Làng Pan nguy cơ mất mùa lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng nóng đã làm nhiều diện tích lúa của người dân làng Pan (xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) rơi vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Nhiều chân ruộng bị nứt nẻ, cây lúa khô héo, bà con nông dân đang đối mặt với nguy cơ mất mùa.

Từ đầu tháng 3 đến nay, mạch nước ngầm cạn kiệt, suối khô trơ đáy khiến nhiều diện tích lúa của người dân làng Pan gieo sạ ở cánh đồng Ia Greo và Ia Pết (xã Dun) bị thiệt hại nặng nề. Một số hộ cố gắng bơm nước để cứu lúa, nhưng thửa ruộng đành phải bỏ vì không còn nguồn nước tưới.

1h.jpg
Ông Rmah Nen (làng Pan) đang tưới nước cầm chừng để giữ ẩm cho lúa. Ảnh: R.H

Gia đình ông Rmah Nen canh tác 2 sào lúa tại cánh đồng Ia Greo. Lâu nay, ông tận dụng mạch nước ngầm để gieo sạ 2 vụ lúa/năm. Trước đây, vào thời điểm này, mạch nước ngầm vẫn dồi dào, đất ẩm, lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, năm nay, nắng hạn kéo dài khiến đất trở nên khô cằn, nứt nẻ.

“Từ tháng 3 đến nay không có mưa, mạch nước ngầm suy giảm, trong khi lúa đang trong giai đoạn làm đòng. Tôi phải thường xuyên bơm nước từ ao dự trữ tưới cho hơn 3 sào cà phê để tưới cho cây lúa. Tuy nhiên, việc bơm tưới liên tục khiến nước ao cũng gần cạn, ảnh hưởng đến diện tích cà phê của gia đình”-ông Nen chia sẻ.

Với 2 sào lúa, năm ngoái, ông Nen thu được 20 bao lúa (khoảng 60-65 kg/bao). Năm nay, sản lượng ước giảm đến 60%. Lúa bị lép hạt vì thiếu nước. Gia đình đang cố gắng tưới nước cầm chừng để giữ ẩm, hy vọng tránh được một vụ lúa thất bát. Chỉ tay về phía ruộng lúa bên cạnh bị thiếu nước nghiêm trọng, ông Nen cho biết thêm: 2 sào lúa này là của gia đình ông Rmah Mơnh. Hơn 70% diện tích lúa này đã chết khô và không thể cứu vãn. Không có nguồn nước tưới, ông Mơnh đành bỏ hoang ruộng.

Tình trạng thiếu nước tưới cũng xảy ra tại cánh đồng Ia Pết, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Ông Siu Hyơt-Phó Bí thư Chi bộ làng Pan-cho hay: “Gia đình tôi có 4 sào lúa ở khu vực cánh đồng Ia Pết, gieo sạ từ đầu tháng 12-2024 và sử dụng nguồn nước tưới từ suối Ia Pết. Năm ngoái, 4 sào lúa của gia đình thu được 11 bao. Vụ này, tôi đã đầu tư khoảng 5 triệu đồng cho việc làm đất, cày bừa và phân bón. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, suối cạn trơ đáy, lúa chưa kịp trổ đòng nên đành bỏ hoang. Không riêng gì gia đình tôi, nhiều hộ dân trong làng cũng rơi vào tình cảnh tương tự, đành phải cắt bỏ cho bò ăn”.

2h.jpg
Nhiều diện tích lúa của người dân làng Pan bị thiệt hại vì thiếu nước. Ảnh: R.H

Ông Rah Lan Nhất-Phó Chủ tịch UBND xã Dun-thông tin: Vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn xã đã gieo sạ 90 ha lúa. Trong đó, khu vực cánh đồng Ia Greo và Ia Pết có tổng diện tích 30 ha. Đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng bởi hạn hán với diện tích khoảng 12 ha.

Nguyên nhân là do cánh đồng Ia Greo nằm trên vùng đất cao, không có hệ thống kênh mương dẫn nước, do đó người dân chủ yếu sử dụng mạch nước ngầm. Vào mùa khô, mạch nước cạn kiệt, đất nứt nẻ khiến ruộng lúa bị thiệt hại nghiêm trọng. Còn tại khu vực cánh đồng Ia Pết, người dân bơm nước từ suối Ia Pết, nhưng hiện tại do hạn hán nên suối đang thiếu nước trầm trọng.

“Trước đó, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, hướng dẫn người dân gieo sạ sớm và chọn giống lúa ngắn ngày để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên năm nay, nhiều hộ dân gieo sạ muộn, dẫn đến thiệt hại do thiếu nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gieo sạ muộn là trong tháng 11-2024, bà con đang thu hoạch cà phê. Hơn nữa, cà phê năm nay chín muộn khiến nhiều hộ dân không kịp gieo sạ”-ông Nhất giải thích thêm.

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

(GLO)- Chị Phan Thị Bích Bình-Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là người tiên phong đưa cây dứa mật về trồng ở vùng đất Ia Nhin mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Sau hơn 4 năm triển khai (2021-2025), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã góp phần giảm nghèo bền vững và tạo động lực để các địa phương phát triển. Chương trình là đòn bẩy cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS.

Giấc mơ của những người tha hương

Giấc mơ của những người tha hương

(GLO)- Khu vực gần Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (thuộc làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) từng được ví như vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” bởi sự hoang vắng và cằn cỗi. Ấy thế mà với những người dân miền Tây Nam Bộ tha hương, nơi đây trở thành miền đất hứa và cùng xây dựng quê hương thứ hai.

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

(GLO)- Bắt đầu với một vài bụi rau má, bà Nguyễn Thị Ánh (thôn Tân Tụ, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã mở rộng quy mô trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm gần đây, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã triển khai giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cho cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng đệm; qua đó, tạo sinh kế, giúp người dân cải thiện thu nhập và bảo vệ tài nguyên rừng tốt hơn.

null