Kon Măh: Cộng đồng yêu thương, cố kết bền chặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giá trị văn hóa giàu có và độc đáo của cha ông đã được cộng đồng người Bahnar ở làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) gìn giữ, tiếp nối và trường tồn với thời gian.

1. Làng Kon Măh chuẩn bị lợp lại mái nhà rông. Đây là sự kiện quan trọng đã được bàn bạc trong nhiều cuộc họp của làng từ cuối năm 2023.

Chị Nhaih-một người dân trong làng-cho hay: “Theo sự phân công của hội đồng già làng, phụ nữ trong độ tuổi lao động đóng góp mỗi người 10 bó tranh. Còn đàn ông góp mây, tre và chịu trách nhiệm dỡ tranh cũ, lợp tranh mới”.

Chị Nhaih vui vẻ khi được góp sức vào công việc chung của làng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Chị Nhaih vui vẻ khi được góp sức vào công việc chung của làng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Từ khi “lệnh làng” phát đi, chị em thi đua tìm cắt cỏ tranh. Cỏ bạt ngàn lưng núi, trên nương rẫy, cao lút đầu người. Chị Nhaih cho biết, 1 bó cỏ tranh khá nặng và cồng kềnh, mỗi buổi đi làm chị chỉ có thể cắt được 1-2 bó. Nhưng chị em đều coi đó là việc của mình nên tự giác cắt đủ số lượng rồi mang về tập kết ở nhà rông.

Những bó cỏ tranh cao quá đầu người, cùng mây, tre nứa xếp đầy một góc sân sau nhà rông. Già làng Ngưm cho biết: “Mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đó cả rồi, chỉ chờ ngày tốt là làng bắt tay vào lợp thôi”.

Nhà rông làng Kon Măh làm lại từ cuối năm 2011. Ngày 17-3-2012 thì chính thức cúng về nhà rông mới. Theo già Ngưm, lý do chọn ngày này là để nhắc nhớ các thế hệ cháu con nhớ đến Ngày giải phóng tỉnh.

Kon Măh là một trong những làng Bahnar ở xã Hà Tây còn lưu giữ được kiến trúc nhà rông truyền thống điển hình. Ngôi rông mái tranh bề thế, sừng sững nằm bên đường liên xã và dòng suối Tơ Pơng đã trở thành chỉ dấu cho du khách khi đến với “xứ sở của những ngôi nhà rông”.

2. Nhà rông chính là hồn cốt của buôn làng. Dưới mái nhà chung này, bao câu chuyện đẹp vẫn được các thế hệ người Bahnar không ngừng tiếp nối. Phía sau nhà rông là kho lúa chung của làng. Đây cũng là nơi người làng gặp khó khăn tìm được cộng đồng giúp đỡ.

Anh Khoa-Trưởng thôn Kon Măh-kể lại “sự tích” kho lúa với ánh mắt rạng ngời: “Làng có một mảnh ruộng chung rộng hơn 4 sào do ông bà xưa để lại. Đất trồng lúa 2 vụ nhưng làng chỉ trồng 1 vụ, còn 1 vụ cho những gia đình khó khăn, thiếu đất mượn. Mỗi năm, làng thu được bao nhiêu bao lúa đều cất trong kho này. Hễ có gia đình đói giáp hạt hay gặp khó khăn đột xuất sẽ được làng xuất ra hỗ trợ”.

Nhà rông làng Kon Măh (xã Hà Tây). Ảnh: H.N

Nhà rông làng Kon Măh (xã Hà Tây). Ảnh: H.N

Trưởng thôn 9X cho biết, kho lúa đã có khi anh còn nhỏ, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” duy trì qua nhiều thế hệ. Làng không để ai bị bỏ lại phía sau. Và mỗi cá nhân vì vậy cũng gắn bó bền chặt với cộng đồng. Truyền thống này ăn sâu vào tâm thức, lối sống của người Bahnar như mạch nước của dòng suối Tơ Pơng đêm ngày êm đềm chảy qua làng.

3. Đối diện nhà rông là nhà máy xay xát lúa gạo, cũng là tài sản chung của Kon Măh. Già làng Ngưm kể, cách đây gần chục năm, để giải phóng sức lao động cho phụ nữ trong việc giã gạo, làng góp tiền mua 1 dàn máy xay xát, xây 1 căn nhà để che mưa nắng cho máy móc, tổng cộng hơn 100 triệu đồng. Máy phục vụ cộng đồng làng Kon Măh miễn phí.

Anh Thô-Thành viên nhóm trực xay lúa-cho biết: Làng phân công tất cả đàn ông trong độ tuổi lao động luân phiên trực xay xát phục vụ nhu cầu của bà con. 27 nhóm, mỗi nhóm 5 người luân phiên trực 1 ngày.

“Lịch làng phân công cứ thế mà làm, ai cũng tự giác hết. Dàn máy xay xát không chỉ phục vụ miễn phí bà con làng Kon Măh, mà cả các làng lân cận. Nhiều lúc máy móc hư hỏng, trục trặc, phải nhờ người sửa, có khi cả ngày mới xong. Nhưng vì việc chung của làng nên ai cũng vui vẻ”-anh Thô chia sẻ.

