Kiến nghị công an 3 tỉnh làm rõ ai "tiếp tay" bán đất trồng lúa cho Công ty Alibaba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần hàng trăm nghìn mét vuông đất trồng lúa tại các tỉnh thành được các bị cáo thu mua từ nông dân và "vẽ" nên các dự án dân cư "đáng mơ ước", dụ khách hàng nộp tiền vào Công ty Alibaba.

Ngày 29-12, TAND TP HCM bắt đầu tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba.

Liên quan vụ án, HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Gia Lai tiếp tục làm rõ sai phạm của các cá nhân có liên quan đến việc người dân địa phương bán đất trồng lúa cho các bị cáo từng làm việc tại Công ty Alibaba.

HĐXX cho biết theo Luật đất đai năm 2013, đất trồng lúa chỉ được chuyển nhượng giữa các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong một xã. Luật cấm không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.


 

 Các bị cáo có mặt tại tòa ngày 29-12.
Các bị cáo có mặt tại tòa ngày 29-12.


Trong khi đó, kết quả xác minh thì bị cáo Trịnh Minh Pháp (cựu Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển 108; bị HĐXX tuyên 13 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong vụ án này) có đăng ký hộ khẩu thường trú tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai và tạm trú tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến trước khi bị bắt, Pháp là nhân viên kinh doanh bất động sản của Công ty Alibaba có trụ sở tại TP Thủ Đức, TP HCM.

 

Bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (hàng thứ nhất) và Nguyễn Thái Lực (hàng thứ 3) tại tòa.
Bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (hàng thứ nhất) và Nguyễn Thái Lực (hàng thứ 3) tại tòa.


Nhưng trong ngày 25-12-2018 và 18-1-2019, lần lượt Phó Chủ tịch UBND phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai và Phó Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại xác nhận Trịnh Minh Pháp đang trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất đất nông nghiệp.

Từ các văn bản trên, Trịnh Minh Pháp đã đứng tên nhận chuyển nhượng nhiều thửa đất lúa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó lập nhiều dự án khống bán cho người dân gây thiệt hại đặc biệt lớn.

Tương tự trường hợp của Pháp còn có hành vi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa của bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện; Giám đốc Công ty Alibaba, lãnh 17 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện; 27 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền").

Tổng cộng, cả ba đã nhận chuyển nhượng hơn 89.000m2 đất trồng lúa tại tỉnh Đồng Nai và hơn 6.300m2 đất trồng lúa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Do đó, HĐXX có kiến nghị như trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

 


Trả hai túi tài sản cá nhân cho Nguyễn Thái Luyện

Về 20 thỏi kim loại màu vàng mà cơ quan công an đã thu giữ tại Công ty Alibaba, HĐXX cho biết kết quả giám định toàn bộ số hợp kim trên không phải là vàng.

Về hai túi ni-lông chứa tài liệu là giấy tờ cá nhân của bị cáo Luyện, HĐXX nhận định đây là tài sản riêng của bị cáo, không liên quan đến hành vi phạm tội nên chấp nhận yêu cầu cho bị cáo được nhận lại tài sản này.

Tuy nhiên, các con dấu, tài liệu kế toán, tài liệu công ty và những vật chứng có giá trị chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo bị chuyển lưu theo hồ sơ vụ án.

Trước đó, sau khi nghe đại diện VKSND TP HCM đề nghị HĐXX tiêu hủy 20 thỏi kim loại màu vàng, bị cáo Luyện đã xin nhận lại 2 hộp đựng 20 thỏi kim loại. Luyện nói trong 2 hộp này có nhiều chứng từ, ngân phiếu có giá trị.

Theo Ý Linh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.