Sông Hồng - dòng sông dài hùng vĩ đến nhường ấy - lại đang cạn nước. Mà nước sông Hồng nhiều năm rồi đã xuống rất thấp, cạn róc, đến mức tàu bè thường xuyên mắc cạn, dù là tàu nhỏ chỉ vài trăm tấn.
Sông Hồng cạn nước, kéo theo những tháng ngày huy hoàng, kiếm tiền “dễ như trở bàn tay” của cánh tàu sông cũng qua đi. Giờ đây, trên những con nước, chỉ còn lại những lời thở than, những phận đời lênh đênh hay những tấm biển bán tàu ngày một dày đặc hơn…
Một thuyền viên trẻ tuổi đang vừa bế con vừa điều kiển con tàu của mình. |
Bấp bênh như sóng nước
Sông Hồng dài hàng trăm cây số, lại rẽ nhánh chằng chịt nên để thống kê cụ thể số lượng tàu bè đang hoạt động, rõ ràng không hề là công việc đơn giản. Cũng giống như đường bộ, đường sông - còn được gọi là đường thủy nội địa - cũng có những quy định cả chính tắc lẫn “bất thành văn” buộc người và phương tiện muốn được hoạt động yên ổn - phải tuân theo. Những câu chuyện mà chúng tôi sắp kể dưới đây hoàn toàn là những trải nghiệm thực tế của bản thân sau nhiều tháng ngày có cơ duyên lênh đênh sóng nước.
Tàu PT-55xx được 4 ông chủ ở Phú Thọ và Hà Nội chung vốn. Trong mỗi chuyến đi, anh Nguyễn Văn Toản (41 tuổi, quê ở huyện Thường Tín) là người phụ trách. Gọi là ông chủ cho sang miệng vậy, chứ ở người đàn ông này, hoàn toàn chỉ thấy sự khắc khổ. Anh Toản gầy, gân guốc, nhanh nhẹn và làn da đen sạm, từ nhỏ đã phải theo người lớn đi lăn lộn với sông nước nên “một chữ bẻ đôi” cũng không biết. Ngoại trừ tự tính tiền ra thì mọi giấy tờ thủ tục, anh đều nhờ người khác ký thay. Có đi mới thấy, thực chất, họ chẳng khác gì những người đi làm thuê, tự lấy công để bù lỗ cho những đồng vốn đã đổ vào con tàu.
“Đi làm thuê mãi thì không được, mấy anh em tôi cùng góp vốn chung, mỗi người góp từ 200 đến 500 triệu đồng mua lấy con tàu này để chủ động làm ăn. Để góp được số tiền lớn thế cũng không phải đơn giản, vì số tiền có trong nhà cũng chỉ được chút ít. Số còn lại là tiền gán nhà cửa, ruộng vườn để vay ngân hàng hoặc vay mượn bên ngoài. Bình quân, mỗi con tàu vận tải chừng 1.000 tấn có giá từ 1,5 đến 3 tỉ đồng, hỏi không vay mượn lấy đâu ra” - ông chủ Toản tâm sự trong ngày đầu tiên chúng tôi bước chân xuống tàu.
Trên lý thuyết, nếu sông nước thuận lợi, nguồn cung hàng hóa đầy đủ thì 1 tuần, tàu có thể chở được 1 chuyến hàng xuôi từ Phú Thọ về Hải Phòng và ngược lại. Tuy nhiên, suốt nhiều năm gần đây, do “trào lưu” xây thủy điện ở thượng nguồn, nên nước sông Hồng chẳng còn được mấy, đa phần cạn róc. Do đó, những ngày tháng thuận lợi trong năm chẳng còn được mấy. Còn gặp ngày bão lũ, phải chật vật lắm họ mới có thể đi xong 2 lượt hàng, có khi mất 15-20 ngày. Việc này đã tác động trực tiếp vào sức cạnh tranh của ngành vận tải đường sông. Giờ đây tàu nhiều, đầu việc thì ít nên không chỉ có chờ đợi con nước, các chủ tàu còn vêu vao chờ việc. Cuộc sống thêm bội phần gian truân.