Ngoài làng Kon Măh còn có 2 làng Kon Sơ Lăl và Kon Chang có mô hình xay xát lúa cộng đồng. Do máy xay xát của làng Kon Măh nằm ở vị trí thuận lợi nên người các làng khác thường mang lúa tới xát gạo và để lại cám thay vì trả tiền. Nhờ nguồn tiền bán cám, năm ngoái, làng Kon Măh đã mua thêm máy lọc sạn 80 triệu đồng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của bà con.

Người làng Kon Măh còn có rất nhiều cái chung, nhất là tình làng, trật tự, quy củ tạo nên “nếp làng” được duy trì qua bao thế hệ. Ông Hnaih-nguyên Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Hà Tây-cho hay: Ông là một người con của làng Kon Măh, tham gia mọi hoạt động của làng như một “mắt xích” không tách rời trong cộng đồng.

Ông Hnaih tự hào khi Kon Măh là ngôi làng có nhiều đảng viên nhất xã, nhiều thế hệ làm cán bộ như anh Biên hiện là Chủ tịch UBND xã, Thưu-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã…

“Mỗi người dân ở Kon Măh đều có ý thức xây dựng buôn làng, duy trì tinh thần đoàn kết. Vì vậy, không việc gì là không làm được. Bác Hồ đã dạy đoàn kết là sức mạnh. Người dân đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh cho làng, góp phần tạo nên sức mạnh cho tỉnh, cho đất nước”-ông Hnaih khẳng định.

Mới đây, nhóm thiện nguyện “Về với buôn làng” (TP. Hồ Chí Minh) đã trao tặng làng Kon Măh công trình nước sạch trị giá gần 50 triệu đồng. Theo anh Nguyễn Thành Nhân-Đại diện nhóm thiện nguyện, chương trình dự định tặng công trình nước sạch cho 1 ngôi làng khác. Nhưng khi khảo sát thấy tính cộng đồng gắn kết bền chặt của người Bahnar ở Kon Măh, nhóm đã quyết định “dừng chân” ở đây.

“Mọi thứ trong làng đều được duy trì trong một trật tự rất quy củ, cho thấy người đứng đầu rất có uy tín và người dân có tinh thần cộng đồng rất cao”-anh Nhân nói.

Có thể bạn quan tâm

Diện mạo thôn Đức Hưng ngày càng khởi sắc. Ảnh: V.N

Đổi thay miền biên viễn

(GLO)- Gần 30 năm vỡ đất trồng cao su, thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã khoác lên mình màu áo mới. Vùng đất khô khốc, bạc màu năm nào, qua bàn tay lam lũ của đoàn người đi làm kinh tế đã được phủ một màu xanh trù phú.

Gia đình ông Bùi Văn Nghị đã có cuộc sống ấm no nơi vùng đất mới. Ảnh: Q.T

Đất lành Ia Lâu

(GLO)- Cách đây hơn 30 năm, nhiều hộ dân từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp tại vùng đất Ia Lâu (huyện Chư Prông) theo diện kinh tế mới. Với sự cần cù, chịu thương, chịu khó cùng đất đai rộng lớn và màu mỡ, cuộc sống người dân trên quê hương thứ 2 ngày càng ổn định, sung túc.

Pleiku-Xưa và nay

Pleiku-Xưa và nay

(GLO)- Bằng tình yêu, niềm đam mê và sự kiên trì, nhà sưu tầm Nguyễn Quang Hiền-nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai đã lưu giữ lại những hình ảnh của phố núi Pleiku xưa. Những tư liệu được ông lưu giữ giờ đây trở thành một miền ký ức khiến không ít trái tim thổn thức, bồi hồi...

Thành phố Pleiku không còn nhà tạm, nhà dột nát

Pleiku không còn nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Sau gần 2 tháng triển khai quyết liệt, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. 67/69 nhà đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng; 2 ngôi nhà còn lại đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng để kịp bàn giao trước ngày 15-4.

Phường Yên Đỗ ra mắt mô hình “Bảo hiểm y tế vì sức khỏe tương lai”

Phường Yên Đỗ ra mắt mô hình “Bảo hiểm y tế vì sức khỏe tương lai”

(GLO)- Chiều 4-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Yên Đỗ (TP. Pleiku) tổ chức ra mắt mô hình “Bảo hiểm y tế vì sức khỏe tương lai”. Đây là hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và Đại hội Đảng các cấp.

Một thoáng Hway

Một thoáng Hway

(GLO)- Làng Hway (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) nằm nép mình yên bình bên quốc lộ 19 nhộn nhịp xe cộ. Từ cổng làng đi sâu vào bên trong, chúng tôi càng nhận thấy nét sinh hoạt đời thường của bà con nơi đây ít bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.

Ia Pa kết nạp 18 đảng viên trong quý I-2025

Ia Pa kết nạp 18 đảng viên trong quý I-2025

(GLO)- Ngày 31-3, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị (mở rộng) nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II-2025.

Nghề bó chổi đót tại An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Nghề bó chổi đót ở thị xã An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) hiện có hơn 10 hộ dân làm nghề bó chổi đót, tập trung ở các phường: An Phú, Tây Sơn, Ngô Mây. Thu nhập từ nghề bó chổi đót giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, yên tâm gìn giữ nghề truyền thống.