Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị: Người gây ô nhiễm phải trả tiền?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo các chuyên gia, để cải thiện việc xử lý nước thải tại các đô thị, giải pháp cấp thiết hiện nay là cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hoá, theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)


Bày tỏ lo ngại trước thực trạng nước thải sinh hoạt tại các đô thị chưa qua xử lý vẫn ngang nhiên xả ra môi trường, làm giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người, giới chuyên gia môi trường cho rằng giải pháp cấp thiết hiện nay là cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hoá theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Năng lực xử lý nước thải đô thị rất thấp

Đề cập tới bức tranh toàn cảnh về nước thải ở các đô thị trên cả nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nêu lên thực tế hiện nay khoảng 80% đến 90% nước thải đang xả thẳng ra môi trường.

Theo ông Huân, thực trạng trên cho thấy năng lực xử lý nước thải ở các đô thị đang rất thấp, nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Trong khi việc quy hoạch, công nghệ, chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực nguồn vốn, nhân lực đang có vấn đề. “Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì khoảng 20-30 năm tới, chúng ta sẽ không có đủ nước sạch để dùng - đây là nguy cơ rất đáng báo động,” ông Huân chia sẻ.

Cùng bàn về vấn đề trên, ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng Phòng Quản lý thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng quá trình đô thị hóa không đi kèm với phát triển hạ tầng nên việc thu gom nước thải và xử lý nước thải còn gặp rất nhiều khó khăn. Tại các đô thị ở Việt Nam, đa số là hệ thống xử lý nước thải chung, trong khi theo quy định thì cần hệ thống riêng, tách 2 hệ thống song hành.

“Hiện 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển đổi thành cống nước thải nhưng cũng làm giảm năng lực thoát nước. Sự phát triển của các đô thị và sự phát triển của hệ thống thoát nước có khoảng cách lớn,” ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Vụ quản lý chất thải, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng nêu ra thực trạng hiện nay việc đầu tư cho hệ thống thu gom nước thải khá lớn, trong khi giá xử lý nước thải khá thấp (chỉ chiếm 10%), nên chưa thu hút được khối đầu tư tư nhân và nước ngoài tham gia…

Nói thêm về khía cạnh chính sách, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho biết từ năm 2013, Tại Hội nghị 7 khóa XII, Đảng đã đưa ra Nghị quyết 24, Nghị quyết về bảo vệ môi trường, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về xử lý nước thải. Các bộ, ban, ngành đều có những chính sách quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Mới nhất, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rõ các chỉ tiêu không được xả thải ra môi trường.

“Có thể thấy tầm nhìn của các chính sách đã có. Tuy nhiên, việc tập trung chuyển đổi cơ cấu thay đổi chậm hơn so với thực tế. Vấn đề môi trường vẫn theo xu hướng hoạt động công ích, bao cấp. Nguồn lực chủ yếu dựa vào nguồn vốn ODA để xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong khi xử lý nước thải triệt để không chỉ là nhà máy mà còn là vấn đề thu gom, công nghệ,” ông Huân nói.

Với tình trạng hệ thống hạ tầng xử lý như hiện nay, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng “sẽ còn xa mới đáp ứng được nhu cầu.” Do vậy, để đảm bao được hạ tầng thì Việt Nam cần sự đầu tư sơ bộ để xử lý tối thiểu là 20 tỷ USD. Đây là 1 lượng kinh phí lớn không dễ gì đáp ứng được.

Cần đổi mới chính sách, thu hút đầu tư

Trước thực tế nêu trên, ông Nguyên Thế Đồng cho rằng đối với Việt Nam, để đạt được mức độ quản lý môi trường nước đang là “sự mơ ước.” Thực tế này khiến Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc học tập kinh nghiệm, hợp tác với các quốc gia phát triển là rất quan trọng để có thể đẩy nhanh xử lý ô nhiễm.


 

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)


Theo đó, ông Đồng đề xuất Việt Nam có thể xem lại các hệ thống chính sách cơ chế hiện hành, để khơi thông nguồn lực quốc gia, phát triển hợp tác quốc tế. Tiếp đó, Việt Nam cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hoá - theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, làm sao để công tác này phải có nguồn thu.

Nhìn nhận ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng việc huy động được vốn đầu tư từ khối tư nhân là giải pháp rất tốt nhưng nhà đầu tư thường quan tâm đến thời gian thu hồi vốn. Do đó cần có chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư tư nhân.

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi không sử dụng nguồn vốn theo hướng hoạt động công ích, mà cần kêu gọi tư nhân đầu tư, theo hướng kinh tế thị trường, cổ phần hóa công ty cấp nước, xử lý nước thải chuyển đổi. Hiện nay, có thể thấy chính sách đã có, bắt tay vào thực hiện cần cụ thể hơn, tiếp cận theo hướng kinh tế thị trường.

Ông Huân kiến nghị các chính sách nên học hỏi kinh nghiệm từ những nước đi trước. Tuy nhiên, việc học hỏi cần áp dụng gắn với thực tế ở Việt Nam.

“Gần đây nhất, tại Nghị quyết đại hội XIII có mục chỉ tiêu xử lý nước thải là 70%. Theo đó, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn từ 10-20 tỷ USD. Do vậy, chúng ta cần có chính sách để thu hút tư nhân đầu tư, áp dụng kinh tế thị trường, dùng các nguồn thu bù cho phí xử lý,” ông Huân lưu ý.

Ông Lương Ngọc Khánh, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cũng cho rằng đã đến lúc, việc quản lý và xử lý nước thải tại các đô thị Việt Nam cần được quan tâm hơn ở mọi khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành.

“Ngoài ra, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài và bền vững, cần tăng cường các biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, trong thời gian tới, chúng ta cần hướng tới việc xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải đô thị cho các không gian xanh, tưới và làm sạch đô thị,” ông Khánh chia sẻ thêm.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Giữ lại màu xanh

Giữ lại màu xanh

(GLO)- Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhiều cánh rừng xanh mênh mông giờ đã trở thành khu dân cư với những con đường rộng mở, tòa nhà kiên cố.
Minh bạch thu, chi tại chung cư

Minh bạch thu, chi tại chung cư

Dù luật đã có nhưng một số nơi chính quyền địa phương vẫn thờ ơ, không quyết liệt trong vấn đề xử lý những sai phạm của ban quản trị (BQT) chung cư, đây là nguyên nhân dẫn đến việc các BQT lạm quyền.
Ngôi nhà ấm áp giống như tổ dế mèn

Ngôi nhà ấm áp giống như tổ dế mèn

Lấy cảm hứng từ câu chuyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, chủ nhân ngôi nhà mong muốn đây sẽ là không gian để cậu con trai được hình thành tính cách tự do, cởi mở tận hưởng nắng và sương, ca hát ầm ĩ dưới bầu trời...
Lặng thầm làm đẹp đường phố trước thềm năm mới

Lặng thầm làm đẹp đường phố trước thềm năm mới

(GLO)- Ngày 30 Tết, khi mọi người hối hả mua sắm để chuẩn bị cho cái Tết được tươm tất thì những công nhân Đội Vệ sinh môi trường của Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai lại cật lực với việc thu gom rác thải nhằm đem lại cho Phố núi Pleiku một không gian sạch sẽ trước thềm năm mới.