Lo ngại nợ xấu ngân hàng ngày càng phình to

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Hoạt động tín dụng tại một ngân hàng. Ảnh: Hải Nguyễn
Trong khi tăng trưởng tín dụng chậm lại trong 6 tháng đầu năm, chất lượng cho vay tại các ngân hàng đang có dấu hiệu xấu đi dưới áp lực của dịch bệnh COVID-19 khiến tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có nguy cơ phình to trong thời gian tới.
Tín dụng đạt mức tăng thấp
Dữ liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đến thời điểm đầu tháng 6.2020 cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong liên tiếp các tháng qua có xu hướng tăng rất thấp so với cùng kỳ 2019 và thậm chí đang có dấu hiệu giảm tốc.
Cụ thể theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và tác động đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Đối với hoạt động ngân hàng, do tác động của dịch COVID-19, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, trong đó tháng 1 chỉ tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42% và đến tháng 5 chỉ đạt mức tăng 1,96%  so với cuối năm 2019, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng tới 5,37%. Đáng chú ý là đến ngày 3.6, dư nợ tín dụng có dấu hiệu giảm tốc khi tăng trưởng tín dụng giảm còn 1,9%.
Lý giải nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp trong các tháng đầu năm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân không lớn nên mức tăng trưởng đó là phù hợp.
Thực tế nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn giảm và thậm chí có những ngân hàng tăng trưởng âm, nhiều ngân hàng tăng trưởng thấp và cũng có ngân hàng đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng. Các ngân hàng thương mại luôn sẵn nguồn vốn cung ứng cho người dân trong giai đoạn trong, sau khi đại dịch kết thúc và đến nay các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vẫn được các ngân hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, chỉ riêng hoạt động cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các ngân hàng đến nay cho vay được gần 980 nghìn tỉ đồng cho 225.514 khách hàng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5% - 2,5% so với trước dịch. Doanh số cho vay gói này gấp gần 3,5 lần con số được các ngân hàng cam kết trước đó là khoảng 285 nghìn tỉ đồng.
Tiềm ẩn nợ xấu phình to
Tuy nhiên trong khi tín dụng đạt mức tăng thấp, nguy cơ nợ xấu phình to tại các ngân hàng ngày càng lớn dần do phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn với dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng lên tới khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong đó tập trung vào các ngành như công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, giáo dục - đào tạo và thực tế này tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra Giám sát NHNN cũng nhìn nhận, mặc dù tình hình nợ xấu được cải thiện trong những năm qua, song khi dịch COVID-19 xảy ra, hệ thống ngân hàng cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Mặc dù chất lượng nợ xấu nội bảng hiện vẫn duy trì dưới mức 2%, song nợ xấu tiềm ẩn, có tính đến tác động của dịch COVID-19 có chiều hướng cao hơn, cho dù các khách hàng đã được áp dụng các biện pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ…
Trước các lo ngại về rủi ro nợ xấu phát sinh ở ngân hàng trong thời gian qua, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa từ đầu, đặc biệt là với những ngân hàng đang phải tái cấu trúc theo kế hoạch đã được phê duyệt trước đây. Cơ quan quản lý cũng xác định chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng sẽ thay đổi vì dịch COVID-19, nên bản thân các tổ chức tín dụng sẽ phải rà soát, cập nhật và điều chỉnh và NHNN sẽ theo dõi sát sao, đặc biệt là với cơ quan thanh tra giám sát.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, việc cho vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do các ngân hàng chủ động triển khai trên cơ sở đánh giá và chia sẻ với khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật, khả năng tài chính và cân đối vốn của ngân hàng. Định hướng cho vay là tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.
Theo kịch bản tác động của dịch bệnh COVID-19 được NHNN xây dựng trước đó, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I/2020, tỉ lệ nợ xấu (gồm nội bảng, đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng và nợ đã thực hiện phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9 - 3,2% vào cuối quý II và từ 2,6 - 3% vào cuối năm 2020. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II/2020, tỉ lệ này sẽ ở gần mức 4% vào cuối quý II và 3,7% vào cuối năm 2020, thậm chí còn có thể cao hơn. Điều này sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của những tổ chức tín dụng yếu kém.
VĂN NGUYỄN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.