Kiếm sống 'vô hình': Nước nổi, thuyền nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thảo luận mở về vấn đề tiền lương công nhân, người lao động hiện nay không đủ sống, các chuyên gia đề xuất chính sách an sinh xã hội cần được xây dựng hoặc thay đổi kịp thời theo thực tiễn và mang tính bền vững hơn.
Thách thức lớn ở đô thị
Th.S Vũ Văn Hiệu, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết người lao động (NLĐ) tại các khu đô thị lớn như TP.HCM đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức.
Th.S Vũ Văn Hiệu so sánh một số tiêu chí về kinh tế - xã hội của năm 2021 so với năm 2020, dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê như sau: Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%; lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81%; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị là 5,09%, tăng 1,39 điểm phần trăm.

Một khu trọ nghèo tại Q.8, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Duy
Một khu trọ nghèo tại Q.8, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Duy
Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2021 không tăng so với năm 2020; thu nhập bình quân tháng của NLĐ trong quý 4/2021 là 5,3 triệu đồng, giảm 624.000 đồng so với cùng kỳ.
Chính vì vậy, để thích ứng với cuộc sống tại các đô thị lớn như TP.HCM trong bối cảnh ảnh hưởng do dịch Covid-19, NLĐ phải sử dụng đến phần tiết kiệm vốn ít ỏi của mình, hoặc chọn cách rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để giải quyết các khó khăn trước mắt.
Số liệu của BHXH TP.HCM cho thấy 3 tháng đầu năm 2022, có khoảng 37.000 người làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021.
Th.S Vũ Văn Hiệu nhận định việc đa dạng hóa việc làm và tăng giờ làm thêm là chính sách cần kíp cho NLĐ hiện nay. Tuy vậy, chỉ nên xem đó là giải pháp tạm thời, bởi xét về lâu dài có thể để lại nhiều hệ lụy cho NLĐ như suy giảm sức khỏe, mất an toàn trong lao động hay thiếu hụt giáo dục gia đình đối với con cái của họ…
Đánh giá cao vai trò hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt với các chính sách điển hình như tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho NLĐ; BHXH bù đắp phần thu nhập bị suy giảm khi đau ốm, tai nạn lao động, tuổi già; trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên..., Th.S Vũ Văn Hiệu nhận định với xu hướng thị trường lao động hiện nay, vẫn còn một bộ phận NLĐ trong khu vực kinh tế phi chính thức chưa được bảo đảm an sinh xã hội một cách đầy đủ, và phần lớn trong số đó sẽ không có lương hưu khi hết tuổi lao động.
Th.S Vũ Văn Hiệu kiến nghị một số giải pháp để phát triển chính sách an sinh xã hội. Đơn cử như cần tính toán giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 5 năm so với quy định hiện nay để tạo điều kiện cho nhóm NLĐ ở độ tuổi trung niên vốn thường khó tiếp cận việc làm mới có thể tiếp cận chính sách BHXH. Đồng thời, với BHXH tự nguyện, cần linh hoạt về độ tuổi có thể hưởng chế độ hưu trí để thúc đẩy NLĐ tự do tham gia BHXH tự nguyện.
“Việc rút ngắn khoảng cách giữa NLĐ và người sử dụng lao động thông qua nền tảng chia sẻ thông tin, giao dịch việc làm trực tuyến cũng là biện pháp cần thiết”, Th.S Vũ Văn Hiệu nói.
Riêng với TP.HCM, chuyên gia nhận định cần phát huy chức năng, vai trò của trung tâm an sinh trong bối cảnh mới. Dẫu ngành LĐ-TB-XH và tổ chức công đoàn giữ vai trò chủ chốt, tuy nhiên nhà nước cần huy động các nguồn lực khác, từ trung tâm; tổ, nhóm, câu lạc bộ công tác xã hội tại địa phương; doanh nghiệp; đoàn thể (như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...) và tổ chức xã hội vào quá trình phổ biến cũng như trợ giúp NLĐ tiếp cận hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Nhiều con em công nhân, người lao động tại một khu trọ nghèo ở TP.HCM buộc phải nghỉ học sớm vì kinh tế gia đình khó khăn
Nhiều con em công nhân, người lao động tại một khu trọ nghèo ở TP.HCM buộc phải nghỉ học sớm vì kinh tế gia đình khó khăn
Nhìn lại khái niệm nội hàm
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống và xã hội (Viện Social Life), cũng có những cảm xúc riêng biệt khi nói về đời sống của công nhân, NLĐ.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho hay: “Sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị đã thúc đẩy dòng người di dân liên tục hơn 2 thập kỷ qua ở Việt Nam. Tại những đô thị lớn, công nhân, NLĐ cứ đi đi về về giữa nhà máy và xóm trọ, tết nhất lục đục về quê và sau tết lại tất tưởi lên những chuyến xe khách đến các đô thị mưu sinh. Cuộc sống cứ xoay tròn theo từng năm và có khi từng thế hệ. Có lẽ vì vậy, các khu đô thị xa hoa với thành tựu phát triển kinh tế nhưng cũng cho thấy NLĐ dường như ngày càng trở nên vô hình, ít khi được hiển hiện như nguồn lực phát triển”.
