Kỳ 1: Ước nguyện của người vợ liệt sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ cuối năm 2016 đến nay, Gia Lai đã huy động trên 70 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.248 căn nhà cho người có công còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Chương trình góp phần chia sẻ khó khăn, nhân lên niềm vui cho các gia đình chính sách, người có công.


Bước vào tuổi 81, bà Thẩm Thị Nhéo (vợ liệt sĩ, cư trú tại thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) mắt đã mờ, tóc đã bạc nhưng vẫn ở trong căn nhà xập xệ, mưa tạt, gió lùa. Ước mong lớn nhất của bà là xây được căn nhà kiên cố để thờ chồng-liệt sĩ Triệu Văn Âm, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Mong được thờ chồng trong căn nhà kiên cố

Liệt sĩ Triệu Văn Âm hy sinh ở mặt trận phía Nam năm 1967, để lại người vợ trẻ cùng 2 người con. Năm ấy, bà Nhéo mới ngoài 30 tuổi. Chồng hy sinh, bà ở vậy nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Năm 2004, ở Cao Bằng khó khăn, bà Nhéo theo con trai vào sinh sống tại huyện Phú Thiện. Tuy nhiên, gia đình người con trai sống bằng nghề nông nên cuộc sống còn khó khăn. Căn nhà được làm tạm bằng những viên gạch chưa tô, mái lợp ngói, do sử dụng lâu năm nên đã hư hỏng nặng mà chưa có điều kiện sửa lại. Nơi thờ cúng người chồng cũng chỉ được kê tạm bằng chiếc bàn cũ kỹ.


 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ phải sang) thăm gia đình bà Thẩm Thị Nhéo.                                                  Ảnh. Đ.Y
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ phải sang) thăm gia đình bà Thẩm Thị Nhéo. Ảnh. Đ.Y

Bà Nhéo ngậm ngùi kể: “Lấy nhau được 6 năm, sinh được 2 người con thì ông ấy hy sinh. Ngày nhận giấy báo tử của chồng, tôi không dám tin là sự thật, ngày nào tôi cũng khóc. Ngày đó đói lắm, tôi lo không biết sẽ sống và nuôi con như thế nào. Nhìn đi ngoảnh lại cũng đã 50 năm, giờ tôi cũng lại sắp về với tổ tiên rồi”.

Cách đây 1 năm, khi được cùng đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang về thăm, tặng quà gia đình bà Thẩm Thị Nhéo nhân kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), chúng tôi nhớ mãi hình ảnh bà Nhéo vội vàng dọn lại những thứ lỉnh kỉnh hứng nước mưa trong nhà để có chỗ cho khách ngồi. Tâm sự với Bí thư Tỉnh ủy, bà Nhéo rưng rưng: “Căn nhà này được dựng tạm bằng gạch từ lâu. Do không có tiền sửa chữa nên mưa là dột”.

 Lúc chia tay, bà Nhéo nắm chặt tay Bí thư Tỉnh ủy và nói: Bà cần một ít tiền để xây lại căn nhà làm nơi thờ tổ tiên và thờ người chồng liệt sĩ, chứ căn nhà này giờ xuống cấp lắm rồi.

Việc làm đậm tính nhân văn

Ước mong của bà Nhéo cũng chính là niềm mong mỏi của các gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Nắm bắt được nguyện vọng chính đáng này, tỉnh quyết tâm giải quyết xong nhà tạm cho người có công vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2017). Theo đó,  ngày 2-8-2016, UBND tỉnh có Công văn số 3537/UBND-KGVX về việc xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Đến ngày 4-10-2016, UBND tỉnh có Công văn số 4576/UBND-KGVX chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương hoàn thành việc rà soát để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công. Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các cơ quan, ban, ngành, địa phương gấp rút rà soát lại tất cả  những gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở.

Ông Nguyễn Thành Huế-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chia sẻ: “Khi nhận được chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công, Sở đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan, huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát 2 lần. Lần đầu danh sách lên đến gần 2.000 hộ cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Lần 2 rà soát lại những hộ cần thiết phải hỗ trợ ngay để làm mới, sửa chữa hoàn thành trước dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, danh sách rút lại còn 1.248 hộ. Trong số đó, Kông Chro là huyện có số gia đình người có công cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhiều nhất tỉnh.

 Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Phùng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro, cho biết: “Trong số 1.073 gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện, có 94 hộ gặp khó khăn về nhà ở (chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số). Phần lớn các hộ người có công ở đây rất khó khăn về kinh tế, khả năng huy động kinh phí tự xây mới là rất khó. Trong khi đó, nhiều căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng hoặc không đủ diện tích để các thành viên trong gia đình cùng ở, sinh hoạt. Do vậy, chủ trương của tỉnh về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng là rất kịp thời”.

 Đinh Yến-Phương Linh

 

* Ông TRẦN CAO NGUYÊN-Bí thư Huyện ủy Kông Chro:

Thời gian qua, phong trào xây dựng nhà ở cho các gia đình người có công ở huyện Kông Chro luôn được Huyện ủy quan tâm. Hàng năm, Huyện ủy kêu gọi các cơ quan, ban, ngành, những tấm lòng hảo tâm tham gia đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ đầu năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao UBND huyện tổ chức lễ phát động phong trào “Chung tay xây dựng nhà ở gia đình chính sách” để các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn cùng góp công, góp sức thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước.
* Bà RƠ CHÂM HYÉO-Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh:

Là người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, tôi hiểu rõ hơn ai hết những nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại. Hiện rất nhiều cựu chiến binh còn mang trong mình những vết thương chiến tranh, không còn đủ sức khỏe để vươn lên trong cuộc sống. Vì thế, chủ trương xóa xong nhà tạm cho người có công còn khó khăn về nhà ở là việc làm đậm tính nhân văn, giúp họ có thêm điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống. 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.