu ít nói, ít bộc lộ cảm xúc, nhưng tối đến, nhìn cái cách cháu ôm chặt lấy tôi như sợ phải xa tôi, tôi lặng lẽ nằm khóc. Khóc vì xót, vì thương và trăn trở về tương lai của đứa cháu ngoại thứ 5 này”, bà Tiên rưng rưng.

Miệt mài "gieo hạt nắng vô tư"

Năm học 2024 - 2025 là năm học thứ 12 bà Tiên gắn bó với công việc nấu ăn cho học trò vùng cao Ba Lế. Nhưng chỉ đến tháng 1/2022, bà Tiên mới chính thức được Trường Tiểu học và THCS Ba Lế ký hợp đồng nhân viên cấp dưỡng và được hưởng lương. Những năm trước đó, bà đã miệt mài làm việc không lương vì học trò nghèo nơi rẻo cao.

2batien.jpg
Bà Tiên cùng học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Lế xây dựng vườn rau sạch trong khuôn viên khu nhà bán trú.

“Năm 2011, tôi từ xã Long Sơn lên xã Ba Lế để mở quán ăn. Ngày đó, Trường THCS Ba Lế chưa sáp nhập vào Trường Tiểu học Ba Lế, quán ăn của tôi ở đối diện Trường THCS Ba Lế lúc bấy giờ. Dù quê ở Long Sơn - cũng là một địa phương miền núi, nhưng khi lên đến vùng rẻo cao Ba Lế, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước những khó khăn, thiếu thốn của học sinh nơi đây. Các con thiếu ăn, thiếu cả quần áo để mặc. Nhiều học sinh ở Làng Tốt - một thôn có điều kiện đi lại rất khó khăn của xã Ba Lế phải băng rừng, lội suối từ 4 giờ sáng mới kịp đến trường. Vậy nên, năm 2013, khi được nhà trường ngỏ lời nhờ nấu cơm cho các em ở thôn Làng Tốt để tạo điều kiện cho các em ở lại bán trú, tôi nhận lời ngay mà chẳng đắn đo, chần chừ”, bà Tiên bồi hồi nhớ lại.

Nhận lời nấu ăn cho học sinh trong những ngày đầu gian khó, khi nhà bán trú dân nuôi tại đây chưa có bếp ăn, bà Tiên biến quán ăn của mình trở thành địa điểm ăn trưa, ăn tối của học sinh bán trú. Ngày đó, xã Ba Lế tuy chỉ cách thị trấn Ba Tơ chừng 20km, nhưng đường sá đi lại rất khó khăn. Từ trung tâm thị trấn Ba Tơ đi vào trung tâm xã Ba Lế phải mất hơn 1,5 giờ đồng hồ. Để đảm bảo những suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho học sinh, bà Tiên phải vượt đường núi để đi chợ từ sáng sớm. Tại mặt bằng quán ăn mà mình thuê để buôn bán, bà Tiên còn dành hẳn một khoảnh đất để tăng gia sản xuất, nhằm chủ động thêm một phần rau xanh, góp vào các suất ăn cho học sinh.

3batien.jpg
Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên - nhân viên cấp dưỡng Trường Tiểu học và THCS Ba Lế (Ba Tơ) luôn tận tụy với công việc của mình.

“Ngày ấy, tôi đảm đương nấu ăn cho 15 học sinh. Cứ mỗi học sinh, phụ huynh hỗ trợ cho tôi tiền công nấu 2 nghìn đồng. Còn tiền mua nguyên liệu nấu ăn, mỗi phụ huynh đưa tôi 8 nghìn đồng. Tiền công mà tôi được trả, nếu cân đo đong đếm, chỉ đủ bù vào tiền gia vị, chi phí nhiên liệu, chứ chưa bù đắp được công sức bỏ ra. Song, tôi nghĩ, mình làm được gì cho các cháu thì mình cứ làm. Vì nếu không giải quyết được bài toán “nơi ăn”, thì dù đã có “chốn ở”, các phụ huynh cũng không yên tâm để con mình ở bán trú”.

Mười hai năm miệt mài với học sinh vùng cao, bà Tiên được các thế hệ học sinh vùng rẻo cao Ba Lế gọi bằng hai chữ thân thương “bà ngoại". Có bà ngoại Tiên, các búp măng non vùng cao không chỉ được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, mà còn được lớn lên trong tình yêu thương, thắm thiết vô bờ.

Theo Bài, ảnh: Ý THU (Báo Quảng Ngãi)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

null