
Điểm tựa của bệnh nhân lao
Đầu năm 2024, sau khi đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, ông Nay Ngul (buôn Kơ Jing, xã Ia Hdreh) phát hiện mình mắc bệnh lao. Tuy nhiên, do không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, uống thuốc thất thường, sức khỏe ông ngày càng suy giảm, phải nằm liệt giường. Tâm lý của ông và người nhà đều buông xuôi, chờ chết.
Biết tin, anh Nay Duy (CSET xã Ia Hdreh) đã tới nhà phân tích, động viên và hướng dẫn người nhà đưa ông tới Trung tâm Y tế huyện để được thăm khám, điều trị. Sau thời gian điều trị tập trung, ông được bác sĩ hướng dẫn điều trị tại nhà. Trong thời gian này, anh Duy thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, kiểm tra, hướng dẫn ông sử dụng thuốc đầy đủ đúng liều lượng.
Con cái ông Ngul đi làm ăn xa nên định kỳ hàng tháng, anh Duy chở ông đi tái khám, xin thuốc. Sau một thời gian dài tuân thủ đúng phác đồ điều trị, bệnh tình ông đã thuyên giảm, có thể đi lại được. “Anh Duy là ân nhân của cả gia đình tôi. Nếu không có anh và các y-bác sĩ chắc tôi đã về với tổ tiên rồi”-ông Ngul bộc bạch.
Đảm nhận vai trò CSET 4 năm nay, theo anh Duy, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng-chống lao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hiểu biết của người dân về bệnh lao còn hạn chế. Khi phát hiện triệu chứng ho, sốt, họ nghĩ đây là cảm thông thường nên chỉ ra tiệm mua thuốc uống mà không đi khám. Đến khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế khiến quá trình điều trị kéo dài, gặp nhiều khó khăn, tốn kém kinh phí. Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, bệnh nhân tự ý ngưng thuốc, chuyển sang uống các bài thuốc dân gian dẫn đến bệnh ngày càng trở nặng và có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Anh Duy chia sẻ: “Việc điều trị lao đòi hỏi tuân thủ đúng-đủ-đều trong thời gian dài, vì vậy, tôi tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phát hiện những trường hợp có nguy cơ cao, tuyên truyền, vận động họ đi khám sàng lọc. Với bệnh nhân đang trong quá trình điều trị, định kỳ hàng tuần, tôi đến kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc đúng, đủ liều, động viên tinh thần giúp bệnh nhân yên tâm chữa bệnh” .
Trường hợp bệnh nhân Ksor Hĩ (buôn Puh Chik, xã Ia Rai) bị lao nặng dẫn đến sức khỏe yếu, khó khăn trong việc di chuyển, sinh hoạt hàng ngày phải có người giúp đỡ.
Nhận thấy bệnh nhân bị suy kiệt sức khỏe, chị Rơ Ô H’Yoa (CSET xã Ia Rai) đã liên hệ SCDI hỗ trợ ông kinh phí 1,5 triệu đồng để mua sữa và thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng, giúp sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục. Ngoài ông Hĩ, năm 2024, chị H’Yoa đã hỗ trợ 3 bệnh nhân lao khác điều trị thành công.
Cánh tay nối dài của hệ thống y tế
Đội ngũ CSET là một sáng kiến do SCDI thành lập từ năm 2021 với sứ mệnh hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lao có thể được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng tốt. Tại huyện Krông Pa, đội ngũ CSET được thành lập gồm 20 người, phân bố tại 14 xã, thị trấn trong toàn huyện.

Được ví như cánh tay nối dài của hệ thống y tế, các CSET có mặt trong mọi khâu triển khai hoạt động, từ tìm kiếm, tiếp cận những người có nguy cơ mắc lao cao, thuyết phục họ đi khám sàng lọc tới kết nối, giữ liên lạc và hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ điều trị, đồng hành cùng bệnh nhân cho tới khi họ hoàn toàn chiến thắng bệnh lao. Ngoài ra, các CSET còn kết nối để hỗ trợ bệnh nhân về tài chính như mua bảo hiểm y tế, cung cấp dinh dưỡng.
Y sĩ Ksor Mla-cán bộ chuyên trách phòng-chống lao Trung tâm Y tế huyện Krông Pa-cho hay: Nhờ sự hỗ trợ của SCDI, đội ngũ CSET, công tác phòng-chống lao tại cộng đồng ở huyện Krông Pa thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nếu như năm 2023, toàn huyện phát hiện 115 ca nhiễm lao trong cộng đồng thì năm 2024 chỉ còn 69 ca.
Trong đó, 100% bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tuân thủ điều trị, được hỗ trợ 100.000 đồng/lần thăm nhà và được phát khẩu trang miễn phí. Bệnh nhân và người nhà, người có nguy cơ được tư vấn về bệnh lao, lao tiềm ẩn, cách phòng bệnh, hướng dẫn vệ sinh nhà cửa, chế độ dinh dưỡng. Riêng đội ngũ CSET đã tổ chức được 32 buổi truyền thông nhóm; 244 lượt tiếp cận bệnh nhân; hỗ trợ 10 bệnh nhân kinh phí 13,5 triệu đồng để bổ sung dinh dưỡng. Nhờ đó, tỷ lệ bệnh nhân điều trị thành công đạt 94%.
Theo chị Trịnh Thị Thu Hương-Điều phối viên SCDI tại Gia Lai, đội ngũ CSET có 3 nhiệm vụ chính: Thăm bệnh nhân định kỳ để kiểm tra việc uống thuốc có đúng, đủ hay có bị tác dụng phụ hay không; tổ chức truyền thông nhóm nhỏ để những người có nguy cơ được tiếp cận kiến thức về bệnh lao, từ đó có những biện pháp phòng-chống phù hợp; hỗ trợ bệnh nhân đi tái khám, nhận thuốc hàng tháng và làm xét nghiệm định kỳ; thông tin lại những khó khăn mà bệnh nhân lao đang gặp phải để SCDI cùng các cơ sở y tế địa phương có biện pháp tháo gỡ kịp thời, đảm bảo bệnh nhân hoàn thành điều trị theo kế hoạch.
“Sự giúp đỡ của các CSET đóng vai trò không thể thiếu trong việc thu hẹp khoảng cách giữa người bệnh và hệ thống y tế. Họ không chỉ giúp kết nối và điều trị hiệu quả các bệnh nhân lao mà còn nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị với bệnh nhân lao trong cộng đồng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035”-chị Hương khẳng định.