Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Ksor H’Hiền sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Mặc dù phải phụ giúp cha mẹ sớm hôm nhưng cô gái với thân hình nhỏ nhắn ấy luôn ham học với ước mơ lớn lên được đứng trên bục giảng, mang lại tri thức cho trẻ em nghèo như mình. Cũng chính mơ ước cháy bỏng ấy mà H’Hiền là người con duy nhất trong nhà được ba mẹ cho học hành đến nơi đến chốn.

bang-tinh-yeu-nghe-men-tre-nen-du-cuoc-song-con-nhieu-kho-khan-nhung-co-ksor-h-hien-van-quyet-tam-gan-bo-voi-su-nghiep-trong-nguoi-anh-vu-chi.jpg
Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Năm 2016, H’Hiền tốt nghiệp hệ trung cấp mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai trong niềm vui, tự hào của cả gia đình. Chị xin dạy hợp đồng tại Trường Mẫu giáo Hoa Sen (nay là Mẫu giáo Tuổi thơ, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa). Tháng lương đầu tiên chỉ được 2,7 triệu đồng nhưng với chị đó là niềm hạnh phúc không gì diễn tả được bởi chị đã hiện thực hóa được ước mơ của mình.

Cùng năm đó, chị lập gia đình và sinh cậu con trai đầu lòng. Tuy nhiên, cũng từ đây, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên cuộc sống gia đình chị. Con trai chào đời, đồng nghĩa với việc chị phải nghỉ sinh ở nhà. Không có lương, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng túng thiếu. Một mình chồng chị bươn chải làm thuê song công việc bấp bênh nên thu nhập chẳng đáng là bao.

Kỳ thi tuyển dụng giáo viên năm ấy chị đã chuẩn bị ôn luyện kỹ càng. Nhưng đúng ngày đi thi, cậu con trai vừa đầy tháng đột nhiên sốt cao, nôn ói. Chị phải đưa con nhập viện điều trị và bỏ lỡ kỳ thi quan trọng. 3 năm sau, chị tiếp tục dự thi nhưng may mắn chưa một lần mỉm cười với chị.

Từ năm 2020, khi Luật Giáo dục mới yêu cầu giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thì cánh cửa biên chế dường như khép lại với chị. Tuy vậy, chị không bỏ cuộc. Bằng tình yêu nghề, mến trẻ chị vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp.

8 năm hợp đồng, chị đã nhận giảng dạy ở nhiều trường mầm non khác nhau tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện. Năm 2024, chị xin dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) với mức lương 4,9 triệu đồng/tháng thay cho 1 giáo viên nghỉ sinh.

“Tháng 4 năm sau, khi giáo viên nghỉ sinh đi làm lại đồng nghĩa với việc tôi sẽ bị cắt hợp đồng và năm học tới không biết có trường nào thiếu giáo viên để xin hợp đồng tiếp hay không. Mọi người đều động viên tôi học liên thông lên đại học để có cơ hội thi biên chế nhưng khoản vay 30 triệu đồng từ ngày sinh viên đến giờ tôi vẫn chưa trả xong thì tiền đâu mà đi học tiếp”-chị H’Hiền trải lòng.

Không có quyền tự quyết công việc cho mình, thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống của gia đình chị H’Hiền bao năm nay không thể thoát khỏi đói nghèo. Căn nhà quây bằng mấy tấm tôn cũ dột nát ba mẹ cho khi ra ở riêng xuống cấp trầm trọng nhưng không có kinh phí sửa chữa, vợ chồng chị đành quay về ở chung với ba mẹ. Nhưng ba mẹ cũng thuộc diện cận nghèo của phường nên chẳng giúp được gì nhiều.

z5995257976307-0b009f10251c2c9bca31110239a766ac.jpg
Thầy Vũ Văn Tùng (thứ 3 từ trái sang, người đại diện Tủ bánh mì 0 đồng) trao bò sinh sản hỗ trợ gia đình cô Ksor H'Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa). Ảnh: Vũ Chi

Để trang trải cuộc sống, sau mỗi giờ lên lớp, chị H’Hiền lại tranh thủ chăm sóc 2 sào rẫy trồng mì, bắp của gia đình hoặc nhận làm cỏ, nhổ mì, cắt lúa khoán cho người làng. Còn chồng chị đi làm phụ hồ, bốc vác, hái cà phê thuê…Vợ chồng cùng động viên nhau cố gắng vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của cô giáo Ksor H’Hiền, sáng 3-11, thầy giáo Vũ Văn Tùng-người đại diện Tủ bánh mì 0 đồng đã trích kinh phí tủ bánh hỗ trợ cô 1 con bò sinh sản trị giá 11 triệu đồng; đồng thời trao 1 triệu đồng tiền mặt do Mạnh Thường Quân ủng hộ giúp gia đình cô vượt qua khó khăn trước mắt.

Thầy Tùng xúc động chia sẻ: “Tháng 11 đã về, tháng của lòng biết ơn và sự tôn vinh dành cho các thầy cô giáo trên khắp cả nước. Nhưng đâu đó vẫn còn những thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ các em học sinh nghèo, dịp này, tủ bánh quyết định hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn như một lời tri ân với những đóng góp của các thầy cô giáo cho sự nghiệp trồng người”.

Cô Cao Thị Thuyến-Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng-cho hay: Toàn trường có 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 8 giáo viên hợp đồng. Mặc dù chế độ của giáo viên hợp đồng đã được cải thiện đáng kể so với trước song vẫn còn hạn hẹp.

Ngoài công việc giảng dạy, giáo viên hợp đồng cũng phải đảm bảo chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng cho trẻ. Chưa kể khi trẻ em hiếu động, nghịch ngợm, đánh nhau, giáo viên hợp đồng cũng phải chịu trách nhiệm như giáo viên biên chế. Áp lực công việc, đồng lương ít ỏi song bằng tình yêu nghề, các giáo viên hợp đồng vẫn gắn bó với trường, với lớp.

Riêng trường hợp cô H’Hiền, tuy mới hợp đồng với trường nhưng luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Nắm được hoàn cảnh gia đình cô, Công đoàn nhà trường đã trích kinh phí Quỹ con heo đất do đoàn viên công đoàn nhà trường đóng góp và vận động thêm sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để hỗ trợ gia đình cô. Hy vọng với sự giúp đỡ đó sẽ giúp gia đình cô H’Hiền vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, yên tâm bám trụ với nghề”.

Có thể bạn quan tâm

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu. Ảnh: Hà Bắc

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu

(GLO)- Ngày 16-1, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực An Khê (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an huyện Đak Pơ tổ chức hoạt động trải nghiệm kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu (xã Phú An).

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

(GLO)- Ngày 15-1, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 42/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

(GLO)- “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” là chủ đề Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai vừa được Tỉnh Đoàn tổ chức. 10 dự án tiêu biểu đến từ các trường THPT cho thấy sự am hiểu của học sinh về lịch sử-văn hóa dân tộc.

Hơn 3.000 học sinh Gia Lai tham gia chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”

Hơn 3.000 học sinh Gia Lai tham gia chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”

(GLO)- Ngày 12-1, tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku), Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Báo Tuổi Trẻ phối hợp Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”. Chương trình thu hút hơn 3.000 học sinh tới từ các trường THPT trên toàn tỉnh.