Nhà rông Bahnar vùng Đông Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nghe tới nhà rông Tây Nguyên, người ta thường hình dung ngay đến những ngôi nhà sàn có bộ mái tranh nâu đượm màu thời gian, cao vút và nổi bật giữa trời xanh.

Cao nguyên bao la như tự nguyện làm nền, để những mái nhà rông kia cất lên lời mời gọi. Và ở đó, những mái nhà rông Bahnar vùng Đông Trường Sơn mang một vẻ đẹp riêng có, trường tồn cùng thời gian.

Dải núi Mang Yang như bức tường thành khổng lồ, chạy theo hướng Bắc-Nam, qua con đèo cùng tên, chia tỉnh Gia Lai nói chung, địa bàn sinh sống của người Bahnar nói riêng thành 2 vùng: trên núi (gơlar) và dưới núi (ala kông). Phía dưới núi-Đông Trường Sơn-từ huyện Kbang (phía Bắc) đến Bắc huyện Ia Pa (phía Nam) lần lượt là khu vực cư trú của các nhóm Bahnar Bơnâm, Kon Kơđeh, Tơlô... Và, mỗi làng Bahnar đều có ít nhất một ngôi nhà của cộng đồng được gọi là nhà rông.

Đặc điểm chung của những ngôi nhà rông Bahnar ở phía Đông Trường Sơn là mái thấp, sàn thấp, vách được làm theo kiểu “thượng thách-hạ thu” (hẹp ở phía tiếp xúc với sàn và loe ra ở phần tiếp giáp với mái). Nhìn từ bên ngoài, quan trọng nhất là dải trang trí dọc theo đường sống nóc. Dải này phổ biến được tạo thành từ những tấm đan. Hai đầu hồi có 2 cặp sừng đầu đốc vươn lên cao hẳn so với bộ mái, được trang trí cầu kỳ. Thông thường, chúng ta thường gặp những cặp sừng đầu đốc được tạo thành từ ngọn của 2 thân cây làm kèo đầu hồi vươn cao như nhà rông làng Kon Mahar, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang. Trên đó, người ta khắc gọt và tháp thêm các hoa văn như những cánh tay đối xứng, xòe ra hai bên. Trên đầu cùng của 2 sừng đầu nóc phổ biến là hoa văn mặt trời được đan bằng nan tre nứa hoặc khắc gỗ tháp thêm nan tre, quấn chỉ màu sặc sỡ.

Nhà rông của người Bahnar ở huyện Kbang mang một vẻ đẹp riêng, trường tồn cùng thời gian. Ảnh: Quốc Nguyễn

Nhà rông của người Bahnar ở huyện Kbang mang một vẻ đẹp riêng, trường tồn cùng thời gian. Ảnh: Quốc Nguyễn

Kỹ thuật trang trí thường thấy trên các đầu cột ở sân sàn nhà rông là khắc, vạch, gọt, đẽo để tạo ta những hình tượng khác nhau. Phổ biến là mô típ nồi đồng, chim, rùa, tắc kè, cá… Nhà rông làng Sơ Rơn (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) được trang trí tượng dày đặc các điêu khắc xung quanh: 5 tượng người có kích thước trên dưới 1,5 m, đặt trên trụ gỗ cao từ 0,8 đến 1 m. Trong đó có 2 tượng nữ và 3 tượng nam. Các bức tượng đều được tạc khắc ở thế đứng thẳng. Mỗi giới tính đều có mẫu tượng mặc trang phục truyền thống và mẫu tượng mặc trang phục hiện đại. Tượng nữ trong trang phục truyền thống mặc váy cuốn dài đến bắp chân, áo sát nách, đầu rẽ ngôi, có cột sợi dây trang trí trước trán. Tượng nữ hiện đại là một thiếu niên mặc quần tây xanh, áo sơ mi sơ vin, cổ quàng khăn đỏ, tóc buông xõa đến vai. Trong 2 tượng đàn ông truyền thống đóng khố, 1 tượng là người đàn ông cởi trần, tượng còn lại là 1 tráng sĩ cầm khiên, giáo che trước ngực. Hoa văn được tạc trên khiên là kiểu mặt trời cách điệu, có các tia nhọn hình tam giác cân hướng đầu nhọn ra ngoài. Những tượng người này được trang trí xen kẽ với cặp ngà voi, nồi đồng đặt trên những cột đỡ cũng được tạc khắc tỉ mỉ, công phu… Dù không quá bề thế nhưng nhà rông vẫn là ngôi nhà có quy mô lớn nhất, độc đáo nhất của mỗi làng Bahnar ở Đông Trường Sơn.

