Kiệt quệ do chậm được hoàn thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều doanh nghiệp ví von rằng việc bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng như là cục máu đông trong cơ thể, khiến doanh nghiệp không thể hoạt động được nữa. Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan thuế đổ lỗi do luật quy định, dù thừa nhận có bất cập.
 
Người dân và doanh nghiệp quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp (DN) về chính sách và thủ tục thuế, hải quan tổ chức hôm 26-11 kéo dài đến quá 12h trưa mà vẫn còn một số cánh tay giơ lên. Trong đó, vấn đề mà nhiều DN bức xúc nhất là việc bị chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) khiến DN kiệt quệ.
"Cục máu đông trong cơ thể" doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Đỗ Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty CP thiết bị y tế Vinahankook, cho biết 4 năm nay không được hoàn thuế GTGT do sự bất hợp lý trong chính sách, gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Theo ông Tuấn, vì sản xuất bơm kim tiêm và dụng cụ y tế, các sản phẩm của DN này có thuế GTGT là 5%.
Trong khi thuế GTGT đầu vào chủ yếu là 10%. Số thuế GTGT của hàng hóa mua vào luôn cao hơn số thuế GTGT của hàng hóa bán ra và thuộc trong diện hoàn thuế. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, DN không được hoàn thuế nữa, với số tiền thuế GTGT bị chậm hoàn lên tới 12,5 tỉ đồng.
"Vốn điều lệ của chúng tôi là 55 tỉ đồng mà bị đọng 12,5 tỉ đồng do chậm hoàn thuế GTGT, chiếm 22% vốn điều lệ. Đây là cục máu đông nằm trong cơ thể khiến chúng tôi không thể hoạt động được nữa, buộc phải xoay trở để vay vốn ngân hàng", ông Tuấn bức xúc, đồng thời cho biết "rất mong Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sớm có ý kiến giải quyết, bởi các nhà đầu tư không dám rót thêm vốn nữa".
Trước đó, theo ông Tuấn, từ tháng 5-2017 đã gửi văn bản khẩn cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP Hà Nội về việc cho DN này tiếp tục được hoàn thuế GTGT. Trong công văn phản hồi kiến nghị của DN này vào tháng 6-2017, Tổng cục Thuế hướng dẫn chuyển số thuế GTGT được khấu trừ vào kỳ tính thuế tiếp theo.
Tuy nhiên, việc này là không thể do số thuế được khấu trừ luôn tăng theo thời gian bởi số thuế đầu vào luôn lớn hơn đầu ra khoảng 3 tỉ mỗi năm. "Để tháo gỡ vướng mắc cho DN và yên tâm đầu tư lâu dài, tôi kính đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét hoàn số thuế nói trên cho DN. Hoặc là bù trừ số thuế GTGT được khấu trừ (khoảng 12,5 tỉ đồng) với số thuế GTGT, thuế thu nhập DN phải nộp" - ông Tuấn đề nghị.
Trả lời DN, ông Nguyễn Quốc Hưng, phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), thừa nhận đây là vướng mắc chung của rất nhiều DN chứ không phải chỉ Vinahankook bởi chính sách hoàn thuế GTGT hiện nay chỉ áp dụng với đối tượng là DN xuất khẩu và dự án đầu tư, Vinahankook và những DN tương tự không nằm trong đối tượng được hoàn thuế GTGT theo luật.
Do đó, theo ông Hưng, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung những đối tượng này vào danh mục được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, Luật thuế GTGT do Quốc hội thông qua nên phải tuân theo quy định khi thực hiện. Cả hội trường đã ồ lên sau khi ông Hưng dứt lời.
 
Vì không được hoàn khoảng 12,5 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng, ông Đỗ Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty CP thiết bị y tế Vinahankook - bức xúc gửi văn bản kêu cứu lên Thủ tướng - Ảnh: N.Minh
Vốn điều lệ của chúng tôi là 55 tỉ đồng mà bị đọng 12,5 tỉ đồng do chậm hoàn thuế GTGT, chiếm 22% vốn điều lệ. Đây là cục máu đông nằm trong cơ thể khiến chúng tôi không thể hoạt động được nữa...

