Khắc phục hạn chế để phát huy hiệu quả mô hình nông hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện mô hình nông hội do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức vào chiều 31-10 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố.

Hiệu quả từ mô hình nông hội

Báo cáo tại hội nghị cho biết, hiện toàn tỉnh đã thành lập 168 mô hình nông hội tại 17 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 4.983 hội viên. Trong đó, lĩnh vực sản xuất rau, hoa, cây ăn quả có 43 nông hội; lĩnh vực trồng cà phê, điều, mắc ca, thuốc lá có 36 nông hội; lĩnh vực chăn nuôi cá, dê, thỏ, bò, dúi, chim có 32 nông hội; lĩnh vực trồng lúa, bắp, mía, mì, sầu riêng có 48 nông hội; lĩnh vực ngành, nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rượu ghè) có 6 nông hội; lĩnh vực sản xuất phân bón, ươm cây giống, gia công nghệ thuật có 3 nông hội.

1-8440.jpg
Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thực hiện mô hình Nông hội trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Ảnh: Đức Thụy

Đến thời điểm này, hoạt động tốt nhất là các nông hội trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi với mô hình phát triển theo hướng hàng hóa, sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ, phần nào phát huy hiệu quả kinh tế trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống của các hội viên khi tham gia nông hội từng bước được cải thiện rõ rệt.

Một trong những nguyên nhân giúp các nông hội đạt hiệu quả chính là nhờ hoạt động tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân, hội viên nông hội, góp phần đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Y Khâm cho biết: “Các hội viên nông hội đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, xây dựng sản phẩm OCOP; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C; ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó là phát triển được các mô hình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và hộ nông dân, giữa các hộ nông dân để sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và mã vùng sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững”.

phat-trien-cay-an-qua-tai-xa-dak-ko-ning-anh-nguyen-diep.jpg
Phát triển cây ăn quả tại xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trong khi đó, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Nguyễn Hữu Nghị cho hay: Nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực được ưu tiên vốn tín dụng. Thời gian qua, các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã dành tỷ trọng lớn nguồn vốn để ưu tiên đầu tư mở rộng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đẩy mạnh cho vay tại các vùng sản xuất chuyên canh, hộ gia đình, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nếu đủ điều kiện cho vay theo quy định hiện hành.

Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đến ngày 30-9-2024 đạt 23.412 tỷ đồng với 178.930 khách hàng, chiếm 20,4% tổng dư nợ cho vay.

nguoi-dan-huyen-phu-thien-nuoi-tom-ca-anh-hong-thuong.jpg
Người dân huyện Phú Thiện nuôi tôm, cá. Ảnh: Hồng Thương

Về kinh nghiệm để mô hình nông hội hoạt động hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Păh Nguyễn Quang Trường chia sẻ: “Các nông hội trên địa bàn huyện luôn hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng và hỗ trợ sản xuất kinh doanh; cổ vũ và hỗ trợ nông dân tham gia khởi nghiệp; tìm các giải pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất trong phạm vi hoạt động của nông hội.

Hàng tháng, hàng quý, các hội viên tự thỏa thuận về thời gian tổ chức sinh hoạt nhằm không ảnh hưởng đến sinh kế, mùa màng, chăm lo gia đình; nội dung, hình thức sinh hoạt theo hướng gắn với lợi ích thiết thực của hội viên, gợi mở để các hội viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật trồng trọt”.

Khắc phục hạn chế để phát triển bền vững

Thời gian qua, việc xây dựng mô hình nông hội trở thành mục tiêu phấn đấu của các địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động. Cách thức tổ chức hoạt động của nông hội đơn giản, gần gũi, có ý nghĩa thiết thực với đời sống và sản xuất nên được người dân đồng tình hưởng ứng.

2-1853.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 11 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thực hiện mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, mô hình nông hội cũng bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ia Grai Nguyễn Thị Lành cho hay: “Nông hội là tổ chức của những nông dân với tiêu chí “3 không, 3 tự, 3 cùng” nên chưa có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành.

Phần lớn thành viên ban quản trị nông hội là nông dân trực tiếp sản xuất nên kiến thức, kinh nghiệm quản lý, điều hành, các mối quan hệ để liên kết còn hạn chế; vai trò thủ lĩnh chưa được phát huy; nội dung sinh hoạt chưa phong phú, thiết thực”.

Một số hạn chế khác cũng được các đại biểu “điểm mặt chỉ tên” tại hội nghị như: Các tổ chức chính trị-xã hội tại một số địa phương chưa kịp thời nắm bắt, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của nông hội để có giải pháp giải quyết hữu hiệu, kịp thời; một số nông hội hoạt động cầm chừng, giảm hội viên tham gia; có nông hội chuyển hướng khác hoặc dừng hoạt động; một số hội viên nông hội còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền về vay vốn, cây-con giống; định hướng nuôi trồng và tìm đầu ra cho sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh, lợi nhuận thấp...

vuon-chanh-su-dung-giong-dai-nong-1-duc-dien-cua-ong-nguyen-van-sy-thon-phu-tan-xa-ia-bang-huyen-chu-prong-cho-nang-suat-va-chat-luong-vuot-troi.jpg
Vườn chanh dây sử dụng giống Đài Nông 1 Đức Điền của ông Nguyễn Văn Sỹ (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cho năng suất và chất lượng vượt trội. Ảnh: Minh Triều

Đề xuất những giải pháp để mô hình nông hội đạt hiệu quả cao trong những năm tiếp theo, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện Rcom Xuân cho rằng: “Nên chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho hội viên. Việc xây dựng nông hội phải gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xây dựng nông thôn mới giúp người dân chuyển từ thái độ “Thụ động-Trông chờ-Ỷ lại” sang “Chăm chỉ-Tự lực-Hợp tác” và người dân phải khẳng định vị thế là người chủ trên mảnh đất của mình, làm ra sản phẩm nông nghiệp mà mình đã lựa chọn”.