Ông chủ Nguyễn Văn Toản ngán ngẩm với cảnh sông nước. |
Anh Toản, tiếng là ông chủ, nhưng vì không biết chữ nên không có nổi mảnh bằng vắt vai. Theo luật, 1 con tàu muốn xuống được sông phải có đủ bộ thuyền trưởng và máy trưởng cùng các thủy thủy, do đó, anh Toản phải cậy nhờ đến 1 người họ hàng cùng quê là ông Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi) đứng ra làm thuyền trưởng. Anh Toản tâm sự, hành trình quen thuộc của anh là từ Phú Thọ xuôi về các tỉnh đồng bằng như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng. Mỗi chuyến như vậy, chi phí cho xăng dầu và các khoản phát sinh là từ 20 - 25 triệu đồng. Chủ hàng sẽ trả từ 30-35 triệu đồng. Thời sông cạn nước, việc ít, tàu nhiều, có khi cả tháng, anh chỉ chạy được 2-3 chuyến. Chia bôi cho tất cả các thành viên (thường là 4 người) thì người cao nhất còn chẳng nổi 10 triệu đồng/tháng. Số này, đôi khi đem trả lãi còn chẳng đủ.
“Nói thì không ai tin. Nhưng đúng là nhiều năm qua, chúng tôi làm được bao nhiêu chỉ để “nuôi” ngân hàng. Khổ lắm, nhưng đã đâm lao thì phải theo lao. Giờ bán tàu thì lỗ quá. mà bán xong cũng không biết làm cái gì vì mình sinh ra đã quen cái nghề này rồi” - anh Toản tận cùng ngao ngán.
Triền miên chờ đợi
Có 1 đặc điểm chung của dân tàu thuyền là dù vẻ bề ngoài xù xì nhưng đa phần họ rất hiền, hiếu khách, nhiều người còn không biết chữ. Trên 1 chuyến tàu khác chở ngập quặng từ Việt Trì về nhà máy thép Hòa Phát (Kinh Môn, Hải Dương), chúng tôi nghe máy trưởng Nguyễn Văn Tuyển (SN 1987, quê Việt Trì, Phú Thọ) thật thà giải thích: “Nghề sông nước thường cha truyền con nối. Nhiều em bé sinh ra rồi lớn lên trên tàu nên không có cơ hội được đến lớp. Rồi quanh năm trên sông, chỉ làm duy nhất 1 việc là chở hàng, có lên bờ, có tiếp xúc ai mấy đâu mà đòi khôn ngoan, so bì được với người thiên hạ...”.
Thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của dân tàu thuyền. |
Tàu nổ máy, những tiếng kim loại va vào nhau chát chúa, cả con tàu rung lên như vừa có 1 cơn địa chấn, anh Tuyển đẩy nhanh chúng tôi khỏi khoang máy, gào lên bên tai: “Xuất phát thôi. Trông thế mà gần 1.000 tấn quặng đấy. Mấy tỉ bạc chứ chẳng chơi...”. Trên dòng nước đỏ phù sa vì cạn, những khúc sông quanh co, con tàu lừ lừ xuôi theo sông Hồng về với Hải Dương để đổ hàng.
Quả đúng là có đi mới biết, chẳng may gặp khúc cạn, thời gian đợi luồng đã lâu thì lúc đến bến, thời gian chờ đợi để đổ hàng hoặc lên hàng còn mệt mỏi gấp bội phần. Nhận được thắc mắc, 1 thuyền viên tỉ mỉ giải thích: “Chuyến chạy quặng nào chả như vậy, bên nhận hàng còn phải lấy mẫu đi đốt thử ít nhất 2 ngày thì mới thỏa thuận giá cả, khi công đoạn này xong, bọn anh đi làm cảng vụ và họ mới bốc hàng lên bến cho mình. Chưa kể nhiều lúc tàu cùng đến nhiều quá, không có chỗ để vào hoặc bãi chật không cho chỗ để xuống hàng. Chúng ta buộc phải chờ để giải phóng bớt số lượng tàu hoặc số lượng hàng trên bến...”.