Từ Bắc xuống Nam, nhà rông của người Bahnar tăng dần về chiều dài và mở rộng ở chiều ngang. Nhìn từ kiểu dáng bên ngoài, chúng ta có thể phân biệt một cách tương đối chính xác cộng đồng Bahnar trong làng thuộc nhóm địa phương nào. Những ngôi nhà rông của người Bahnar Bơnâm và Kon Kơđeh ở huyện Kbang và Đak Pơ nhỏ xinh, quy mô thường gặp là 3 gian, vách được làm theo kiểu “thượng thách-hạ thu” rất rõ nét, vách thưng bằng tấm đan bằng lồ, không nhuộm màu, bên ngoài ken thêm cây le theo chiều thẳng đứng. Những tấm phên đan có hoa văn chỉ được che ở 2 đầu hồi.

Xuống đến phía Bắc huyện Kông Chro, dù đồng bào vẫn nhận mình là người Bahnar Kon Kơđeh (như ở xã Đak Tơ Pang) hoặc Bahnar Roh (như ở xã Chư Krêy) nhưng ngôi nhà rông đã có sự khác biệt. Ở đây, nhà rông thể hiện sự giao thoa giữa kiểu nhà rông ngắn của người Bahnar Kon Kơđeh (ở phía Bắc) và kiểu nhà rông dài của người Bahnar Tơlô, nhưng kiểu nhà rông dài của người Bahnar Tơlô đã chiếm ưu thế.

Từ trung tâm huyện Kông Chro xuống phía Nam, nhà rông của nhóm Bahnar Tơlô được mở ra về cả chiều dài và chiều rộng. Phổ biến nhất là những nhà rông có 5 gian hoặc 4 gian. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở nhà rông Bahnar Tơlô là vách được phủ những tấm phên đan bằng lồ ô phối 2 màu sặc sỡ; thường là màu đỏ-trắng ngà, đôi khi cũng gặp màu xanh-trắng ngà (như ở nhà rông làng Hway, xã Đak Tơ Pang). Màu trắng ngà là màu tự nhiên của nan lồ ô, còn các màu khác là do nhuộm mà có.

Ở vùng Đông Trường Sơn, nếu nhà rông có số gian lẻ thì thường có 3 cửa. Cửa chính (mang tơm) nằm ở gian giữa và 2 cửa phụ nằm ở 2 đầu hồi, gồm mang gah ma là cửa bên phải-từ trong nhà nhìn ra và mang gah ngieo là cửa bên trái. Còn nếu nhà rông có số gian là chẵn (4 gian) thì chỉ có 2 cửa nằm ở 2 đầu hồi, cửa chính mang tơm và cửa phụ. Trước mỗi cửa ra vào đều có phần sân sàn được làm lồi ra, có mái che.

Nhà rông của người Bahnar ở huyện Kông Chro. Ảnh: Quốc Nguyễn

Nhà rông của người Bahnar ở huyện Kông Chro. Ảnh: Quốc Nguyễn

Bên trong nhà rông của các làng Bahnar ở Đông Trường Sơn, nổi bật là giàn cột rượu cúng, cao khoảng 0,6-0,7 m so với mặt sàn, chạy song song với sống nóc, chia mặt bằng nhà rông làm 2 phần (trong và ngoài) theo chiều dài là nơi để các gia đình mang rượu của mình đến cột chung vui với cả làng vào những dịp lễ hội (mỗi cọc là 1 ghè rượu của 1 hộ, trừ những cột đã được quy định để cột ghè rượu cúng Yàng hay hơtâu/atâu (tổ tiên/ma). Tùy từng vùng mà đồng bào gọi giàn cột rượu này là chơng lơng (như ở Kbang) hoặc kơnâng sơdro (như ở các xã phía Bắc huyện Kông Chro). Hàng chơng lơng thường được tách đôi ở giữa, tạo thành lối qua lại giữa bên trong và bên ngoài. Hai hàng cọc tạo nên giàn cột rượu được kết nối bởi những phiến gỗ dài, nối tiếp, tạo nên một mặt phẳng làm thành mặt bàn để đặt thức ăn (along tong bơnham).

Chơng lơng là tâm điểm của các trang trí trên gỗ, với những hình tượng gần gũi trong cuộc sống của cộng đồng như: sừng trâu, quả bầu, nồi đồng, cối giã gạo, các con vật, đôi khi có cả tượng người... tùy theo khả năng sáng tạo của nghệ nhân ở từng làng. Về tượng các con vật, có một số loại chiếm ưu thế như: chim đại bàng, khỉ, thỏ… Gắn vào giàn cột rượu cúng là 2 giàn cúng, trong đó, có 1 giàn cúng Yàng cao, to, trang trí cầu kỳ hơn giàn cúng còn lại là giàn cúng hơtâu/atâu.

