Kỳ lạ rừng nghiến Đông Đằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi nhiều đại ngàn ở Lạng Sơn bị lâm tặc tấn công, “chảy máu” thì ngay ven làng người Tày ở huyện Bắc Sơn vẫn tồn tại một cánh rừng gỗ nghiến nguyên sinh rộng trên 13ha. Rừng được bảo vệ, phát triển bởi người dân khu căn cứ cách mạng thủy chung, son sắt với rừng.
 
Bảo tồn rừng nguyên sinh ở Bắc Sơn Ảnh: Doãn Tuấn
Trong nắng hanh vàng chớm xuân Canh Tý, chúng tôi ngược đường 1B xuôi về thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn. Thôn cách trung tâm huyện Bắc Sơn chừng 3 km,  bao bọc bởi trùng điệp núi, đồi và cùng những cánh đồng trải dài típ tắp.
Nghe rồi nhưng vẫn không tin bởi rừng gỗ nghiến nguyên sinh rộng ngần ấy hecta, vô giá mà vẫn còn nguyên vẹn hàng trăm năm. Ông Dương Công Khoa, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn chỉ cho tôi thấy một quả núi sừng sững trước mặt rồi nói: “Anh có thể đến tận nơi mục sở thị. Vàng đá không quý bằng lòng tin và trái tim của dân quê hương chúng tôi”.
 
Cây cổ thụ bỗng xuất hiện 2 nhánh xoắn vào nhau, cắm sâu lòng đất khu rừng thiêng Đông Đằng Ảnh: Duy Chiến
Hương ước giữ rừng 
Thôn Đông Đằng bình dị như bao bản làng của huyện Bắc Sơn với những ngôi nhà sàn truyền thống cổ kính. Sát rìa thôn có dãy núi đá, trên đó là khối tài sản vô giá của thiên nhiên được người dân dân lặng lẽ bảo vệ. Trên 13 ha rừng cây gỗ nghiến nguyên sinh (loài cây gỗ quý thuộc nhóm 1) với hàng trăm cá thể, đường kính hơn 2m được bảo vệ từ đời này sang đời khác.
Dẫn chúng tôi lên núi, anh Dương Hữu Chung, 29 tuổi, Trưởng thôn Đông Đằng  cho biết: Thôn có 139 hộ, 629 khẩu, đại đa số là họ Dương, người dân tộc Tày quần cư quanh dãy núi đá vôi Bắc Sơn. “Thực ra, rừng nghiến này có từ hàng thế kỷ qua. Hương ước được người dân cùng soạn thảo, cam kết thực hiện. Theo đó, nghiêm cấm việc vào rừng chặt phá.
Kể cả cây ngã đổ cũng không được khai thác. Ai cũng nghiêm cẩn thuộc lòng quy định: Khi xâm hại rừng lần một đưa ra kiểm điểm trước toàn dân, tái phạm lần hai bị phạt 500 đồng bạc, ghi vào “sổ làng”. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị đuổi ra khỏi “phe làng, hội hiếu”. Anh Chung lý giải.
Theo anh Chung, khoảng năm 2012, có một người ở huyện khác đi lấy cây trầm hương lạc vào rừng nghiến. Một hồi ngó nghiêng rồi người đó định dùng dao chặt một cây. Ngay lập tức “đội canh rừng” thôn Đông Đằng xuất hiện tịch thu phương tiện, lập biên bản. Tại buổi họp thôn, người vi phạm đã xin lỗi, cam kết không động đến khu rừng nghiến nữa.
Anh trưởng thôn trẻ tuổi dẫn tôi men theo con đường đất đỏ, hai bên có những hàng cây xanh tốt. Tất cả các cây đều đánh số ở gốc. Trong tổng số 250 cây các loại như: lý, chá, vải rừng được trồng xen kẽ phần lớn là cây nghiến có đường kính lớn nhất gần 2,5m. “Chúng tôi thành lập tổ, đội hàng ngày đi tuần rừng. Cứ 2, 3 ngày lại tổ chức kiểm đếm số cây nghiến một lần. Bên cạnh đó còn có “lực lượng phản ứng nhanh” bao gồm cán bộ thôn, đoàn thanh niên, dân quân sẵn sàng ứng phó với hỏa hoạn, “lâm tặc” hoặc xói lở, đá lăn”. Anh Chung hào hứng cho biết.
Rừng thiêng
Ngoài duy trì nguồn nước và giữ cho đá không lăn xuống làng, còn lý do nữa để người dân Đông Đằng bảo vệ thành công khu rừng nghiến quý chính là yếu tố tâm linh.
Tương truyền ở khu rừng này có 3 vị thần ngự trị là thần Ông Đuôi, thần Ông Voi và thần Bó Bá Mò bảo vệ dân làng. Thế nên, tương truyền nếu chặt cây, sẽ làm kinh động đến các vị thần. Và đến nay, tại khu rừng vẫn còn dấu tích của việc thờ cúng các vị này. 
Già làng và trưởng thôn dẫn chúng tôi đến một hòn đá tảng rêu phong còn hằn lên chữ Nho và một bát hương bằng đá dưới tán cây đa cổ thụ. Cụ Dương Thời Mãn, 78 tuổi cho biết: Cây đa đã có “độ tuổi” trên 100 năm, gắn liền với miếu cúng thần Hoàng làng. Ngay cửa rừng gỗ nghiến, người địa phương thờ thần Ông Đuôi. Đối diện là quả núi khá lớn trên đó chênh vênh một tảng đá to hơn gần mét khối nhưng rỗng ruột, truyền thuyết gọi là “Ông Voi”.
Hai ông thần luôn phù hộ cho người Tày ở Đông Đằng mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. “Cách đây gần một thế kỷ, khi dựng miếu thiêng để cúng thần rừng Đán Khao (vách đá trắng), trời trở nên tươi hồng, rực rỡ. Cây đa bỗng rủ 2 nhánh bện xoắn vào nhau và cắm đúng vào vị trí đặt miếu thờ. Sau đó, trời đổ mưa như trút. Dân làng bảo nhau góp xôi thịt cúng tiến, làm lễ cầu an mấy đêm ngày liền”. Cụ Mãn nhớ lại và kể.
 
