(GLO)- Sáng 9-12, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại tổ. Đại biểu đã chia thành 5 tổ, tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trọng tâm vào các báo cáo, tờ trình.
Quang cảnh thảo luận tại tổ 2. Ảnh: Tấn Thi |
Đề cập đến những vấn đề nổi cộm
Trong không khí thảo luận sôi nổi, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ; đồng thời đánh giá cao hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh trong năm 2021. Các đại biểu cho rằng, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, song không thể phủ nhận bức tranh kinh tế-xã hội toàn tỉnh năm nay có nhiều điểm sáng; các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.
Bên cạnh đó, một số vấn đề nổi cộm còn tồn tại cũng được đại biểu thẳng thắn nhìn nhận trong phiên thảo luận tại tổ. Vấn đề được các đại biểu quan tâm và đề cập nhiều là tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội và đời sống, sản xuất của người dân. “Trong năm qua, tình hình tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại cây ăn quả. Điển hình như quả bơ, có thời điểm không tiêu thụ được, giá chỉ 2.000 đồng/kg nhưng chẳng ai mua; người dân chỉ biết để quả rụng đầy gốc. Trong khi đó, giá phân bón tăng gấp đôi so với năm 2020, đơn cử giá 1 bao phân Ure đã tăng từ gần 500 ngàn đồng lên 1,08 triệu đồng. Điều này khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn”-đại biểu Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông-nêu thực trạng.
Một số vấn đề nổi cộm được đại biểu Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông nêu ra tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Tấn Thi |
Hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất tỉnh cần bổ sung nguồn nhân lực cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y tế. Đại biểu Phan Văn Trung-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro-nhìn nhận: Hiện nay, nguồn nhân lực cho công tác phòng-chống dịch ở các địa phương đang rất thiếu. Áp lực công việc lớn trong khi mức lương lại khá thấp khiến không ít người có sự dao động về tư tưởng. Vì vậy, đề nghị tỉnh sớm nghiên cứu để tuyển dụng viên chức bổ sung nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn bày tỏ sự quan ngại trước tình hình gia tăng các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh trong năm 2021. Đại biểu Huỳnh Minh Thuận-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Pưh-nêu ý kiến: “Theo báo cáo của UBND tỉnh, mặc dù tội phạm hình sự được kiềm chế, kéo giảm, nhưng một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng và diễn biến khó lường. Cụ thể, tội phạm giết người tăng 31,82% số vụ; cố ý gây thương tích tăng 16,67% số vụ; sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 10,5% số vụ. Thêm vào đó, tình trạng thanh thiếu-niên sử dụng ma túy tổng hợp tại quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ xảy ra tại nhiều địa phương. Đây là những con số rất quan ngại và đáng báo động. Vì vậy, tôi đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phòng ngừa, ngăn chặn nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân”.
Đại biểu Huỳnh Minh Thuận-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Pưh bày tỏ sự quan ngại trước sự gia tăng của một số loại tội phạm trong năm 2021. Ảnh: Tấn Thi |
Trên cơ sở nghiên cứu kết quả đạt được và qua quá trình giám sát thực tế, đại biểu Vũ Thị Thu-Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh cần tăng cường công tác quản lý giáo viên, bố trí và sử dụng giáo viên hợp lý để giải quyết bài toán về thừa-thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, kể cả vấn đề biệt phái giáo viên ở vùng thuận lợi đến công tác tại các trường vùng khó.
Liên quan đến lĩnh vực báo chí-tuyên truyền, đại biểu Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh-cho rằng: Những năm qua, Báo Gia Lai cùng các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, Hội Nhà báo tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quan tâm, kết nối với đội ngũ làm báo trên địa bàn nhằm tạo tiếng nói đồng bộ với tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, kinh phí hàng năm tỉnh cấp cho Hội để hoạt động còn hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, đề nghị tỉnh quan tâm cấp bổ sung kinh phí để Hội Nhà báo thực hiện nhiệm vụ được giao, nhằm góp phần cùng các cơ quan báo chí xây dựng, quảng bá hình ảnh cho tỉnh, các ngành, địa phương và thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển.
