Lãng tử mê chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau nhiều năm làm giáo viên rồi cán bộ xã, ông A Bưu (ở làng Tbâu Klếch, xã Ngok Bay, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) xin nghỉ về làng làm ruộng và chơi chiêng cho thỏa chí đam mê.
 
A Bưu biểu diễn chiêng. ẢNH: PHẠM ANH
5 tuổi đã biết đánh chiêng
Truyền đam mê cho thế hệ trẻ

Cô Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn, xã Ngọc Bay, TP.Kon Tum, cho biết may mắn của nhà trường là ông A Bưu là người địa phương. Ông đam mê truyền thống văn hóa dân tộc mình. “Chúng tôi liên hệ với ông A Bưu, nhờ ông tập luyện chiêng cho học sinh vào những buổi chiều thứ bảy, chủ nhật và sau buổi chiều các em học sinh nhà trường được nghỉ học. Đây cũng là cách thu hút học sinh đến trường, chúng tôi giáo dục các em truyền thống văn hóa của dân tộc mình, để các em hiểu, gìn giữ và phát huy”, cô Lan cho biết.

Mưa đêm. Bên hiên nhà gỗ ven phố núi mà ngỡ ở rừng. Ánh đèn hắt hiu, ly rượu sánh đen. Ngoài vườn cây yên lặng quá. Chốc chốc lại có cơn mưa như gợi nhớ... Đêm đó A Bưu độc ẩm với trà, khách thì nhấm rượu của chủ nhà. Nhiều năm rồi A Bưu không uống rượu. Hỏi vì sao, ông bảo: “Nhờ vậy mới sống, mới có đêm chuyện trò này”.

5 tuổi đã biết đánh chiêng. Thêm vài tuổi nữa, thì biết đến nhạc rồi võ. Vì được theo cha dự nhiều lễ hội, nghe cha đánh cồng chiêng hay nên A Bưu tự mày mò học, đam mê cồng chiêng lúc nào không biết. Sau đó thì theo nghiệp võ. Rồi khi chân cứng, leo đồi lội rừng được, A Bưu ngậm sâm đi tìm trầm. Lúc được lúc mất, nhưng sau những tháng băng rừng thiêng nước độc, A Bưu vẫn giữ được mạng sống về làng. Không phải A Bưu ham giàu sang, chẳng qua chỉ mê khám phá, mê rong ruổi để thỏa chí lãng tử từ trong máu.
Cho đến một ngày, cha A Bưu nằm trên giường bệnh. Trước khi mất gọi A Bưu về bảo: “Hai anh mày chơi bời phá phách. Mày phải lo cả nhà, lo cho mấy đứa em, con ơi!”. Vậy là dừng bước phiêu bồng,
A Bưu lo cày cấy, trồng cây nuôi cả nhà, gả chồng cưới vợ cho các em. Thế nhưng, máu lãng tử thì chưa bao giờ mất đi. Không đi xa, A Bưu tìm đến hội làng, lễ cúng tìm vui. Một bận quá chén, xuất huyết dạ dày suýt chết. A Bưu bỏ bia rượu từ đó. Làm nặng không xong, việc nhẹ không đủ tiền nuôi gia đình, A Bưu nhìn quanh mảnh vườn 2.000 m2: mình làm homestay, nhưng phải là lạ một chút.
Ký ức làng
A Bưu đưa tôi ra khu vườn, đêm quyện mùi hoa cỏ dại nồng. A Bưu nói mình xây dựng kết cấu homestay đúng như làng cũ Tbâu Klếch. Đây là làng do chính ông cố A Bưu tách ra từ làng Plei Klếch, ban đầu khoảng 10 hộ, sau thành hàng trăm hộ sung túc. Ngôi làng có con đường dốc thoai thoải đi vào thẳng đến nhà rông, phía sau có cây pơ lang lớn, mùa xuân hoa đỏ một vùng trời. Xung quanh là nhà sàn của người Ba Na ở, bên đường vào làng còn có con suối Đăk Mômăm.
 
Bộ chiêng đại bàng của A BưuẢNH: PHẠM ANH
Homestay này được A Bưu mô phỏng như làng cũ, vừa đỡ nhớ làng, vừa không đánh mất phong thái làng xưa. Phía ngoài cổng, A Bưu trồng cây khế lớn, y như làng cũ. Ở gần giữa homestay có một gò đá lớn nổi, dây leo chằng chịt và con suối nước mô phỏng xung quanh, ông nói đó là hang cọp truyền thuyết của làng mình. Ngoài sân, vách nhà ngoài, dây leo lưng chừng từng chuỗi treo ngược. Ban đêm trông như loài trăn nô đùa, bảo vệ gia chủ yên nồng giấc ngủ. Ngoài sân, trong nhà, A Bưu bố trí nào là cây nêu, rìu, rựa, dao, đàn tơ rưng, sáo, đặc biệt là những bộ chiêng quý mang sắc thái truyền thống của người Ba Na. Trên vách lủng lẳng 2 thanh trường kiếm, 2 đoản kiếm. Đó là kỷ vật những năm tháng phiêu bạt, A Bưu mua lại của người bạn Xê Đăng.
Ông Trần Lâm, cán bộ Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, kể rằng có nhiều đoàn khách đến ăn, uống, vui chơi, thấy A Bưu quá nhiệt tình chơi nhạc, biểu diễn say sưa, họ cứ nghĩ miễn phí rồi phủi lưng đi mất, A Bưu và gia đình chẳng thu lại được đồng nào. “Ổng làm homestay mà khách hỏi giá bao nhiêu, ông bảo tùy ý, nhưng khách đưa nhiều quá, thì A Bưu trả lại cho họ. Ổng nói làm homestay để sống, nhưng cốt là lấy ngày công thôi, đủ nuôi gia đình là tạm ổn”, ông Trần Lâm nói.
Mê chiêng, lén vợ bán bò...
A Bưu đặc biệt thích chiêng. Nói về chiêng, ông say sưa không dứt. Từ chuyện bộ chiêng rách, chiêng hỏng, ông mua về rồi cần mẫn vá, sửa, chỉnh âm; đến chuyện ông giấu vợ bán cả gia tài như con bò duy nhất để mua chiêng. Ông nhớ nhà mình ngày xưa nhiều ghè thiêng và chiêng quý. Đó là của hồi môn khi mẹ ông đi “bắt chồng” được gia đình cho mang theo, chở theo cả một xe đò từ Gia Lai lên.
 