Trong khi thực tế, theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, lương công nhân, NLĐ hiện nay đang bị khống chế bởi mức lương khu vực, nhưng lương khu vực không theo kịp chi phí tiêu dùng. Thế nên thông thường, công nhân muốn đủ sống, bám trụ thành phố thì phải làm việc nhiều hơn. Tình trạng “làm nhiều hơn để mua sự an sinh” đã xuất hiện từ trước chứ không phải vì bối cảnh Covid-19. Điển hình là rất hiếm NLĐ từ chối tăng ca, bởi đó là động lực để họ tăng thêm thu nhập.

Người dân tập trung rút bảo hiểm xã hội một lần tại TP.HCM
Người dân tập trung rút bảo hiểm xã hội một lần tại TP.HCM
Năm 2005, Việt Nam có chính sách xã hội hóa các dịch vụ công, tức chuyển sang thị trường phúc lợi để chia sẻ hạ tầng về an sinh với nhà nước. Lúc đó NLĐ phải mất rất nhiều chi phí để bù đắp các dịch vụ công. Phía nhà nước cũng đã và đang nỗ lực để xây dựng hệ thống BHXH. Tuy nhiên, mô hình này lại đang bị thách thức do xu hướng NLĐ rút BHXH một lần tăng cao. Điều này dẫn đến tình huống doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng lao động dịch vụ hay lao động không tiền lương, đẩy mạnh “phi chính thức hóa” lao động.
Chuyên gia khuyến nghị xây dựng hệ thống phúc lợi theo hướng bền vững và “nước nổi, thuyền nổi” - tức phù hợp thực tế. Cụ thể, cần xem xét những khái niệm nội hàm, đơn cử nên xem xét thay đổi theo hướng “lương đủ sống”, việc làm thỏa đáng, việc làm bền vững hơn là “lương theo vùng” hay “lương khu vực”, vì lương theo vùng khó xác định, đôi khi đánh giá không sát và có độ vênh so với thực tiễn.
“Mỗi lần thay đổi lương theo vùng thì cần họp để quyết định và phải chờ đợi. Trong khi đó, giá cả thị trường, mức sống biến động khác nhau ở các địa phương. Nên chăng các địa phương được quyền thích ứng kịp thời, điều chỉnh lương phù hợp cho NLĐ? Ngoài ra, hệ thống BHXH của chúng ta cũng cần phải chuyển hướng đa tầng, có nhiều lựa chọn để NLĐ tham gia”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nói.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc giải thích thêm: Khi nền kinh tế mở cửa từ đầu những năm 1990, Việt Nam với chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhà đầu tư như chính sách tiền lương giá rẻ, đầu tư quy hoạch các khu công nghiệp tập trung… đã tạo ra sức hút lao động từ các khu vực từ nông thôn về các vùng kinh tế trọng điểm. Trong khi đó, những doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam dường như mặc nhiên trách nhiệm xã hội đối với NLĐ thuộc về quốc gia sở tại. Đến giờ này, đây cũng là cơ hội để nhà nước xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động, hướng tới xu hướng lao động sản xuất giá trị cao hơn thay vì ở phân khúc gia công.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cũng lưu ý việc tính tới những khoảng trống về hạ tầng xã hội. “Làm hạ tầng đô thị cần tính tới hạ tầng phúc lợi, tính luôn cả người di cư để tránh tình trạng quá tải về nhà ở, trường học cho con em họ... Đồng thời, cần có những ưu đãi chính sách hướng tới và bao phủ NLĐ thu nhập thấp như dịch vụ nhà ở công nhân, nhà trọ. Bởi điều này vừa khuyến khích dịch vụ thương mại địa phương, vừa tạo điều kiện cho nguồn lực xã hội tham gia. Nhà nước và người dân, mà cụ thể là nguồn lực xã hội cùng hợp tác để cùng xây dựng hạ tầng đô thị, chứ không chỉ dừng lại sự ủng hộ nữa”, ông Lộc cho hay.
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.