(GLO)- Sáng 17-6, sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) đã thảo luận và thống nhất thông qua 83 nghị quyết về chủ trương đầu tư của 82 dự án, nghị quyết cho ý kiến về kế hoạch và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh (lần thứ 2).
Chủ trì kỳ họp gồm các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun HBút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Thảo luận nhiều dự án quan trọng
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh đã tập trung xem xét, quyết định chủ trương đầu tư của 83 dự án do UBND tỉnh trình. Đây là các dự án rất quan trọng, một số dự án sẽ là điểm nhấn, công trình trọng điểm, quan trọng để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh, nhiều dự án có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn gợi ý nội dung để các đại biểu tham gia thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: Minh Nguyễn |
Liên quan đến việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nhà hát, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và thư viện tổng hợp tỉnh, đại biểu Trần Ngọc Nhung-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho rằng: Trong tổng thể mặt bằng có gửi qua Ban Kinh tế-Ngân sách, bản vẽ mặt bằng sơ bộ vì dự án này còn phải thi tuyển thiết kế và nhiều vấn đề liên quan khác. “Về cơ bản, tôi đề nghị các đại biểu thống nhất để HĐND tỉnh cho chủ trương, tiếp đến, trong quá trình triển khai UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Hiện tại, vị trí khu đất xây dựng này thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên (cũ). Đây chưa phải là đất của tỉnh nên chúng ta không thể lấy đất của người khác để đưa vào quy hoạch, phải lấy đất trước mới bổ sung quy hoạch sau”-ông Nhung cho biết.
Trong khi đó, ông Đỗ Việt Hưng-Giám đốc Sở Xây dựng-cho hay: Trong quy hoạch chung của TP. Pleiku đã thể hiện khu vực này là quỹ đất dành cho xây dựng công trình văn hóa. Do vậy, vị trí xây dựng dự án phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt. “Với quy mô diện tích tích gần 7.800 m2, chúng ta có quỹ đất phù hợp để xây dựng công trình này theo đúng quy chuẩn, đồng thời, có thể nghiên cứu hướng mở rộng diện tích xây dựng các hạng mục phụ trợ khác từ diện tích khác”-ông Hưng nêu quan điểm.
Nhiều đại biểu cũng thảo luận nội dung liên quan đến việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo nút giao thông Phù Đổng (TP. Pleiku), bởi đây là công trình tạo điểm nhấn về mỹ quan cho khu vực cửa ngõ thành phố. Đại biểu Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku-đề xuất HĐND tỉnh cân nhắc giao cơ quan, đơn vị phù hợp chủ trì, thành phố sẽ phối hợp triển khai thực hiện dự án. Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, Bí thư Thành ủy Pleiku cho biết: “Ngoài một phần diện tích do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên và doanh nghiệp quản lý thì còn có 32 hộ dân sử dụng diện tích ở khu vực này. Trong đó, 16 hộ trong khu tập thể Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên thuộc diện hỗ trợ, di dời; còn 16 hộ phải thực hiện di dời, bồi thường và bố trí tái định cư nên số tiền bồi thường rất lớn”.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định: Đây là công trình quan trọng, cửa ngõ của tỉnh, của TP. Pleiku và là điểm kết nối giao thông quan trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành ở Trung ương. Do đó, UBND tỉnh mới giao Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, còn việc giải phóng mặt bằng thì do địa phương chịu trách nhiệm. “Giao cho đúng người, đúng việc, đúng chức năng cho các cơ quan thì mới phát huy trách nhiệm của mình để làm sao biến nơi này thành trục cảnh quan đẹp nhất khi vào thành phố”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.
Thông qua các nghị quyết
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận các dự án liên quan đến việc xây dựng trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku, Trung tâm Y tế huyện Kbang; đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; dự án đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm và năng lực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ trước khi HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết.
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua 83 nghị quyết quan trọng. Ảnh: Minh Nguyễn |
Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa XI đã thống nhất thông qua 83 nghị quyết về chủ trương đầu tư của 82 dự án và nghị quyết cho ý kiến về kế hoạch và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Gia Lai (lần thứ 2). Riêng đối với dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đề nghị UBND tỉnh giao cho UBND thành phố thực hiện các thủ tục theo quy định để phê duyệt dự án.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn đề nghị: Sau kỳ họp này, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp hoàn thiện dự kiến kế hoạch báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đúng quy định; tiếp tục rà soát, điều chỉnh sau khi có ý kiến của các cơ quan Trung ương, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định để kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đảm bảo tính thực thi và đạt hiệu quả cao nhất. “Đối với các đơn vị được giao là cơ quan quản lý dự án, chủ đầu tư cần sớm khởi động những công việc cần làm, nhất là các dự án sẽ được khởi công trong năm 2022, dự án có hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, dự án và công trình có tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân cần phải lấy ý kiến tham gia của người dân để đảm bảo sự đồng thuận trước khi triển khai thực hiện”-Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Đối với dự thảo nghị quyết cho ý kiến về kế hoạch và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh (lần thứ 2), HĐND tỉnh thống nhất thông qua kế hoạch và phương án phân bổ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh (lần thứ nhất) với tổng vốn dự kiến trên 18.259 tỷ đồng (chưa bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án ODA khởi công mới). Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương trên 6.218 tỷ đồng. |
MINH NGUYỄN