Dạy cồng chiêng cho học sinh. ẢNH: PHẠM ANH
“Một cái ghè trị giá 4 - 5 con bò. Còn chiêng, bộ quý nhất 15 - 20 con bò, còn lại là 2 - 3 con bò/bộ. Mấy chiêng ghè này rồi đội nón ra đi hết. Người Tây nguyên, bước vào nhà ai thấy ghè, chiêng nhiều là biết đẳng cấp ngay”, A Bưu nói rồi cười ha hả kể: Hai ông anh trai đi ngủ với gái làng khác, bị phạt vạ nên về nhà vác ghè thiêng, chiêng quý đi bán lấy tiền mua trâu, dê, gà, rượu để đền. Cũng vì cái tội trăng gió của hai ông anh, A Bưu mãi sau này mới có gái ưng, bởi gái các làng sợ A Bưu giống như hai ông anh ruột thì ghè, chiêng đâu nữa mà bán để phạt vạ.
Những món đồ đã ra đi ấy, A Bưu quyết đưa trở lại về nhà bằng cách sưu tầm từng cái, từng bộ một. Khoảng năm 2006, mê tít bộ chiêng quý của ông A Thút (nghệ nhân ở xã Hơ Moong, H.Sa Thầy, Kon Tum) nhưng không mua được vì thiếu tiền, A Bưu ngẩn ngơ mấy ngày. Sau phát hiện ở TX.An Khê (Gia Lai) có một bộ tương tự như vậy nên A Bưu tìm cách mua bằng được. Hồi ấy, A Bưu “xin” vợ đi vài ngày, nhưng phải chầu chực cả tuần, năn nỉ hơn một tuần, gia đình ấy có bà con xa phía mẹ A Bưu, mới bán cho. A Bưu đánh thử một hồi ngắn, chiêng rung lên đều, âm vang như sóng biển xô nhau.
A Bưu giải thích: “Chiêng này là bộ klang brông (hay gọi chiêng đại bàng), thuộc tứ đại kỳ chiêng vô cùng quý của người Ba Na. Bộ chiêng này 12 lá, trong đó, chiêng cái hay còn gọi là chiêng mẹ, dày và nặng khoảng 12 kg, được làm tất cả bằng đồng, có vân khắc nổi trên mặt chiêng, giống hai cánh chim đại bàng đang sải cánh. Chiêng này có cái khác là, tùy từng bài và cảm xúc của người chơi mà thanh âm có độ nhạy khác nhau, khi như tiếng thác chảy ầm ầm, khi khô lạnh như nước rơi vào đá, khi tí tách như tiếng chim chuyền cành trên cây khô”.
Để có được bộ chiêng này, không chỉ tốn thời gian mà A Bưu còn tốn tiền nữa. Ấy là tích góp chỉ được 17 triệu đồng, nhưng gia đình bán chiêng đòi 25 triệu đồng. Vậy là một hôm, canh vợ đi rẫy, ở nhà A Bưu kêu cánh buôn bò vào rồi bán phứt con bò cái, là tài sản giá trị nhất gia đình, được hơn 7 triệu đồng bọc túi để đi mua chiêng. Hơn tuần sau về, mặc vợ cằn nhằn, A Bưu cứ im im, cười cười cho qua chuyện.
Nhưng đó chẳng phải là lần đầu A Bưu “lừa” vợ đưa chiêng về nhà. A Bưu mê cồng chiêng, hễ có ai bán là giới thiệu đến ông. Sau khi xem, ông thấy chiêng quý là lại về lén vợ bán bò, bán các vật dụng giá trị trong nhà để mua cồng chiêng. Vậy nên các loại chiêng lần lượt được ông mang về treo ở nhà, còn vật dụng ở nhà thì lần lượt qua tay người khác. Có lần, vợ ông giận chồng cả nửa tháng không nói lời nào.
Cứ vậy, sau hơn 10 năm lùng mua chiêng, A Bưu có 12 bộ chiêng quý. Đến nay thì còn giữ 6 bộ, số còn lại đã nhượng lại cho các địa phương.
A Bưu vốn có hồn nghệ sĩ, lại có vốn kiến thức phong phú về chiêng của người Ba Na, có tài đặc biệt thẩm âm, nắm nhịp và chỉnh chiêng. Theo A Bưu, ông học chỉnh chiêng từ già làng A Jing ở xã Ia Chim, TP.Kon Tum. “Tiếng chiêng muốn vang phải thế nào, người chỉnh chiêng không chỉ giỏi kỹ thuật chỉnh mà còn đam mê, yêu chiêng nữa. Bởi chỉ có tình yêu chiêng đắm say mới làm sống dậy được hồn chiêng”, A Bưu nói như tâm sự với mình.
Phạm Anh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.