Lên Măng Đen nhớ Ngọc Tường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi vừa lên Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) theo lời mời của mấy đồng nghiệp từ Đà Nẵng. Và trong cuộc chiêu đãi đậm bản sắc Tây Nguyên với lửa, xoang, chiêng và hát, một cô giáo hát bài “Tình ca Măng Đen” của nhạc sĩ Ngọc Tường.

Tôi quen nhạc sĩ Ngọc Tường từ năm 1981, khi anh đang là nhạc công của Đoàn Đam San, cây guitar có hạng, nhưng hình như hồi ấy, anh chưa sáng tác. Rồi sau đó, anh cứ âm thầm sáng tác. Và ít nhất tới giờ, anh để lại 2 bài hát cho 2 vùng đất, mà ai đã đến cũng phải hát hoặc nghe, là “Tình ca Măng Đen” và “Pleiku thân yêu”. Thực ra, về Pleiku, anh có ít nhất 2 tác phẩm, nhưng bài “Pleiku thân yêu” vẫn được nhiều người thích và thuộc hơn.

Măng Đen thời tôi và anh Ngọc Tường lên là một vùng đất còn hết sức hoang sơ. Có một lâm trường trồng thông, đa phần công nhân là nữ. Chị Giám đốc rất ít ra mặt tiếp khách vì lý do riêng nhưng giỏi, công nhân rất nể và cả... sợ. Chính thế hệ công nhân đầu tiên này đã làm nên những triền thông cho Măng Đen hôm nay (tất nhiên không kể số đã được trồng trước đó).

Bài “Tình ca Măng Đen” của anh Ngọc Tường ra đời từ cái thời ấy, đâu như năm 1984.

Mà lạ, anh là người quê Bình Định, viết bài hát về Tây Nguyên, nhưng lại bằng giai điệu dân ca Nghệ và được biểu diễn khắp nước. Tôi nhớ, Đài Tiếng nói Việt Nam ngày ấy có chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả” phát sóng vào 7 giờ 30 phút sáng chủ nhật hàng tuần và rất nhiều thính giả đã yêu cầu được nghe bài này. Bây giờ thì có một số bạn bảo, bài ấy đơn giản, bolero, dễ hát nên dễ phổ biến... Nhưng, tính tuổi đời, nó cũng đã có mấy chục năm và vẫn được hát thường xuyên. Cái đêm ở Măng Đen ấy, tự nhiên không ai bảo ai, chúng tôi cùng bật dậy và... hòa ca bài rất khó hát đồng ca ấy.

Cũng như bài “Pleiku thân yêu” vậy. Rất nhiều lần, tôi đã hòa vào không khí âm nhạc trong cuộc vui khi tới cao trào: “Em ơi có yêu anh, hãy về cùng Phố núi, nơi tình yêu vẫy gọi...”. Nhiều lúc nghĩ, mình mà là lãnh đạo Măng Đen và Pleiku phải... thưởng to cho nhạc sĩ Ngọc Tường. Nghe bạn bè sành nhạc bảo, thực ra, bài “Pleiku chưa xa đã nhớ” của Ngọc Tường hay hơn bài “Pleiku thân yêu” nhưng khó hát hơn nên mọi người ít hát. Tôi thì cứ nhớ, khoảng từ những năm 1984 tới 1990 của thế kỷ trước, ra Sân vận động Pleiku xem bóng đá, nghỉ giữa 2 hiệp thế nào cũng được nghe bài hát này do Ban tổ chức sân mở. Và tôi thích bài hát này từ hồi ấy: “Chia tay cùng biển lớn/về cao nguyên núi đồi/cầm tay nhau đi tới/phố nhỏ mà thân thương”.

Nhạc sĩ Ngọc Tường dễ tính. Rất ít nhậu, nhưng bạn bè ngồi đâu đấy, gọi là ôm đàn tới và hát say sưa. Lặng lẽ như cây guitar, anh cứ thủ thỉ. Hình như anh có phổ của tôi 2 bài thơ, trong đó, bài “Hoài niệm” đã được anh làm đĩa. Thì thi thoảng nghe vang lên ở đâu đấy lại nhớ, chứ Ngọc Tường là mẫu nhạc sĩ ít màu mè, ít xưng tên tuổi, ít tận dụng cơ hội để đánh bóng, để xưng danh. Nhưng ca khúc của anh, dẫu anh không nhắc thì nó vẫn cứ vang lên ở nhiều nơi, nhiều cuộc, mà cái hôm ở Măng Đen của tôi vừa rồi là một ví dụ.

Lại nói Măng Đen. Tôi lên lần đầu từ hồi chưa chia tỉnh, cái hồi công nhân còn đang trồng rừng. Mua bánh mì và sữa hộp vào rừng thông ăn trưa và đi lang thang. Nghe nói, người ta có những quy định rất chặt chẽ để bảo vệ thông, nhưng khi các khách sạn với biệt thự mọc lên thì thông không thể không... quy hàng. Vả nữa, giờ Măng Đen không chỉ có thông, mà còn hoa, rất nhiều hoa đẹp. Rồi sau đấy lên mấy lần nữa, có lần đi cùng anh Đặng Ngọc Khoa-phóng viên Báo Thanh Niên, khi đã bắt đầu có khách sạn, nhà nghỉ ở đây, mỗi người làm vài bài thơ, bài thơ của anh Khoa sau được nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa phổ nhạc, là bài “Ngẫu hứng Măng Đen”, giờ cũng trở thành “Măng Đen ca”, được rất nhiều người hát. Hôm ở Măng Đen ấy, với tư cách là người biết và quen cả 2 tác giả, tôi giới thiệu với các bạn Kon Tum, các bạn Măng Đen về Ngọc Tường và Đặng Ngọc Khoa và cuộc gặp sôi nổi hẳn lên. Lại nghĩ, đời tác giả, được như Ngọc Tường thế, cũng không phải nhiều.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.