Ký ức của ba

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bảng khám bệnh điện tử hiển thị con số 106, tôi ngó quanh quất tìm ba tôi. Ông già lại đi lung tung đâu đó. Tôi hớt hải chạy quanh sảnh bệnh viện: “Kia rồi”, chiếc áo kaki màu xanh bộ đội.

Ba đang đứng ở chân cầu thang, bắt tay bác bảo vệ, hai ông chúi đầu vào nhau nói chuyện như thân thiết từ thuở nào: “Ba, ba ơi, ba tới số rồi”, tôi vừa thở vừa nói. Ba tôi cười khằng khặc: “Chưa khám mà tới số rồi sao?”. Tôi vỡ lẽ, oà lên, cái từ “tới số” lúc này được ông già chơi chữ thật điệu nghệ.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Ba chưa “tới số”, nhưng lòi ra bệnh tim lẫn Alzheimer, hèn gì nhớ nhớ quên quên. Nhớ ký ức của mấy mươi năm trước nhưng chuyện trưa nay ăn gì thì ông lại quên. Khám xong, ông lon ton ra thẳng ra chỗ bác bảo vệ, khoe: “Tớ cả đống bệnh nhé”.

Bác bảo vệ đáp lại với giọng đầy tự hào: “Thế cậu vẫn thua tớ, tớ còn bị cả gút mới tài”. Hai ông phá lên cười. Hóa ra, chờ khám bệnh lâu quá, ông già đi kiếm người nói chuyện thì gặp bác bảo vệ “cùng tần số”, hai ông đều tham gia cuộc chiến biên giới Tây Nam. Ba tôi bảy mươi tuổi dù đãng trí, mà vẫn hóm hỉnh, quảng giao.

Cuộc sống của hai cha con tôi cứ vui vẻ, bình lặng mãi cho đến một hôm, có ông già cụt tay ghé thăm nhà. Vừa thấy khách, ba đã đứng khựng lại, môi giần giật: “Ôi, thủ trưởng”. Họ vừa bắt tay vừa ôm chầm lấy nhau.

Người “thủ trưởng” ôm chặt lấy vai ba: “Nhờ có thằng Thắng giờ làm bảo vệ bệnh viện tỉnh mà tớ tìm ra tung tích của cậu, trái đất tròn thật”. Ba ngẩn ra: “Thắng nào?”. Bác bảo vệ mà ông nói chuyện thân tình hôm đi khám bệnh đã bị căn bệnh người già làm ba tôi quên lãng.

Tôi quanh quẩn ở trong chái bếp, tò mò lắng tai nghe câu chuyện của hai người. Nhưng chỉ có đoạn đánh nhau ác liệt bên Cam là nghe rõ, đến đoạn sau, ông thủ trưởng bỗng hạ giọng, ghé sát tai ba, ông nói đến đâu, mặt ba sầm lại, tái mét. Ông giữ nét mặt ấy ngay cả khi ông thủ trưởng đã về từ lâu. Thỉnh thoảng, ba cố gượng cười, nhưng nụ cười héo hon như đang mếu.

Chiều về, ông mắc võng nằm ngoài hiên, tay gác lên trán, buồn đến bỏ cơm. Một sáng, ba tôi không thức dậy, một cơn sốt như hút cạn sinh lực vốn đã hao mòn. Miệng ông lặp đi lặp lại: “Khờ nhom nâng sai rót niêng”. Ông nằm viện, mê man mấy ngày trời.

Hôm ấy, ông ngồi dậy được, tụt khỏi giường, ghé sát mặt vào mặt tôi đang trải chiếu nằm ngủ thiếp đi dưới sàn nhà: “Con đi tìm chị con về đây!”. Tôi tưởng ông vẫn đang nói sảng. Nhưng ánh mắt ông nghiêm nghị, không giống đang trong một cơn mê.

Ông kể rằng, nhờ chuyến thăm hôm trước của ông Trung đội trưởng mà ông biết rằng mình có một đứa con gái bên Campuchia - một đứa con chưa từng tồn tại trong cuộc sống và cả ý niệm của ông.

Ba ngồi cạnh tôi, ánh mắt sâu thăm thẳm như thể những hình ảnh của mấy mươi năm trước đang từ từ hiện ra. Hồi ấy, ba chỉ là cậu thanh niên ngoài hai mươi, đi tham gia cuộc chiến biên giới Tây Nam.

Một lần, trung đội của ông bất ngờ bị bao vây, họ co cụm, cố thủ ở rừng. Cầm cự được mấy hôm, trung đội phải đánh mở vòng vây dù ai nấy đã rệu rã, xiêu vẹo, má hóp lại vì đói khát. Ba nhớ rất rõ tiếng thất thanh, tiếng rên rỉ của đồng đội, vào một giây khắc ông cũng gục xuống, như rơi vào màn sương lạnh lẽo dù bàn tay cảm nhận sự bầy nhầy và ấm nóng của máu thịt.

