(GLO)- Gần 6 năm sau khi chuyển về khu tái định cư mới nhưng cuộc sống của 149 hộ dân thuộc 2 làng Tung và Gút (xã Krong, huyện Kbang) vẫn gặp nhiều khó khăn. Người dân 2 làng vẫn bám trụ nơi nhà đầm làng cũ, bỏ mặc khu tái định cư với những ngôi nhà được xây dựng khang trang.
Quay về làng cũ
Khu tái định cư 2 làng Tung và Gút cách trung tâm huyện Kbang 30 km. Nhìn từ xa, khu tái định cư của 2 làng Tung và Gút hiện ra với những ngôi nhà xây kiên cố. Tuy nhiên, khi đến tận khu tái định cư thì trước mắt là cảnh đìu hiu. Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang lâu ngày, quanh nhà cỏ dại mọc um tùm, các cánh cửa hư hỏng, bên trong nhà trống hoác chỉ còn mạng nhện bu bám, trên tường chi chít các hình vẽ bằng than củi. Đa phần các ngôi nhà tại khu tái định cư đều đóng kín cửa.
Nhiều ngôi nhà xây kiên cố trong khu tái định cư làng Tung và Gút bị bỏ hoang. Ảnh: N.T |
Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà cuối làng Gút để hỏi thăm thì được biết, dân làng đang ở làng cũ cách đó khoảng 10 km. Băng qua con đường mòn đầy đá và vượt 2 con suối sâu, chúng tôi mới đến được 2 làng Tung và Gút cũ. Thi thoảng trên con đường dẫn vào làng cũ, chúng tôi gặp một vài người đi bộ, chủ yếu là theo hướng làng mới vào làng cũ và chở theo nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tại 2 làng cũ còn đó nhiều ngôi nhà đầm (nhà làm rẫy của dân-P.V). Làng Tung cũ có khoảng hơn 10 nhà; làng Gút có 64 nhà.
Trái ngược không khí đìu hiu ở khu tái định cư, làng Gút cũ luôn rộn ràng. Tiếng giã gạo thậm thình vang vọng. Khói bếp từ nhiều ngôi nhà tỏa lên không trung. Nhiều tốp người ngồi uống rượu dưới bóng cây trước nhà đầm. Từng đàn heo, gà chạy rông quanh làng cũ. “ Mọi người ở làng cũ rồi, không muốn về ngoài kia đâu. Lúa có sẵn trong nhà đầm. Thức ăn là con cá dưới suối, cây cối trên nương và trong rừng. Khi nào ngoài làng mới có hội họp thì mọi người mới về”-anh A Nhớt (một người dân làng Gút) chia sẻ.
Chúng tôi đến nhà ông Blứ-Bí thư chi bộ làng Gút khi đã về chiều. Ông Blứ ngồi bên bếp lửa. Vợ và các con ông Blứ đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Blứ cho biết: “Dù không có điện, không có nước sạch, xa trạm y tế… nhưng bà con vẫn phải ở đây để làm rẫy kiếm cái ăn. Đất ở đây tốt hơn. Đất được cấp khi chuyển về làng mới dốc và xấu lắm. Cây trồng không mọc được. Nuôi con bò cũng không có chỗ để chăn thả”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư chi bộ làng Gút tỏ ra rất lo lắng về nguy cơ thất học của trẻ em. Khu tái định cư có trường học khang trang nhưng khi bố mẹ ở nhà đầm làm rẫy thì con cái cũng phải đi theo. Con chữ cứ thế xa dần theo cuộc mưu sinh.
Nan giải bài toán thoát nghèo
Dự án xây dựng khu tái định canh, định cư mới của 2 làng Tung và Gút được hình thành theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010. Với tổng mức đầu tư 13,86 tỷ đồng, dự án thực hiện di dời 149 hộ dân của 2 làng đến nơi ở mới cách UBND xã Krong 4 km với tổng diện tích là hơn 30 ha. Tổng thể khu tái định cư gồm 149 căn nhà xây kiên cố, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 trường học, 8 giọt nước tự chảy, 1 cầu tràn, hơn 2 km đường bê tông, 1 đường điện thắp sáng. Đồng thời, dự án còn hỗ trợ cho 2 làng Tung và Gút khoảng 50 ha đất sản xuất.
Sau khi triển khai dự án, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đến năm 2011, người dân 2 làng Tung và Gút đã đồng thuận chuyển về khu tái định cư. Tuy vậy, từ khi chuyển về nơi ở mới đến nay, đời sống của nhân dân 2 làng gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của xã Krong, tính đến cuối năm 2016, làng Tung có 69 hộ thì có 53 hộ nghèo, chiếm hơn 76%; làng Gút có 84 hộ thì có 69 hộ nghèo, chiếm hơn 82%.
Theo ông Hỏa Văn Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Krong, nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân 2 làng Tung và Gút vẫn sống ở làng cũ là do đất sản xuất không đảm bảo. Việc người dân chủ yếu sinh sống ở làng cũ gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền xã. Thời gian tới, chính quyền xã Krong tiếp tục vận động người dân về khu tái định cư, đồng thời ưu tiên hỗ trợ cây giống và vật nuôi giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Nguyễn Tú