Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Có trọng tâm, trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg yêu cầu khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin-cho và siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, không khoan nhượng với mọi hiện tượng tiêu cực.

Góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 14.780 tỷ đồng. Tới thời điểm này, tổng số vốn đã phân bổ là 13.262 tỷ đồng cho 424 dự án và 2 chương trình mục tiêu quốc gia, đạt gần 90% kế hoạch vốn. Tổng số vốn giai đoạn này đã giải ngân được trên 12.556 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch vốn đã phân bổ.

Tỉnh lộ 665-tuyến giao thông huyết mạch của huyện Chư Prông đang được triển khai thi công. Ảnh: Hà Duy
Tỉnh lộ 665-tuyến giao thông huyết mạch của huyện Chư Prông đang được triển khai thi công. Ảnh: Hà Duy


Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-nhận định: Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga, hồ chứa nước Tầu Dầu 2, hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Ia Rtô, tỉnh lộ 666, đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông, đường nội thị TP. Pleiku, kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun, kè chống sạt lở suối Hội Phú, tỉnh lộ 662B... đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư phát triển các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, đẩy nhanh công tác giảm nghèo. “Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm tăng 7,55%; quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 1,63 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 51,9 triệu đồng, tăng 1,51 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 114.509 tỷ đồng, tăng 92% so với giai đoạn 2011-2015”-ông Thành cho biết.

Sau đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về đầu tư công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh-đánh giá: Các chủ đầu tư có nhiều cố gắng, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả

Mặc dù kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đạt những kết quả tích cực, song là lần đầu tiên triển khai nên vẫn còn hạn chế. Ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-cho hay: “Ở một số dự án, việc giao vốn hàng năm chưa đáp ứng nhu cầu thi công, dự án phải thi công gián đoạn, khó đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình. Có những dự án mức đầu tư không lớn nhưng thời gian bố trí vốn kéo dài nhiều năm, phải triển khai cầm chừng làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Đối với các dự án khởi công mới trong năm, theo quy định, sau khi giao vốn mới đủ điều kiện triển khai. Tuy nhiên, sau khi vốn được giao, lại cần rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục như: thẩm định, phê duyệt, tổ chức lựa chọn nhà thầu... nên thường khởi công chậm, kéo theo tỷ lệ giải ngân đạt thấp”.

 Dự án đường nội thị TP. Pleiku (hạng mục đường Lê Thánh Tôn-Lý Thái Tổ-Lê Đại Hành) hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Dự án đường nội thị TP. Pleiku (hạng mục đường Lê Thánh Tôn-Lý Thái Tổ-Lê Đại Hành) hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị Pleiku. Ảnh: Hà Duy


Từ kết quả giám sát, để công tác đầu tư công đạt hiệu quả, ông Nguyễn Đình Phương cho rằng, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chặt chẽ hơn công tác thẩm định kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 nhằm hạn chế tình trạng bổ sung các công trình, dự án so với kế hoạch chung đầu giai đoạn, thay đổi quy mô, thiết kế ban đầu và điều chỉnh nguồn vốn sau quyết định chủ trương đầu tư dự án; kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Đặc biệt, các chủ đầu tư cần đảm bảo “mặt bằng sạch” trước khi đề xuất chủ trương đầu tư, tránh tình trạng đã cấp vốn nhưng không thực hiện được do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Mới đây, HĐND tỉnh khóa XI đã quyết nghị về kế hoạch và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến là hơn 18.259 tỷ đồng (chưa bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án ODA khởi công mới), trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 12.041 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương hơn 6.218 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, tỉnh sẽ được Chính phủ phê duyệt hơn 3.313 tỷ đồng để tiếp tục triển khai đầu tư công. Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2021 là hơn 2.248 tỷ đồng, còn lại hơn 1.065 tỷ đồng dành cho các dự án khởi công mới sẽ giao sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thông qua.

Trước đó, các địa phương cũng đã chú trọng xây dựng danh mục dự kiến các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách địa phương. Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho hay: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch dựa trên cơ sở định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII và tổng mức vốn dự kiến tại Công văn số 521/UBND-KTTH ngày 11-5-2021 của UBND tỉnh. Kế hoạch được xây dựng đảm bảo yêu cầu và các nguyên tắc như: phù hợp với mức vốn UBND tỉnh đã dự kiến phân bổ với khả năng cân đối thu-chi ngân sách địa phương, mục tiêu, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025)”.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ngày 23-5-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg yêu cầu khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin-cho và siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, không khoan nhượng với mọi hiện tượng tiêu cực. Thủ tướng cũng yêu cầu đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, có ý nghĩa liên vùng, có tác động lan tỏa mạnh mẽ.

 

 HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.