Trong bất động, vô thức, ba bỗng cảm nhận được mùi khói bếp, tiếng sôi ùng ục, mùi thơm thuốc Bắc, cảm giác đau âm ỉ ở bụng, ở đùi. Ông cố mở mắt, nhìn cảnh vật xung quanh. Ngôi nhà vách nứa sao mà quen thuộc. Đang mấp mé gọi “mẹ” thì một ông già quắc thước thốt lên bằng tiếng Việt ngòng ngọng: “Bộ đội tỉnh rồi”. Một cô từ ngoài bước vào, vui mừng reo lên một câu bằng tiếng Khơ-me. Lúc này, ba tôi mới biết mình chưa chết. Hai cha con người Cam nói tiếng Việt bập bẹ, kể rằng ba đã hôn mê chục ngày trời sau khi được họ kéo lên từ một vục nước trong rừng.

Họ tận tình chăm sóc ba tôi, ông già nâng người ba dậy cho cô con gái đút từng muỗng thuốc. Ba cảm nhận được đôi bàn tay dịu dàng, mát rượi của cô gái. Cô chắc chỉ tầm mười tám đôi mươi. Đôi mắt to tròn, đen láy.

Cô ngồi cạnh ông hàng giờ, không nói gì, ánh mắt dịu dàng như vuốt ve đôi bàn tay mảnh khảnh của ông. Ba phải lòng ánh mắt cùng sự chăm sóc tận tình ấy. Ở cái thời sống chết chỉ trong gang tấc, tình yêu của những kẻ đôi mươi cũng vội vã, như thể ngày mai sẽ chẳng còn cơ hội sống và yêu. Vào một chiều mưa rả rích, khi cha cô gái đã ra ngoài tìm hái thuốc, họ đến bên nhau, xé tan những ngại ngùng.

Nhưng ba nhận ra thứ tình yêu nông nổi ấy có thể sẽ chỉ làm khổ nhau. Khi vết thương trên bụng chớm lành cũng là lúc ông biết sắp phải tìm về đơn vị.

Hôm ấy, ba bảo cô dạy mình một câu bằng tiếng Khơ-me: “Anh sẽ tìm em”. “Khờ nhom nâng sai rót niêng” - vừa trả lời ba, nụ cười trên môi cô chợt vụt tắt, có lẽ vì âm thầm nhận ra, câu hẹn ấy lại chính là lời từ biệt. Ba tôi ra đi, tặng cô tấm ảnh duy nhất có ghi họ tên và đơn vị mình, thì thầm vào tai cô gái “Khờ nhom nâng sai rót niêng” mà không biết mình đã để lại một giọt máu nơi này.

Xuất ngũ, ba theo gia đình vào Nam đi kinh tế mới. Cuộc sống vất vả mãi đến bốn mươi tuổi mới tạm gọi là an cư lạc nghiệp. Lúc này, ông mới nghĩ đến chuyện quay lại Campuchia tìm người thương bằng ký ức vốn đã bị thời gian phủ mờ.

Ngôi nhà vách nứa nằm bơ vơ trên đồi hồi ấy đã được thay thế bằng chục nóc nhà mái ngói đỏ tươi. Ông ú ớ thứ tiếng Khơ-me học vội để hỏi thăm về cô, đáp lại chỉ là những cái lắc đầu. Ba đâu biết rằng, sau khi cha mất, cô đã chuyển về sống ở thị trấn nhỏ - nơi chỉ cách bản làng cũ vài trăm dặm.

Nghĩ cô gái đã chồng con đùm đề, ba quay về, tặc lưỡi thôi mình cũng yên bề gia thất. Ông được mai mối đến với má tôi. Ba má chật vật mãi mới sinh ra tôi. Lúc tôi lên năm thì má mất. Ba tôi một mình gà trống nuôi con. Tôi chưa từng nghe ba than vãn điều gì dù biết rằng cuộc sống hai ba con lúc nào cũng sát rạt chuyện cơm áo.

Hôm đến thăm nhà, ông Trung đội trưởng kể lại lần về thăm chiến trường xưa tìm mộ đồng đội. Một lần dừng chân nghỉ ngơi ở quán nước ven đường, chủ quán là người mẹ mái tóc đã bạc như sương cùng cô con gái tầm bốn mươi tuổi thấy ông mặc bộ quần áo bộ đội màu xanh nên mon men hỏi han. Họ nói tiếng Việt khá sõi. Bà lấy ra một tấm ảnh, hỏi thủ trưởng có biết người này không. Nhìn tấm ảnh, ông giật mình, trời đất, sao cô có tấm ảnh của thằng Tường?

