Không để học sinh thiếu sách giáo khoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Năm học 2023-2024, Gia Lai tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 4, 8 và 11 theo lộ trình. Để đảm bảo cung ứng sách giáo khoa (SGK) đầy đủ và kịp thời, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tích cực phối hợp với các nhà xuất bản, đơn vị cung ứng cũng như chỉ đạo các trường học chủ động về nguồn sách, quyết tâm không để học sinh thiếu SGK.

Còn không đầy nửa tháng, học sinh toàn tỉnh sẽ chính thức bắt đầu năm học 2023-2024; riêng khối lớp 1 tựu trường vào ngày 22-8. Những ngày này, không khí tại các nhà sách, đại lý SGK trên địa bàn tỉnh khá nhộn nhịp.

Chị Võ Thị Ngọc Ánh (thôn 1, xã Diên Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi có 1 con trai lên lớp 6 và 1 con gái vào lớp 4. Vì cả 2 đều học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là lớp 4 năm nay mới triển khai nên để không bị thiếu SGK, tôi đã tranh thủ đi mua từ khá sớm. Hiện các con chỉ cần bổ sung thêm một vài đầu sách và đồ dùng học tập nữa là đầy đủ”.

Nhân viên Nhà sách Thanh Niên (Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Gia Lai) tư vấn, hướng dẫn học sinh mua SGK theo đúng danh mục. Ảnh: Mộc Trà

Nhân viên Nhà sách Thanh Niên (Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Gia Lai) tư vấn, hướng dẫn học sinh mua SGK theo đúng danh mục. Ảnh: Mộc Trà

Là đơn vị đầu mối về SGK trên địa bàn tỉnh, Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Gia Lai đã chủ động xây dựng kế hoạch, làm việc với các nhà xuất bản để cung ứng đầy đủ, đồng bộ và kịp thời theo đúng kế hoạch, nhất là đối với SGK mới các lớp 4, 8 và 11 năm học 2023-2024. Để thuận tiện cho phụ huynh và học sinh đến mua sách, Công ty còn xây dựng danh mục sách các lớp tại các nhà sách, cửa hàng; đồng thời, cử đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn, hướng dẫn để giúp người mua tránh mua nhầm sách.

Trưởng phòng Kinh doanh Nguyễn Song Luân cho hay: Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã nhập được trên 3,5 triệu bản SGK các lớp, trong đó có gần 1,2 triệu bản SGK các lớp 4, 8, 11. Công ty cũng có mạng lưới phân phối gồm 3 nhà sách và 40 đại lý trực thuộc rải đều khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tạo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh đến mua sách được nhanh hơn. Từ nay tới ngày khai giảng, Công ty sẽ tiếp tục nhập SGK từ các nhà xuất bản với dự kiến khoảng 3,6 triệu bản nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ sách cho học sinh.

Bên cạnh sự chủ động từ phụ huynh, nhiều cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh cũng tích cực triển khai các giải pháp để mua sắm, huy động SGK hỗ trợ học sinh khó khăn để các em yên tâm đến lớp. Theo thầy Nguyễn Trọng Cường-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Păh), năm học 2023-2024, trường dự kiến có hơn 570 học sinh; trong đó học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Để đảm bảo cho tất cả học sinh đều có SGK, ngoài số lượng được cấp theo quy định, nhà trường còn chú trọng xây dựng và phát triển “Tủ sách dùng chung”. Vào cuối mỗi năm học, giáo viên chủ nhiệm sẽ vận động học sinh, nhất là khối 1, 2 và 3 quyên góp, tặng lại SGK để đưa vào tủ sách cho học sinh khóa sau mượn học. Nếu còn thiếu, nhà trường sẽ trích kinh phí mua bổ sung và kết nối với các Mạnh Thường Quân hỗ trợ.

“Năm nay, qua rà soát, dự báo tỷ lệ học sinh thiếu SGK cục bộ (không đủ đầu sách theo danh mục quy định) chiếm khoảng 15% ở mỗi khối (trừ lớp 1 và lớp 5). Vì vậy, nhà trường đã mua sắm, trang bị thêm khoảng 60 bộ SGK cho các lớp 2, 3 và 4 để cho học sinh mượn và làm tài liệu giảng dạy cho giáo viên”-thầy Cường cho biết.

Giáo viên Trường Tiểu học Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) kiểm đếm, bao bìa SGK để cho học sinh khó khăn mượn học tập trong năm học mới. Ảnh: Mộc Trà

Giáo viên Trường Tiểu học Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) kiểm đếm, bao bìa SGK để cho học sinh khó khăn mượn học tập trong năm học mới. Ảnh: Mộc Trà

Tương tự, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cũng đang áp dụng nhiều giải pháp để không học sinh nào thiếu SGK trong năm học mới. Hiệu trưởng Lê Công Tấn nêu thực trạng: Học sinh của trường đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, tỷ lệ có thể tự mua SGK phục vụ học tập chỉ chiếm khoảng 5-6%. Vì vậy, ngoài vận động phụ huynh và học sinh quyên góp SGK đã qua sử dụng, nhà trường còn trích kinh phí để mua bổ sung; đồng thời, tích cực kết nối, vận động Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh trao tặng sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho học sinh trước thềm năm học mới.

“Qua vận động và mua sắm bổ sung, hiện nay, nhà trường đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ SGK cho học sinh. Ngoài ra, mỗi em còn được hỗ trợ 5-10 quyển vở, đồ dùng học tập và 1 bộ đồng phục quần xanh áo trắng vào ngày tựu trường, góp phần tạo tâm thế vui tươi, phấn khởi vào đầu năm học”-thầy Tấn nói.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Long cho biết: Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 306/QĐ-UBND ngày 8-6-2023 về việc phê duyệt danh mục SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 và môn Lịch sử lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT đã kịp thời công bố rộng rãi và yêu cầu các cơ sở giáo dục thông báo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về danh mục SGK các lớp 4, 8, 11 được sử dụng tại nhà trường trong năm học 2023-2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

“Sở GD-ĐT cũng đã thống kê số lượng SGK theo từng môn học ở từng cơ sở giáo dục và cung cấp cho các nhà xuất bản, các công ty liên kết xuất bản và các nhà sách trên địa bàn tỉnh để phối hợp cung ứng SGK chuẩn bị năm học 2023-2024. Cùng với đó, Sở yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch kêu gọi xã hội hóa, vận động tài trợ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; quyết tâm không để học sinh nào thiếu SGK khi bước vào năm học mới 2023-2024”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Khẳng định quan điểm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”

Khẳng định quan điểm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”

(GLO)- Để tiệm cận với giáo dục quốc tế và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN), đồng thời lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo hồ sơ liên quan.
“Bước chạy đà” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

“Bước chạy đà” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

(GLO)- Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh cũng như tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, đúng quy chế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai đã chú trọng tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác thi. Đây được xem như “bước chạy đà” quan trọng trước kỳ thi.
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

(GLO)- Sau 2 tuần tranh tài sôi nổi, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS toàn tỉnh Gia Lai năm học 2023-2024 đã bế mạc vào sáng 23-4. Không chỉ tạo cơ hội cho giáo viên khẳng định năng lực chuyên môn, hội thi còn là dịp đánh giá chất lượng đội ngũ, khích lệ phong trào thi đua dạy tốt-học tốt.
“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

“Làng văn hóa” trong trường nội trú huyện Ia Grai

(GLO)- Thầy và trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cùng gia đình các em học sinh vừa tạo nên ngày hội thấm đẫm phong vị văn hóa các dân tộc. Đây là năm thứ hai nhà trường tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc giúp học sinh đến gần hơn với di sản.