Bắc Sơn là một thung lũng yên bình, trù phú Ảnh: Doãn Tuấn
Trưởng thôn Dương Hữu Chung góp thêm câu chuyện: Khoảng vài năm trước, đoàn làm phim truyện “Rừng thiêng” do đạo diễn Phạm Lộc và Trần Đức Long chỉ huy đã tiến hành một số cảnh quay tại khu rừng nghiến Đông Đằng chừng 1 tháng. Họ sắp mâm lễ rồi lấy vài cành cây khô đốt bó hương to. Thấy vậy, người dân làng vội đến can ngăn vì đã xâm phạm vào nội quy bảo vệ rừng. Các bên đang bàn thảo, tìm cách khắc phục, bỗng nhiên trời nổi cơn gió lớn làm các đạo cụ bay tứ phương. “Thần rừng lên tiếng đấy. Con người phải chung tay, giúp sức để gìn giữ màu xanh của quê hương, đất nước. Không thể lấy một nhành cây khô ở nơi này được”. Anh Chung thuật lại.
Đứng trên đỉnh núi nhìn về những xóm làng đang tỏa khói lam chiều thật yên bình. Tôi lại nhìn những cây thuộc hàng “tứ thiết” cắm xuống mảnh đất cách mạng, vươn lên mạnh mẽ. Trong tai văng vẳng câu nói của Bí thư đảng ủy xã Bắc Sơn Dương Công Khoa: “Có lẽ ít ai nghĩ rằng rừng cây quý hiếm như vậy còn tồn tại ngay tại nơi dễ khai thác nhất. Thế nhưng đó lại là sự thật, minh chứng cho ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường của cộng đồng nhân dân. Cánh rừng trăm tuổi vẫn xanh thẫm màu lá nghiến oai hùng!”. 
Năm 2018, khu rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng đã được công nhận là khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bắc Sơn được quy hoạch, bảo vệ. Theo đó, khu rừng quý này được lập dự án, hỗ trợ kinh phí bảo vệ hàng năm.
Xứ Lạng, cuối tháng 12 năm 2019  
 
Nơi cúng thờ thần Hoàng làng gìn giữ khu rừng nghiến nguyên sinh Ảnh: Duy Chiến
Nguyễn Duy Chiến (TP)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.