Khốn khổ vì nước thải từ nhà máy ở Khu Công nghiệp Trà Đa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, dòng nước đen ngòm, hôi thối từ Công ty TNHH Hải Phong (Lô E2-E4, Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) chảy trực tiếp ra đường vành đai số 3. Tình trạng này gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt của hàng chục hộ dân xung quanh.

Khoảng hơn 1 tháng nay, đời sống của gần 20 hộ dân tại thôn 3 (xã Trà Đa) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi hôi thối bốc lên từ dòng nước thải của Công ty TNHH Hải Phong. Ông Trương Thanh Quang (thôn 3) cho hay: Trước kia, Công ty TNHH Hải Phong cũng từng bị phản ánh vì xả thải gây hôi thối trong quá trình sản xuất phân bón vi sinh. Sau đó, Công ty đã dừng hoạt động trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng nay, Công ty lại tiếp tục xả thải gây ô nhiễm. Người dân còn chứng kiến nhiều xe chở vỏ chanh dây và xe hút bồn cầu của các công ty dịch vụ vệ sinh ra vào Công ty.

Theo phản ánh của người dân, khi trời mưa, cống xả thải của Công ty TNHH Hải Phong thải trực tiếp ra đường vành đai số 3. Nước thải hòa chung với nước mưa chảy tràn trên mặt đường trước khi chảy xuống hệ thống cống thải chung của Khu Công nghiệp Trà Đa rồi xả ra môi trường tự nhiên tại suối Trà Đa. Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài khiến người dân thôn 3 rất bức xúc.

Nước thải từ Công ty TNHH Hải Phong chảy trực tiếp ra đường vành đai số 3. Ảnh: L.V.N

Nước thải từ Công ty TNHH Hải Phong chảy trực tiếp ra đường vành đai số 3. Ảnh: L.V.N

“Nhà tôi ở cách tường rào của Công ty TNHH Hải Phong gần 100 m nhưng mùi hôi thối xộc vào nhà, phải đóng cửa 24/24 giờ. Mỗi khi trời sắp mưa, chúng tôi lại nghe thấy âm thanh máy móc hoạt động, sau đó mùi hôi khủng khiếp bốc lên. Nước thải thì cứ rỉ rả chảy suốt ngày đêm, khi nào mưa thì chảy nhiều hơn. Tôi nghĩ nhà máy mà sao lại để xảy ra tình trạng nước thải chảy thẳng ra ngoài đường như vậy được”-ông Quang bức xúc.

Cũng theo ông Quang, trước mỗi bữa cơm, các gia đình buộc phải đóng kín cửa để tránh ruồi bám dày đặc. Người dân khốn khổ với tình trạng ruồi muỗi nhiều hơn thường lệ. Ông Quang chia sẻ: “Không lẽ ăn cơm mà phải mắc màn, chứ ruồi nhiều quá, rất mất vệ sinh. Tội nhất là lũ trẻ, nguy cơ bị bệnh đường ruột hay hô hấp rất cao. Những năm trước, người dân đã phải chịu cảnh bụi mịn dính đầy nền nhà và trong không khí. Đến nay thì hôi thối”.

Ông Hoàng Thanh Sang-Trưởng thôn 3-cho biết: “Tôi mong các lực lượng chức năng sớm xử lý dứt điểm để các nhà máy đừng gây tác động tiêu cực đến đời sống của bà con. Làm gì thì làm nhưng bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu”.

Không chỉ những người dân ở khu vực lân cận, người tham gia giao thông qua đường vành đai số 3 cũng bày tỏ sự bức xúc trước việc nước thải xả lênh láng ra mặt đường. Anh Đặng Xuân Tiến (thôn 1, xã Biển Hồ) nói: “Hàng ngày, tôi đều đi qua khu vực này thấy rất hôi thối, phải bịt mũi lại. Đang đi mà nước thải bắn lên quần áo thì chỉ có cách thay thôi. Tôi không thấy ở đâu mà nước thải đen ngòm, hôi thối như vậy lại trực tiếp chảy ra đường, rồi chảy vào suối như thế”.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Thắng-Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh-cho hay: “Công ty TNHH Hải Phong chưa được phép chế biến phân vi sinh từ vỏ chanh dây nhưng vẫn tập kết tại nhà máy. Chúng tôi sẽ lập tức làm việc với Công ty để chấn chỉnh, xử lý triệt để. Chúng tôi luôn yêu cầu doanh nghiệp hoạt động phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về đảm bảo môi trường”.

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.