Kích cầu tín dụng bằng vốn ngắn hạn lãi suất thấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các ngân hàng thương mại đang đồng loạt tung ra các gói cho vay ngắn hạn với mức lãi suất thấp để kích cầu tín dụng trong quý IV. Đây thường là thời điểm nhu cầu và khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất.

Khó tăng trưởng tín dụng là mối bận tâm hàng đầu của các ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào, room tín dụng để cho vay không thiếu, song nhiều ngân hàng thương mại không thể tăng trưởng mà còn liên tục giảm dư nợ từ đầu năm đến nay. Ông Dương Công Minh-Giám đốc ACB Gia Lai-cho biết: “Chúng tôi đang triển khai một số chương trình cho vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất chỉ 5%/năm mà cũng không có khách hàng. Thị trường chậm lại, sức mua giảm, hiệu quả đầu tư thấp mà rủi ro cao nên người dân, doanh nghiệp không muốn vay vốn bởi vay về cũng không để làm gì”.

Thay vì dựa vào đòn bẩy tài chính ngân hàng như thường lệ, nhiều doanh nghiệp chủ động chọn giải pháp tiết giảm chi phí, thu gọn quy mô sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay. Ông Phạm Sỹ Đặng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thắng Sỹ (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cho hay: “Năm nay, chúng tôi chỉ nhận một số công trình xây dựng nhỏ nên chủ động cân đối nguồn vốn và tập trung máy móc thiết bị, nhân sự để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm hoàn thành theo kế hoạch. Giá cả vật liệu tăng kéo theo các chi phí khác cũng tăng, việc thanh toán vốn chậm nên doanh nghiệp xây dựng dễ lâm vào tình thế càng làm nhiều càng lỗ”.

SHB Gia Lai triển khai các gói cho vay ngắn hạn áp dụng lãi suất ưu đãi để đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn. Ảnh: H.B

SHB Gia Lai triển khai các gói cho vay ngắn hạn áp dụng lãi suất ưu đãi để đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn. Ảnh: H.B

Không chỉ giảm nhu cầu tín dụng ở khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều hộ kinh doanh, cá nhân cũng không mặn mà vay vốn khi sức mua trên thị trường chậm lại. Bà Nguyễn Thị Thu-hộ kinh doanh ở chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) chia sẻ: “Người buôn bán nhỏ không dám vay mượn để trữ hàng hóa nhiều mà bán đến đâu nhập đến đó, tránh tình trạng hàng tồn kho không có vốn để xoay xở”.

Tương tự, ông Trần Quang Sơn (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Mặc dù giá cà phê, hồ tiêu, sầu riêng đang tăng cao nhưng người nông dân vừa mừng, vừa lo vì không biết giá cả tuột xuống khi nào như đã xảy ra với mặt hàng chanh dây thời gian qua. Không ổn định về giá cả, khó khăn về đầu ra nên nhiều nông dân chỉ giữ nguyên diện tích để chăm sóc chứ không vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất”.

Tính đến cuối tháng 8-2023, huy động vốn toàn ngành Ngân hàng tỉnh đạt 55.608 tỷ đồng, tăng 1.542 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng 3%); tổng dư nợ tín dụng đạt 107.060 tỷ đồng, tăng 4.043 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng 4%). Theo ghi nhận thực tế cho thấy, dư nợ tăng trưởng mạnh chủ yếu đối với các khoản cho vay trung hạn và dài hạn. Trong khi đó, dư nợ cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống tăng trưởng rất chậm.

Ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai-cho biết: “Dư nợ cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của Chi nhánh giảm 15-20% so với đầu năm. Trước những khó khăn có thể nhìn thấy của khách hàng, SHB Gia Lai triển khai các gói cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi 8-9%/năm dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi sẵn sàng giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng trong giai đoạn này”.

Mới đây nhất, thực hiện chủ trương của Chính phủ về xem xét hạ lãi suất cho vay, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã đồng loạt công bố biểu lãi suất huy động mới với mức điều chỉnh giảm 0,3-0,5% ở các kỳ hạn huy động. Theo đó, từ ngày 23-8, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank đều là 5,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 13 tháng trở đi chỉ còn 5,5%/năm, giảm 0,5% so với trước. Để kích cầu tín dụng, từ tháng 7-2023, Agribank dành 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất tài trợ khách hàng xuất-nhập khẩu.

Cụ thể, lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank, áp dụng đối với từng khoản giải ngân trong thời hạn tối đa 6 tháng. Tương tự, ACB triển khai gói cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất 5%/năm, thời hạn vay 6 tháng, tỷ lệ cho vay lên tới 70% giá trị tài sản đảm bảo...

Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn khởi sắc là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào cuối năm. Ảnh: Hải Bình

Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn khởi sắc là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào cuối năm. Ảnh: Hải Bình

Quý IV hàng năm thường là thời điểm nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế tăng mạnh nhất. Điểm qua các yếu tố kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng từ nền kinh tế địa phương, một số ngân hàng thương mại cho rằng có cơ sở để tăng trưởng từ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thương mại, du lịch...

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-nhận định: “Các năm trước, dư nợ tín dụng có xu hướng giảm cho đến tháng 9. Nhưng trong 8 tháng năm 2023, mặc dù khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế còn thấp, tăng trưởng tín dụng chậm nhưng vẫn ở mức cao hơn tỷ lệ huy động vốn. Theo chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn và những nỗ lực của các tổ chức tín dụng khi đưa ra các gói cho vay ưu đãi lãi suất, dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ ở mức 7%”.

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.