Đại biểu Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đề nghị tỉnh quan tâm bổ sung kinh phí hoạt động cho Hội Nhà báo tỉnh. Ảnh: Tấn Thi |
Một số đại biểu cũng đề xuất tỉnh làm rõ một số chỉ tiêu về tốc độ tăng giá trị sản xuất, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2021 để có tính thuyết phục cao; giải quyết việc làm cho lao động là người trở về từ vùng dịch; đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và giống cây trồng, vật nuôi…
Tích cực góp ý vào các dự thảo nghị quyết
Trên cơ sở gợi ý thảo luận của Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu đã dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Hầu hết đại biểu xác định đây là những vấn đề có ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng, tổng quát trên mọi lĩnh vực và sẽ áp dụng, thực hiện xuyên suốt giai đoạn 2021-2025; góp phần tác động tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đại biểu Vũ Thị Thu-Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Tấn Thi |
Đối với dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương cho thời kỳ 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (Tờ trình số 1869/TTr-UBND ngày 18-11-2021 của UBND tỉnh), nhiều đại biểu cho rằng, cần có những điều chỉnh trong phân cấp dự toán thu, chi và làm rõ một số vấn đề trong phân khai dự toán năm 2022 và cho cả giai đoạn 2022-2025 để đảm bảo hoạt động của các địa phương. Đại biểu Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh-nêu ý kiến: Các dự án phát triển quỹ đất, kêu gọi đầu tư của tỉnh chủ yếu trên địa bàn TP. Pleiku. Công tác quy hoạch, thẩm định giá đất... đều do thành phố thực hiện nhưng tỉnh lại thu 100%. Điều này sẽ gây khó khăn cho cho địa phương. Nhằm tạo điều kiện để thành phố phát triển xứng tầm đô thị loại 1, đề nghị đối với các dự án do ngân sách cấp tỉnh đầu tư thực hiện và thu tiền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế do UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, ngân sách tỉnh hưởng 80%, TP. Pleiku hưởng 20%. Còn đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước nộp tiền của các tổ chức do Cục Thuế tỉnh quản lý trực tiếp người nộp thuế thì đề nghị ngân sách tỉnh hưởng 60%, ngân sách thành phố hưởng 40%.
Đại biểu Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cũng đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Nghị quyết phân bổ dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022 (Tờ trình số 1861/TTr-UBND ngày 18-11-2021 của UBND tỉnh). Theo đó, đại biểu Nguyễn Đình Phương cho rằng, vấn đề cần quan tâm đó là khoảng kinh phí hỗ trợ cho dân quân thường trực và cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, làng, tổ dân phố không có trong dự toán; do vậy đề nghị UBND tỉnh tính toán để bố trí chi 2 khoản này khoảng 300 tỷ đồng. Riêng đối với kế hoạch đầu tư công, đại biểu Nguyễn Đình Phương đặt vấn đề: Theo quy định của Luật Đầu tư công thì các dự án đủ điều kiện để bố trí vốn trong năm 2022 phải có quyết định phê duyệt dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 15 dự án đủ điều kiện bố trí vốn, còn lại 16 dự án chưa đủ điều kiện. Nếu không đủ điều kiện thì không thể bố trí vốn, dẫn đến nguồn vốn bị dôi dư. Trong khi đó, chúng ta buộc phải phân bổ ngân sách, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm chi cho đầu tư và tăng chi thường xuyên.
Đại biểu Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh tham gia phát biểu tại tổ. Ảnh: Tấn Thi |
Dự thảo Nghị quyết về việc Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2022 (Tờ trình số 1841/TTr-UBND ngày 17-11-2021 của UBND tỉnh) cũng nhận được sự quan tâm góp ý của các tổ đại biểu. Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Vũ Thị Thu đề nghị HĐND tỉnh xem xét giữ nguyên mức hỗ trợ đóng BHYT 30% như trước đây (thay vì giảm còn 20% như trong dự thảo nghị quyết) đối với 2 nhóm đối tượng gồm: người thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ cơ bản khác (không thiếu hụt BHYT) và người thuộc hộ cận nghèo (quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua và tham gia BHYT; góp phần đạt mục tiêu đến 2025, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh đạt 95% và tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia BHYT đạt 98%.
Ngoài ra, giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19; việc đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2022; chỉ tiêu giảm nghèo; đào tạo, giải quyết việc làm năm 2022 và nhiều vấn đề, nội dung quan trọng khác… cũng được bàn thảo sôi nổi tại phiên thảo luận tổ.
Chiều ngày 9-12, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XII tiếp tục phiên thảo luận tại tổ. Báo Gia Lai điện tử sẽ thông tin diễn biến đến bạn đọc.
HỒNG THI - QUANG TẤN