Khó khăn ở làng tái định cư Ia Bia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 9 năm chuyển về nơi tái định cư, gần 500 người dân làng Ia Bia (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt và đất sản xuất.

Trước năm 2008, làng Kông Chêng thuộc diện nghèo đói nhất của xã Ia Le vì người dân thiếu đất sản xuất và đất ở.  Nhằm giúp người dân thoát khỏi tình trạng này, năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án tái định cư và di dời gần 500 nhân khẩu làng Kông Chêng đến thành lập làng Ia Bia. Làng tái định cư Ia Bia có diện tích 60 ha được quy hoạch dọc theo quốc lộ 14. Mỗi hộ chuyển đến ở được hỗ trợ xây dựng một căn nhà xây kiên cố và 1.500 m2 đất vườn.

 

Khu tái định cư Ia Bia. Ảnh: N.T
Khu tái định cư Ia Bia. Ảnh: N.T

Để giúp cuộc sống của người dân khi chuyển đến làng mới được thuận lợi hơn, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống ống dẫn nước phục vụ sinh hoạt và trường học ngay tại làng. Tuy nhiên, 9 năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp muôn vàn khó khăn bởi những tính toán chưa đầy đủ từ khi quy hoạch chọn địa điểm xây dựng làng tái định cư. Làng Ia Bia hiện có 98 hộ thì có đến 25 hộ cận nghèo. Ngoài ra, có 20 hộ đã bỏ làng Ia Bia trở về làng cũ cách đó 10 km sinh sống. Nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch trầm trọng và đất đai cằn cỗi khiến các hộ dân gặp khó trong sinh hoạt, sản xuất.

Làng Ia Bia được xây dựng giữa một triền đồi đầy sỏi. Đa phần cây cối quanh làng đã khô quắt. Nhiều khu vườn quanh nhà ở, người dân trồng hồ tiêu và hoa màu nhưng tất cả đều héo rũ. Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, cửa bị tháo dỡ còn trơ khung, mái tôn rỉ sét.

Có mặt tại làng Ia Bia vào giữa buổi sáng, chúng tôi thấy từng tốp người chạy xe máy từ hướng quốc lộ 14 vào làng chở theo nhiều can nước. Có người còn dùng cả xe công nông để chở nước. Tiếp chuyện chúng tôi bên chiếc xe công nông chở đầy những can chứa nước, anh Kpă Aluk nói: “Nhà mình có cái giếng khoan nhưng nước bị nhiễm vôi nên không dám uống mà chỉ để tắm rửa, giặt giũ thôi. Muốn có nước ăn uống, mình phải về làng cũ cách đây 10 km để chở. Cả làng này đều phải đi xin nước, không riêng nhà mình đâu”.

Dẫn chúng tôi ra giếng nước bên hông nhà, ông Rmah Chik-Trưởng thôn Ia Bia, chia sẻ: “Nước sạch là vấn đề nan giải ở làng Ia Bia. Thiếu nước khiến cuộc sống và việc trồng trọt của dân làng khó khăn. Khi mới lập làng, Nhà nước khoan cho làng 2 giếng nhưng sau đó phải bỏ không vì khi bơm lên nước có phèn và nhiễm vôi. Tương tự, 24 giếng khoan và 8 giếng đào của các hộ dân tự bỏ tiền cũng phải bỏ”.

Tình trạng thiếu nước sạch không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân làng Ia Bia mà còn ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên tại điểm trường Mầm non và Tiểu học làng Ia Bia. Theo cô Nguyễn Thị Nụ-giáo viên lớp Mầm non điểm trường làng Ia Bia (thuộc Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Ia Le) thì để có nước sạch cho học sinh và giáo viên uống, rửa ráy, các cô giáo phải vào làng xin hoặc tự bỏ tiền mua nước đóng bình. “Trước đây, chúng tôi thường xuyên vào làng Ia Bia xin nước nhưng sau thấy mọi người vất vả đi chở nên chúng tôi tự mua; đối với nước uống thì dặn phụ huynh mang theo khi đưa các em đến lớp. Phòng vệ sinh ở điểm trường cũng phải khóa cửa vì không có nước”-cô Nụ cho hay.

Bên cạnh việc thiếu nước sạch, người dân làng Ia Bia còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì đất đai nơi đây quá cằn cỗi, chủ yếu là đá sỏi khiến cây trồng sinh trưởng chậm. Đặc biệt là vào mùa nắng, đất đai khô cứng khiến cây cối héo quắt. Ngoài ra, trong làng có một số hộ dân chỉ được cấp đất ở chứ chưa được cấp đất sản xuất nên họ phải trở về làng cũ thuê đất hoặc đi làm thuê cho các hộ dân trong vùng.“Đất ở đây xấu lắm không trồng được cây gì đâu. Nhà mình trồng hồ tiêu nhưng chết hết rồi. Nhà mình và một số hộ trong làng phải về làng cũ thuê đất trồng hồ tiêu, trồng lúa để có cái ăn đấy”- ông Rmah Gâu cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, bà Siu H’Bhem-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Le, cho biết, UBND xã đã báo cáo với cấp trên về tình trạng thiếu nước sạch, đất canh tác của người dân làng Ia Bia và cũng kiến nghị cấp trên sớm có biện pháp để giúp cải thiện cuộc sống người dân nơi đây.

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.