Ông Đỗ Anh Tuấn (tổng giám đốc Công ty CP thiết bị y tế Vinahankook)

Doanh nghiệp rối với chính sách thuế

Trong khi đó, ông Nguyễn Kiên Cường, giám đốc Công ty Dịch vụ vận tải Hòa Bình, cho biết trước khi mua một lô xe buýt, DN này đã có văn bản hỏi Cục Thuế Hòa Bình và được hướng dẫn là xe buýt không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Sau hơn 1 năm đầu tư, do hoạt động không hiệu quả, công ty quyết định bán lô xe này. Trước khi bán lô xe này, DN cũng có văn bản hỏi và được Cục Thuế Hòa Bình trả lời là xe buýt thuộc đối tượng chịu thuế!
Thấy có sự bất nhất trong 2 lần trả lời, DN này đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, mới đây Tổng cục Thuế có hướng dẫn Cục Thuế Hòa Bình trả lời cho DN là thuế GTGT được kê khai là lấy giá trị bán của lô xe chia cho tổng doanh số hoạt động và giá trị mua xe.
Ông Cường cho rằng cùng một chính sách thuế mà lại có 2 phương án trả lời. Việc chưa ngã ngũ thì mới đây, DN nhận quyết định cưỡng chế thuế, phải nộp hơn 2 tỉ đồng vào ngân sách và phong tỏa tài khoản qua ngân hàng. "DN chỉ mong phía Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét hướng dẫn đúng cho DN chấp hành", ông Cường nói.
Trao đổi với DN, ông Nguyễn Thế Mạnh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng theo quy định tại thông tư 130 năm 2016, vận tải hành khách công cộng không chịu thuế GTGT nên DN không được khấu trừ đầu vào. Tuy nhiên, khi mua lô xe buýt này, DN trả thuế GTGT cho người bán nên số thuế GTGT này được tính vào giá trị tài sản và hạch toán tăng tài sản.
"Nguồn để trả thuế GTGT này sẽ là khấu hao dần trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi bán lô xe này thì là bán tài sản, DN phải nộp thuế GTGT để đơn vị mua được khấu trừ thuế GTGT", ông Mạnh giải thích.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Phước Hồng (Công ty Phước Hồng) bức xúc cho biết sau khi kê khai và báo cáo thuế, DN này nhận được thông báo của Cục Thuế Hải Phòng là có một số lô hàng được mua của DN có vi phạm nên Công ty Phước Hồng không được khấu trừ thuế GTGT. Điều bức xúc là, theo bà Hồng, lô hàng được công ty này mua có hóa đơn đầy đủ, có hàng hóa thật.
Theo bà Hồng, khi bị truy thu và phạt chậm nộp gần 1,2 tỉ đồng, DN này "không tâm phục khẩu phục" bởi DN đã mua hàng của đối tác với hóa đơn đầy đủ. Nếu đối tác này sau đó bỏ trốn, DN mua hàng không thể chịu trách nhiệm.
"Sau 6 - 11 tháng kể từ khi chúng tôi báo cáo và kê khai thuế, cơ quan thuế mới thông báo là DN bán hàng vi phạm, rồi không khấu trừ thuế GTGT là quá vô lý. Cơ quan thuế có hàng chục nghìn người cũng không phát hiện sớm được đơn vị bỏ trốn thì làm sao DN biết được!", bà Hồng bức xúc.
* Ông Lưu Đức Huy (vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế):
Phải xuất hóa đơn điện tử khi bán hàng
 
Theo quy định của nghị định 119, từ tháng 11-2020, sẽ khai tử hóa đơn giấy mà chuyển sang dùng hóa đơn điện tử. Như vậy, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử cho người mua mà không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa. Dù giá trị hàng hóa, dịch vụ nhỏ như thế nào, người bán cũng phải xuất hóa đơn điện tử cho người mua.
Thời điểm lập hóa đơn hàng hóa điện tử là khi người bán ký chữ ký số điện tử trên hóa đơn và giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua. Không phân biệt việc đã thu được tiền hay chưa. Hóa đơn điện tử được chuyển đổi thành chứng từ giấy chỉ có 1 lần và chỉ sử dụng khi quản lý hàng hóa lưu thông trên đường. Tuy nhiên, chứng từ này có giá trị lưu giữ, lưu sổ theo dõi, không dùng để thanh toán và xác định nghĩa vụ thuế.

Khi sử dụng hóa đơn điện tử, dữ liệu về hóa đơn điện tử đã có trong hệ thống quản lý của cơ quan thuế. Lúc đó, các cơ quan chức năng khác như quản lý thị trường... sẽ truy cập vào hệ thống để kiểm tra chứ không được yêu cầu DN xuất trình hóa đơn giấy như hiện nay nữa.

Lê Thanh (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.