Còn bà Lương Thị Thùy Chi-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ake, thành viên Ban Chủ nhiệm Nông hội Đồng Tâm (huyện Phú Thiện) cho biết: “Để Nông hội Đồng Tâm ngày càng phát triển, chúng tôi sẽ vận động hội viên học tập nâng cao kiến thức về mọi mặt, trọng tâm là tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ; triển khai sản xuất theo chuỗi liên kết, ký kết tiêu thụ sản phẩm của hội viên; tập trung xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, trang bị kiến thức về lĩnh vực liên quan hoạt động của Nông hội cho các hội viên”.

chi-ksor-h-klo-o-to-14-thi-tran-phu-thien-huyen-phu-thien-hoi-vien-hoi-phu-nu-vua-lam-lua-mia-chi-con-chan-nuoi-5-con-bo-moi-nam-cho-thu-nhap-tren-100-trieu-dong.jpg
Chị Ksor H' Klo ở tổ 14 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) vừa làm lúa, mía, chăn nuôi 5 con bò... mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Ảnh: Đ.T

Một số bài học kinh nghiệm và nhiều giải pháp khác cũng được các đại biểu đề cập như: quá trình triển khai mô hình nông hội phải gắn liền với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình OCOP; cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội phải thường xuyên tham gia sinh hoạt cùng nông hội nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, chọn ngành, nghề phù hợp để thành lập nông hội; ban chủ nhiệm nông hội phải là những người thực sự có tâm huyết, uy tín, thể hiện được vai trò dẫn dắt, điều hành để mang lại niềm tin cho các hội viên...

duc-thuy.jpg
Ảnh: Đ.T

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của đại diện các địa phương cũng như các nông hội.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các nông hội phát triển; đồng thời quan tâm tập huấn kiến thức, kỹ năng và nâng cao năng lực quản lý của ban chủ nhiệm nông hội. Đối với vấn đề thành lập hợp tác xã kiểu mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp thu và phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh để thực hiện trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đánh giá cao những kết quả đáng phấn khởi mà mô hình nông hội đem lại. Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Chính quyền địa phương các cấp đã rất quan tâm phát triển mô hình này.

Ban Dân vận Tỉnh ủy và các ban dân vận huyện ủy đã rất sâu sát trong quá trình triển khai mô hình nông hội. Số lượng nông hội đã tăng dần qua từng năm, số lượng thành viên cũng tăng mạnh. Hình thức, cách thức tổ chức mô hình đã mang lại hiệu quả, là cơ hội để nông dân học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật, cách thức sản xuất tiên tiến, kết nối thị trường tiêu thụ.

“Tuy nhiên, đối với những hạn chế, các đơn vị nên có hướng dẫn và tháo gỡ kịp thời. Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả mô hình này, Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương nên định hướng thêm về nguồn kinh phí hỗ trợ, cách làm để nông hội phát triển.

Đồng thời, rà soát, đánh giá lại chất lượng các mô hình nông hội, mô hình nào không hiệu quả thì không làm nữa, không nên chạy theo thành tích và có phương án đối với các nông hội dừng hoạt động. Các cơ quan quản lý nhà nước, ngành Nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ nên xác định các nội dung, chương trình tập huấn, hướng dẫn cho hội viên của các nông hội về phương pháp, kỹ thuật trồng trọt; tiếp tục phát triển các mặt hàng OCOP.

Chính quyền các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân liên kết, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi phương thức sản xuất kinh doanh. Cần khen thưởng, tuyên dương kịp thời những đơn vị, địa phương làm tốt trong công tác phát triển mô hình này, vì đây là làm cho người dân”-Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

(GLO)- Sáng 19-12, tại Hội trường 19-5, HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 17 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Lãnh đạo Binh đoàn 15 động viên công nhân trước khi bước vào hội thi cạo mủ. Ảnh: V.H

Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Kỳ cuối: Đẩy mạnh sản xuất kết hợp với xây dựng vùng biên vững mạnh

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội”, Binh đoàn 15 phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền và người dân tiến hành khai hoang, phục hóa, gieo mầm xanh nơi vùng đất khó biên giới Tổ quốc.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Già làng Nay Hen (bìa trái, buôn Jứ, xã Ia Broắi) hướng dẫn người dân chuẩn bị cây giống thuốc lá. Ảnh: L.N

Ia Pa phát huy vai trò người uy tín

(GLO)- Những năm qua, đội ngũ người có uy tín ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc và giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.