Kông Chro phát huy hiệu quả chương trình phát thanh tiếng Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chương trình phát thanh bằng tiếng Bahnar do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) triển khai thực hiện từ tháng 9-2019 đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
Kông Chro là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Trên địa bàn huyện có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 65%, chủ yếu là người Bahnar và Jrai. Để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tháng 9-2019, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện đã xây dựng chương trình phát thanh bằng tiếng Bahnar. Từ đó đến nay, chương trình được duy trì đều đặn 4 số/tháng với thời lượng 10-15 phút/chương trình. Nội dung chương trình gắn liền với tình hình kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương; giới thiệu gương điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách dân tộc và tuyên truyền về các sự kiện lớn của đất nước, tỉnh và huyện. Thời gian gần đây, nội dung tuyên truyền về công tác phòng-chống dịch Covid-19 được phát thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và thông qua loa di động tại các thôn, làng ở một số xã vùng sâu... Qua đó, người dân đã tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, chủ động chung tay cùng địa phương phòng-chống hiệu quả dịch bệnh.
Bà Đinh Thị Lan (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) cho biết: “Được nghe đài bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình, bà con rất thích và thấy dễ hiểu”. Còn chị Đinh Thị Ngoel (làng Hưnh Dơng, xã Kông Yang) phấn khởi bày tỏ: “Tôi thường xuyên nghe đài truyền thanh huyện, thấy chương trình phát thanh tiếng Bahnar do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thực hiện rất thiết thực. Khi được nghe chương trình phát thanh bằng chính ngôn ngữ của mình, bà con dễ hiểu, tiếp nhận được nhiều thông tin hơn. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi mà dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bà con nghe đài biết cách phòng-chống dịch bệnh tốt hơn”.
Phát thanh viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kông Chro đọc bản tin chương trình tiếng Bahnar. Ảnh: Phương Liên
Phát thanh viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kông Chro đọc bản tin chương trình tiếng Bahnar. Ảnh: Phương Liên
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, chương trình phát thanh bằng tiếng Bahnar đã đem lại hiệu quả tích cực. Đồng bào Bahnar ở địa phương đều nắm rõ những nội dung tuyên truyền, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra và cách phòng-chống dịch. Bà con cũng dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Từ đó, nhiều hộ vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Chương trình thành công có phần đóng góp quan trọng của phát thanh viên, biên dịch viên. Chị Đinh Thị Phyen-phát thanh viên kiêm biên dịch viên chương trình tiếng Bahnar của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kông Chro-cho hay: “Tôi cảm thấy rất vui và có chút tự hào vì mình được truyền đạt các nội dung tuyên truyền bằng chính ngôn ngữ của mình đến bà con. Mỗi khi biên dịch chương trình, tôi thường chắt lọc kỹ càng để làm sao khi đọc trên làn sóng phát thanh, bà con nghe dễ hiểu nhất mà vẫn đảm bảo đúng nội dung theo bản tin tiếng phổ thông”.
Ông Đỗ Hà Quang-Bí thư Đảng ủy xã Đak Kơ Ning-chia sẻ: “Công tác ở cơ sở, chúng tôi mới thấy rằng chương trình phát thanh bằng tiếng Bahnar có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Chương trình gắn liền với đời sống thực tiễn của bà con và là cách tuyên truyền nhanh nhất, hiệu quả nhất”. Còn ông Nguyễn Trọng Hiếu-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kông Chro-cho biết: “Để tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình phát thanh bằng tiếng Bahnar, thời gian tới, Trung tâm sẽ tạo điều kiện cho đội ngũ phóng viên, phát thanh viên được đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ”.
PHƯƠNG LIÊN

Có thể bạn quan tâm

Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Bình Định chia sẻ yêu thương với bệnh nhân

Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Bình Định chia sẻ yêu thương với bệnh nhân

(GLO)- Sáng 10-7, Ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Bình Định phối hợp cùng nhà hảo tâm và Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn-Dinh dưỡng tổ chức thăm và nấu những suất cơm tặng các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Quy Nhơn (phường Quy Nhơn Đông, tỉnh Gia Lai).

Nhà trọ “cháy” phòng, hàng quán tăng khách sau sáp nhập

Nhà trọ “cháy” phòng, hàng quán tăng khách sau sáp nhập

(GLO) - Chỉ hơn một tuần sau khi tỉnh Gia Lai và Bình Định sáp nhập thành tỉnh Gia Lai mới, nhiều khu vực trung tâm phường Quy Nhơn đã ghi nhận sự gia tăng rõ rệt về mật độ dân cư. Các dịch vụ như nhà trọ, ăn uống, vận chuyển... cũng trở nên sôi động hơn, tạo nên bức tranh nhộn nhịp chưa từng thấy.

Cán bộ, công chức cấp xã nhanh chóng thích ứng mô hình chính quyền mới

Cán bộ, công chức cấp xã thích ứng nhanh với mô hình chính quyền mới

(GLO) - Sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng thích ứng với mô hình chính quyền mới. Với tinh thần trách nhiệm, tận tụy, họ góp phần đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

Chung tay chăm lo sức khỏe và tiếp sức học trò vùng biên

Chung tay chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên

(GLO)- Sáng 6-7, tại xã Ia Pnôn (tỉnh Gia Lai), Đồn Biên phòng Ia Pnôn phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai tổ chức chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân và trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vùng biên. 

Bệnh viện Quân y 211 đồng hành cùng bệnh nhân khó khăn

Bệnh viện Quân y 211 đồng hành cùng bệnh nhân khó khăn

(GLO)- Ngày 5-7, sau ca phẫu thuật nối bàn chân phải bị đứt lìa, bệnh nhân Xuăk (làng Trek, xã Kdang) đã tỉnh táo, giao tiếp tốt. Dù còn đau đớn nhưng nhìn bàn chân được nối thành công bước đầu, chị Xuăk vô cùng cảm kích tấm lòng đồng hành vì người bệnh của các y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211.

null