Nghe vậy, người phụ nữ không kiềm chế được cảm xúc, bà hỏi dồn dập về tung tích của ba. Lúc ấy ông Trung đội trưởng cũng không biết thông tin về ba, mãi cho đến khi gặp ông Thắng bảo vệ bệnh viện tỉnh. Cuộc gặp tình cờ kết nối lại những mối quan hệ đã ngắt quãng mấy mươi năm trời. “Ông Trung đội trưởng có ghi lại địa chỉ của hai mẹ con họ. Ba cất tờ giấy đó kỹ lắm, nhưng cất ở đâu thì không nhớ” - ba ngồi ôm gối, vò đầu bứt tai tự trách mình.

Trong một buổi sáng, tôi bị bội thực thông tin. Câu chuyện của ba có sức nặng khủng khiếp đè lên tâm trí, không phán xét và cũng chưa thể thấu hiểu. Lý trí tôi phản kháng bằng cách né tránh, như chưa nghe thấy điều gì. Tôi cứ bình thản với ba như trước, trong ánh mắt buồn buồn, có phần thất vọng của ông.

Một chiều, mấy ông bạn già của ba đến chơi. Họ quây quần bên ấm trà nóng và bàn cờ tướng quen thuộc. Nhưng chỉ một lúc, tôi đã nghe tiếng lạch cạch của bàn cờ gỗ và những quân cờ rớt xuống đất lộp độp. Tiếng ba đuổi mấy ông bạn già ra về: “Tui quân đỏ mà. Mấy ông ăn gian”. Tôi từ trong nhà nhào ra, đã thấy ba ngồi khóc mếu máo như một đứa trẻ: “Ba đang đánh quân đỏ mà mấy ổng kêu ba đánh quân xanh, ăn gian, nghỉ chơi”.

Tôi nhận ra căn bệnh đãng trí của ba đã trở nặng, chợt nghe tim thắt lại, xót xa. Một nỗi sợ dâng lên trong lòng, biết đâu ngày mai, ba quên cả tên tôi, quên cả việc mình có một đứa con cần tìm về. Tôi mở chiếc ba lô con cóc cũ của ba - nơi ba thường cất những vật quý giá, y như dự đoán, một mảnh giấy gấp tư để trong đó, ghi địa chỉ ở Campuchia.

Trong thâm tâm, tôi quyết ngày mai sẽ cùng ba lên đường thực hiện tâm nguyện có thể là cuối đời của ông. Ba nhìn tờ giấy, ánh mắt ngơ ngẩn không hiểu ý nghĩa những dòng chữ trong đó. Nhưng khi nghe tôi nhắc đến chuyến đi Campuchia, tận sâu trong đáy mắt ông, một hạt lệ như sương. Ông nhìn vào khoảng không trước mặt, thì thầm: “Khờ nhom nâng sai rót niêng”.

Ngoài sân, ánh nắng cuối ngày nhạt nhòa rơi trên những phiến lá, tôi vô thức đong đếm từng giọt nắng đang cạn dần. Có lẽ cũng như ba, tôi mong đến ngày mai.

Theo Khương Quỳnh (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Mùa nấm mối

Mùa nấm mối

(GLO)- Đã 3 mùa mưa qua, khu vườn nhà tôi đều xuất hiện nấm mối. Những búp nấm nhú lên mặt lá ủ sau một thời gian dài ủ meo mầm, khi gặp cơn mưa đầu mùa rồi nắng lên vài hôm, có cơn mưa tiếp theo là những tai nấm mối thân trắng, núm đầu dù màu xám đội lên từng khóm.

Dã quỳ trong sương đêm

Dã quỳ trong sương đêm

(GLO)- Dã quỳ là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, kiêu hãnh. Khi gợi nhắc sắc hoa màu nhớ, người ta thường nghĩ đến màu vàng rực rỡ trong nắng ban mai, trong buổi bình minh hé giấc hay rực ấm lúc chiều tà.

Thương hoài bếp lửa

Thương hoài bếp lửa

(GLO)- Ở quê, mẹ tôi vẫn dùng bếp củi. Mỗi lần về quê, tôi rất thích ngồi bên bếp lửa ấy, thi thoảng lại dụi đầu vào vai mẹ. Ngọn lửa tí tách reo vui gọi về trong tôi biết bao kỷ niệm ấu thơ.

