Khoảng 15% bệnh nhân phát hiện ung thư phổi ở Việt Nam còn sống sau 5 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Số bệnh nhân châu Á chiếm khoảng 60% tổng số ca ung thư phổi trên toàn thế giới, trong đó riêng Việt Nam có hơn 26.200 trường hợp được chẩn đoán mắc mới mỗi năm và gần 23.800 ca tử vong.

 
Bệnh nhân lấy máu xét nghiệm tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: PV/Vietnam+
Bệnh nhân lấy máu xét nghiệm tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: PV/Vietnam+
Tiến sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh Viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho hay theo ước tính, tại Việt Nam chỉ có khoảng 15% bệnh nhân mắc ung thư phổi còn sống sót sau 5 năm, do nhiều bệnh nhân đến khám phát hiện bệnh ở giai đoạn đã muộn.
Đặc biệt, theo công bố mới về đồng thuận của các chuyên gia y tế trên Tạp chí Ung thư lồng ngực (Journal of Thoracic Oncology), bệnh nhân châu Á chiếm khoảng 60% tổng số ca ung thư phổi trên toàn thế giới, trong đó riêng Việt Nam có hơn 26.200 trường hợp được chẩn đoán mắc mới mỗi năm và gần 23.800 ca tử vong.
Ung thư phổi là căn bệnh ung thư phổ biến và gây tử vong cao thứ hai tại Việt Nam, tuy vậy, theo các chuyên gia, nhiều hình thức chẩn đoán và phác đồ điều trị ung thư trong nước và khu vực đang được thực hiện theo hình mẫu của Mỹ và châu Âu, nơi đặc điểm bệnh nhân và bệnh lý có những điểm khác biệt.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc thay đổi hình thức chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ tại Việt Nam và châu Á là rất cấp thiết để đáp ứng tốt hơn đặc điểm của bệnh nhân trong khu vực.
Điển hình, tỷ lệ đột biến gene EGFR (thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì) ở bệnh nhân châu Á cao hơn hẳn so với các khu vực còn lại. Đột biến này được tìm thấy ở hơn 50% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ. Việc xác định đột biến gene EGFR của các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể giúp bác sỹ xác định các phương pháp điều trị phù hợp, vì vậy xét nghiệm EGFR có thể được xem như một “dấu ấn sinh học" lý tưởng để chỉ dẫn cho phác đồ điều trị.
Tuy nhiên, khoảng hai phần ba số nhân viên y tế ở châu Á được khảo sát cho biết chỉ chưa đến một nửa số bệnh nhân ung thư phổi được thực hiện xét nghiệm dấu ấn sinh học này.
Dù hút thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi, nhiều bệnh nhân tại châu Á mắc ung thư phổi ở độ tuổi trẻ hơn lại chưa bao giờ hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ tại châu Á khi so sánh với các khu vực khác trên thế giới. Bệnh nhân mắc ung thư phổi mà không hút thuốc lá sẽ có xu hướng xuất hiện đột biến gen EGFR cao hơn.
Tiến sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh cho hay để hướng tới mục tiêu giảm thiểu tử vong do ung thư phổi ở Việt Nam thì việc xét nghiệm đột biến gene hay dấu ấn sinh học là rất cần thiết, không chỉ ở giai đoạn muộn mà ngay cả ở giai đoạn sớm bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ vì sẽ giúp bác sỹ hiểu rõ đặc điểm của bệnh nhân và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Điều này không chỉ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị, mà còn giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế khi phải điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn muộn.
Giáo sư Tetsuya Mitsudomi - Trung tâm Liên minh nghiên cứu toàn cầu và phẫu thuật lồng ngực (Bệnh viện Kindai, Nhật Bản) cho biết xét nghiệm dấu ấn sinh học định kỳ cho tất cả bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ở châu Á có thể giúp cải thiện kết quả chẩn đoán, giảm thiểu các quy trình không cần thiết và đảm bảo lựa chọn phác đồ điều trị có lợi nhất cho từng bệnh nhân, từ đó mang lại kết quả tốt nhất cho họ.
Thực tế tại Việt Nam, trên 75% bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn di căn xa khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tiên lượng sống sau 5 năm chỉ khoảng 15%. Trong khi đó, nếu ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm thì cơ hội điều trị khỏi với thời gian sống thêm dài hơn nhiều (tỷ lệ sống thêm sau 5 năm khi phát hiện ở giai đoạn I là từ 77%-92%).
Nguyên nhân nhiều trường hợp mắc ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn là vì bệnh nhân ung thư phổi không có triệu chứng ở giai đoạn sớm hoặc triệu chứng không đặc hiệu và dễ bị bỏ sót ở giai đoạn muộn.
Theo Phó giáo sư Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen-dị ứng-miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh, người bệnh khi đến khám tại bệnh viện với các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở, đau ngực hay sụt cân khi chẩn đoán xác định ung thư phổi, hầu hết trường hợp kết quả trả về ở giai đoạn di căn tiến xa. Do đó, người có nguy cơ cao bị ung thư phổi nên được tầm soát để phát hiện sớm ung thư phổi ngay khi bệnh chưa có triệu chứng rõ rệt.
Với mục tiêu mang lại một công cụ giúp cộng đồng có thể tự kiểm tra và đánh giá nguy cơ ung thư phổi, Liên Chi hội hen-dị ứng-miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh với sự tài trợ của AstraZeneca Việt Nam đã phát triển công cụ Bộ câu hỏi đánh giá nguy cơ ung thư phổi để giúp người dân nhận biết được nguy cơ mắc bệnh của mình và người thân để xem xét việc tầm soát ung thư phổi.
Người dân có thể truy cập vào trang nguycoungthuphoi.com để trả lời bộ câu hỏi, đánh giá nguy cơ cũng như tìm hiểu các thông tin về căn bệnh này.
Theo T.G (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: N.N

Bệnh sởi diễn biến phức tạp

(GLO)- Những ngày qua, Gia Lai ghi nhận nhiều ca bệnh sởi ở trẻ em và người lớn. Hiện bệnh sởi đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp chủ quan, không kịp thời phát hiện bệnh đã trở thành nguồn lây cho gia đình và cộng đồng.

Gia Lai: Liên tiếp tử vong do bệnh dại, người dân lo ngại ổ dịch chó dại trong cộng đồng

Gia Lai: Liên tiếp tử vong do bệnh dại, người dân lo ngại ổ dịch chó dại trong cộng đồng

(GLO)- Chỉ từ tháng 12-2024 đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại. Số lượt người đến tiêm phòng vắc xin dại cũng tăng cao do người dân lo ngại ổ dịch chó dại đã và đang tồn tại trong cộng đồng, vì vậy, chủ động tiêm phòng vắc xin dại khi chẳng may bị chó mèo cào, cắn.

Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và ung thư. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua vai trò của việc tập thể dục trong việc giúp não khỏe mạnh.

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Thời điểm lây lan mạnh nhất của virus cúm thường rơi vào khoảng 3 - 4 ngày đầu tiên của bệnh. Nếu trẻ đang bị cúm, bạn nên chờ cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi bệnh trước khi tiêm vắc xin cúm.

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

(GLO)- Với chức năng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y-bác sĩ Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 211) luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tại đây, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt dù bệnh nhân đang trong tình huống “thập tử nhất sinh”.