Kiên quyết ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai), chỉ tính từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng phát hiện 44 vụ sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng thiệt hại hơn 14,7 tỷ đồng. Lực lượng Công an đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống loại tội phạm này.

Gần đây, tội phạm triệt để lợi dụng khoa học công nghệ và những kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực internet, viễn thông, tài chính, ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn như: giả danh (giả danh lãnh đạo, cơ quan pháp luật, nhân viên ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm xã hội, công ty tài chính...); hack Facebook, Zalo; gọi điện khủng bố; lừa đảo trúng thưởng; “bẫy tình” trên mạng xã hội; mua bán hàng trực tuyến, làm việc qua ứng dụng lạ…

Trong khi đó, một bộ phận người dân nhận thức hạn chế, không tìm hiểu, cập nhật các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này nên dễ dàng bị các đối tượng tiếp cận, thao túng tâm lý, lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có người chậm trình báo cơ quan chức năng khiến việc điều tra, xác minh, truy vết đối tượng, nhất là phối hợp với các ngân hàng phong tỏa nguồn tiền, thu hồi tài sản gặp nhiều trở ngại.

Trước thực trạng đó, lực lượng Công an thường xuyên tổng hợp, dự báo, đánh giá các lĩnh vực dễ phát sinh hoặc có cơ sở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đầu tư, huy động vốn, mua bán, kinh doanh trên mạng internet, vay qua ứng dụng; các hoạt động đầu tư tiền ảo, từ đó đề xuất cấp thẩm quyền có phương hướng khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Ngày 23-3 vừa qua, Công an tỉnh đã hội ý nghiệp vụ chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao. Thượng tá Đinh Văn Sơn-Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-cho biết: “Trong 2 năm qua, cơ quan Công an các cấp đã khởi tố 31 vụ, 10 bị can lợi dụng không gian mạng, điện tử, viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng sim rác, các tài khoản ảo còn phổ biến. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa cơ quan Công an với các ngân hàng, các nhà mạng còn nhiều bất cập dẫn đến việc đấu tranh với loại tội phạm này hết sức khó khăn”.

Lãnh đạo Công an tỉnh và các đơn vị hội ý nghiệp vụ chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao. Ảnh: Nông Hòa

Lãnh đạo Công an tỉnh và các đơn vị hội ý nghiệp vụ chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao. Ảnh: Nông Hòa

Còn Trung tá Nguyễn Đình Mai-Đội trưởng Đội hướng dẫn điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Phòng Cảnh sát Hình sự) thì cho hay: “Nạn nhân bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo có độ tuổi và thành phần khác nhau, nhưng chủ yếu là nữ, đa số sử dụng mạng xã hội. Sau khi lừa nạn nhân chuyển tiền thì các đối tượng nhanh chóng chuyển qua nhiều tài khoản khác (đa số ở nước ngoài), chuyển sang ngoại hối, vàng hoặc tiền ảo nên rất khó truy vết dòng tiền và xác định được đối tượng”.

Căn cứ tình hình, diễn biến tội phạm, lực lượng Công an đã thống nhất một số nội dung công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian tới như: chú trọng nghiên cứu kỹ phương thức, thủ đoạn của đối tượng; phân tích cơ cấu, thành phần người bị hại về trình độ, độ tuổi, nghề nghiệp, dân tộc… để có phương pháp tuyên truyền phù hợp. Từ đó, lực lượng Công an chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh-nhận định: “Tình hình tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến ngày càng phức tạp, gây hậu quả lớn. Một trong những khó khăn trong công tác điều tra với loại tội phạm này là có sự móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước, liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong và ngoài ngành, liên tục cảnh báo người dân tránh rơi vào các bẫy lừa trên không gian mạng”.

Về công tác điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động lừa đảo qua không gian mạng internet, viễn thông, phương tiện điện tử, Đại tá Dương Văn Long-Phó Giám đốc Công an tỉnh-nhấn mạnh: “Việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, làm tốt công tác phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu của lực lượng Công an để ngăn chặn loại tội phạm này. Đồng thời, cơ quan điều tra các cấp cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng các vụ án liên quan đến hành vi sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về loại tội phạm này; kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp để xác minh, phong tỏa, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt để trả lại cho người bị hại”.

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.

Krông Pa tổ chức phiên tòa giả định xét xử bạo lực học đường và bạo lực gia đình

Krông Pa tổ chức phiên tòa giả định xét xử bạo lực học đường và bạo lực gia đình

(GLO)- Trong 2 ngày (7 và 8-12), Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Huyện đoàn, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án hình sự về bạo lực học đường tại xã Ia Dreh và bạo lực gia đình tại xã Ia Rsai.