Thân Thương loài hoa của núi - Dã quỳ

Thân thương loài hoa của núi

(GLO)- Khi những cơn mưa cuối mùa khép lại báo hiệu mùa khô Tây Nguyên đã đến, những dải hoa dã quỳ (còn có tên cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại,…) bắt đầu vươn mình khoe sắc. Những đóa hoa dã quỳ nhỏ bé, tràn đầy năng lượng và sức sống, tạo nên những dải sóng đồi vàng rực, mê hoặc lòng người.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nhớ mùa cà phê

(GLO)- Lâu lắm rồi, tôi mới có 1 ngày nghỉ rớt vào giữa tuần. Vui vẻ tận hưởng ngày nghỉ đột xuất cũng là một cách để hưởng thụ cuộc sống. Tôi lấy điện thoại ra gọi bạn. Sau một hồi chuông dài, tôi nghe tiếng bạn giữa vô số thanh âm ồn ào. Bạn nói đang bận hái cà phê.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn quê giữa phố

(GLO)- Chẳng biết chủ vườn là ai nhưng tự nhiên lại thấy mến khi họ đã mang chút hương đồng gió nội vào chốn phố xá chật chội. Vườn có rau cải ngồng, diếp cá, rau lang, chuối xanh... Bao nhiêu món rau quê cứ thế bày biện.

Bạn đã bao giờ đứng trên đồi thông Ia Dêr của huyện Ia Grai nhìn về phố núi Pleiku để quan sát những biến ảo của thiên nhiên, sự vật, con người?

Khúc ca trên đồi

(GLO)- Bạn đã bao giờ đứng trên đồi thông Ia Dêr của huyện Ia Grai nhìn về phố núi Pleiku để quan sát những biến ảo của thiên nhiên, sự vật, con người?

Thạch sương sâm - Món quà ký ức

Thạch sương sâm - Món quà ký ức

(GLO)- Khu chợ Bà Định (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đông đúc kẻ bán người mua với đủ thực phẩm tươi rói vào sáng sớm. Vậy nhưng, hàng thạch sương sâm của bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại 34/25 Hoàng Sa, TP. Pleiku) luôn có sức hút đặc biệt. Dù nắng hay mưa, hàng của bà luôn bán hết trước 8-9 giờ sáng.

Gửi lại trên đồi

Gửi lại trên đồi

(GLO)- Đôi khi, một chuyến đi xa chỉ chừng mấy mươi cây số cũng đủ khiến chúng ta bước ra khỏi cái vòng quẩn quanh thường nhật, thu lấy một ít năng lượng mới trước khi mình bị “mòn” đi bởi những trật tự cũ càng.

Chênh chao mùa về

Chênh chao mùa về

(GLO)- Những ngày này, mưa dường như đã ngừng rơi. Khoảng mênh mông bao la chờn vờn mây trắng bỗng trở thành phông nền cho bức tranh thiên nhiên vời vợi nắng. Gió cũng đã thao thiết trở mùa.

Chiếc áo ấm cũ

Chiếc áo ấm cũ

Mấy ngày nay trời trở lạnh. Mẹ lúi húi dọn tủ đồ, rồi lấy ra chiếc áo len đã cũ, phần ống tay đen nhẻm, lại còn bị bung chỉ một đoạn. Thay vì bỏ đi, mẹ vuốt ve rồi lấy kim chỉ ra khâu khâu vá vá.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thương những tàn phai

(GLO)- Giao mùa, khi làn gió mang hơi lạnh ào qua, những chiếc lá khô bứt khỏi cành rơi lả tả. Một chiếc lá rơi, một cánh hoa tàn, một buổi chiều nhạt nắng tạo nên khung cảnh tịch liêu với vẻ đẹp rất riêng. Có người bảo đó là cái đẹp của sự tàn phai.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đồ cũ

(GLO)- Có lẽ thuộc tuýp người hoài cổ nên tôi thường tiếc nuối những điều thuộc về xưa cũ. Đôi khi, không hẳn là những khắc khoải mơ hồ mà ám ảnh tôi bằng cả một vùng ký ức ắp đầy nhớ thương day dứt. Một ngày bất giác chạm vào, lòng lại chênh chao nhớ người, nhớ về một thời gian khó ngày xưa.

Bước chạy trong mây

Bước chạy trong mây

Một cuốc chạy bộ ngẫu hứng, từ bờ biển Mân Thái lên đỉnh Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) cho tôi vỡ ra nhiều điều. Tôi tự nhủ mình đang có những bước chạy trong mây...

Minh họa: HUYỀN TRANG

Hoài niệm thư tay

(GLO)- Khi ngồi bên hiên nhà cùng cơn mưa cuối mùa, tôi lại nhớ về những người bạn thân từ thuở nhỏ. Đã mấy lần cầm điện thoại, định gọi hoặc nhắn tin trong nhóm, nhưng rồi lại thôi.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bữa cơm ngoài đồng

(GLO)- Tôi sinh ra từ làng, lớn lên cùng cánh đồng mỗi năm 2 vụ chính. Thuở ấu thơ, tôi và cánh đồng cùng đi qua những mùa mưa nắng, cùng đằm vị mồ hôi chát mặn của cha mẹ và niềm vui lan tỏa của những bữa cơm ngoài đồng.