Những ngày vêu vao chờ đợi, do không thể lên được bờ nên thú vui duy nhất của cánh thuyền viên là chơi tá lả vui với nhau. Họ chơi triên miên, từ lúc ngủ dậy đến khi lên giường đi ngủ và chỉ tạm nghỉ khi cơm nước tắm giặt. Việc nấu nướng trên tàu thường do 1 thủy thủ phụ trách. Nguồn cung cấp thức ăn đến từ những con đò nhỏ. Các chuyến đò hay xuất hiện vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều, bán đủ các thứ trên đời, màu sắc lờ loẹt, không khác nhiều 1 gánh hàng rong trên bờ.
Đâm lao thì phải theo lao
Có lẽ đây là dịch vụ duy nhất sẵn có trên sông. |
Theo chân những thuyền viên, chúng tôi mới cảm thấu hết sự vất vả, nỗi chênh vênh của cái nghề bám sông, bám biển này. Chớm mùa cạn, tàu thuyền trên sông Hồng đã dồn ứ, ngắc nghẹn ở nhiều khúc sông, những nơi được gọi là “điểm chết” của dòng sông này. Đó thường là những khúc cạn bồi đắp hoặc những nơi vấn nạn khai thác cát sỏi tàn phá khiến dòng chảy bị biến đổi.
Những “người con của sông nước” sống chung với tiếng ồn ào ấy thành quen, với họ bây giờ muốn bỏ cũng không xong. Cứ thế, họ cố gắng bám trụ với mặt sông, con sóng, cuộc đời cũng mặn mòi vị gió sương. Dù vất vả, mồ hôi chan lẫn nước mắt thì những con người kiên gan ấy vẫn không bỏ cuộc.
Cả ngày rong ruổi. Chỉ khi đêm xuống, tàu mới dừng lại vào 1 điểm nào đó để nghỉ chân. Giữa dòng sông mênh mông, không có những tiến cười nói như dân cư thành thị, mọi thứ chìm vào lặng im, khi mọi người trên thuyền chuyện trò thì không gian ấy mới có chút âm thanh. Sau 1 ngày làm việc vất vả là những giây phút nghỉ ngơi lấy lại sức cho ngày hôm sau làm việc.
Là người có thâm niên trong nghề, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tiến tâm sự, ông đã đi tàu từ những năm 80 và cầm lái năm 90. Làm nghề đến nay đã gần 40 năm nhưng ông vẫn chưa thể bỏ được nghề, vì gia sản ông đã gắn với con thuyền này từ lâu. “Vợ tôi cũng khuyên tôi nghỉ để tìm 1 công việc gì đó nhàn nhã để làm nhưng đâu có dễ. Ngày trước còn lái thuê thì chả nghỉ, bây giờ chung nhau mua tàu rồi muốn nghỉ cũng không được nữa rồi” - ông Tiến nói.
Trên chuyến đi, chúng tôi được chứng kiến, thấu hiểu cả những nụ cười, mồ hôi mặn mà và cả những giọt nước mắt của họ. Đó là những ngày gió nổi, sông dâng nước, sóng dữ, con thuyền cũng vì thế chênh vênh đến lạ. Kể sao cho xiết những gian nan, vất vả của đời thuyền viên, 1 nghề vừa nguy hiểm, đôi khi phải trả giá bằng cả mạng sống, lại vừa bấp bênh.
Dòng sông đưa con thuyền xuôi về bến rồi lại ngược lên theo những chuyến hàng. Cuộc đời cứ thế tiếp diễn.
Long Nguyễn-Phạm Đông/laodong