Vị trí của các giàn cúng không theo quy tắc nhất định nào, nhưng nó quyết định nơi đặt bếp chính-bếp nấu đồ dâng cúng thần linh. Thường thì giàn cúng Yàng ở đâu, bếp chính phải đặt cạnh đó. Ở một số xã phía Bắc Kông Chro, đồng bào quan niệm, bếp chính ở mỗi nhà rông đều có thần trú ngụ trong 3 viên đá kê bếp mà người Việt gọi là ông Táo hay ông Đầu Rau. Ba vị thần bếp này gồm 2 nam thần và 1 nữ thần. Nữ thần là Yă Ghi Gu (bà Ghi Gu), luôn đứng ở vị trí trung tâm, không được di chuyển. Hai vị nam thần là bok Tơmo Hu Tơm (bác đá Hu già) và bok Tơmo Hu (bác đá Hu) có thể di chuyển, thay đổi vị trí cho nhau.

Nhà rông là nơi hội họp của các già làng mỗi khi có việc cần bàn bạc, nơi thanh niên đến ngủ đêm, nơi tụ họp của dân làng khi có công việc của cộng đồng hay thực hiện những nghi lễ chung của làng. Trước kia, nhà rông còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động quân sự, là nơi để những người đàn ông của làng tập trung canh giữ, bảo vệ làng. Nghe tới nhà rông Tây Nguyên, người ta thường hình dung ngay đến những ngôi nhà sàn có bộ mái tranh nâu hùng vĩ, cao vút lên và nổi bật giữa trời xanh. Cao nguyên bao la như tự nguyện làm nền, để những mái nhà rông kia cất lên lời mời gọi.

Có thể bạn quan tâm

Người dệt chuyện đời trên thổ cẩm

Người dệt chuyện đời trên thổ cẩm

(GLO)- Những chuyện kể về tháng ngày dân làng đoàn kết một lòng chống giặc, chuyện mùa gặt trên nương rẫy hay ngày làng có lễ hội… đều được nghệ nhân Rơ Châm Monh (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tạo thành hoa văn trên thổ cẩm.
Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

(GLO)- Không chỉ giúp hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, quy hoạch tỉnh còn được xem như một chỉ dẫn quan trọng để định vị những giá trị, cơ hội cũng như xác định những thách thức trong tương lai.
Người thầy giữa đại ngàn

Người thầy giữa đại ngàn

(GLO)- Hè năm 2004, bản thảo tiểu thuyết “Màu rừng ruộng” của tôi đang giữa chừng thì tắc mạch. Sau chuyến đi Buôn Đôn, tôi đã được dũng sĩ săn voi Ama Kông “vẽ đường” cho nhân vật Y Than.

Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

(GLO)- Trong định hướng phát triển, Gia Lai xác định năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp. Với định hướng đó, tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, hướng đến tăng trưởng xanh.
Bác sĩ về làng

Bác sĩ về làng

(GLO)- “Ơi bà con, ngày mai có đoàn bác sĩ của tỉnh xuống thăm khám sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trong làng. Bà con đến Nhà văn hóa cộng đồng để được thăm khám nhé”-chị Hrac-cán bộ y tế làng Amil (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) trực tiếp đến từng nhà thông báo.
“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Ia Grai quyết tâm phát triển toàn diện

Ia Grai quyết tâm phát triển toàn diện

(GLO)- Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, huyện Ia Grai đã đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra.

Chư Păh đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”

Chư Păh đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”

(GLO)- Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Chư Păh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.

Nối dài những đường tơ

Nối dài những đường tơ

(GLO)- Kết nối những giá trị vượt thời gian của thổ cẩm Tây Nguyên vào thời trang, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đã khiến thổ cẩm thăng hoa trên các sàn diễn trong nước và quốc tế hàng thập kỷ qua.
Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

(GLO)- Gia Lai phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”; trở thành điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng.
Phát huy nội lực xây dựng Chư Prông giàu mạnh

Phát huy nội lực xây dựng Chư Prông giàu mạnh

(GLO)- Năm 2023, huyện Chư Prông đã hoàn thành và vượt 21/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để huyện đặt ra những mục tiêu phấn đấu trong năm 2024, góp phần hoàn thành mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Rừng-biển kết nối

Rừng-biển kết nối

(GLO)- Truyền thuyết kể rằng, khi Lạc Long Quân trở về biển, nhớ chồng, nàng Âu Cơ thường đứng trên núi cao hướng về Biển Đông gọi tên cha của các con.
Dạo rừng ngày xuân

Dạo rừng ngày xuân

(GLO)- 

Một chuyến về với rừng già trong dịp xuân này có lẽ sẽ là gợi ý hay dành cho những ai muốn tìm kiếm sự yên tĩnh gần như tuyệt đối từ khung cảnh xung quanh.

Đọc thơ trên đất Mỹ

Đọc thơ trên đất Mỹ

(GLO)- Năm 2000, tôi, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng nhà văn Tô Đức Chiêu được mời sang Mỹ giao lưu với các bạn cựu chiến binh tại Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts, Boston).